Điểm đến của sinh viên quốc tế

.

Chủ động hội nhập, tích cực tham gia các mạng lưới giáo dục quốc tế là một trong nhiều hoạt động được Đại học Đà Nẵng triển khai trong “Chiến lược phát triển Đại học Đà Nẵng đến năm 2025, tầm nhìn 2035”, nhằm thu hút sinh viên quốc tế đến học tập, nghiên cứu tại các trường đại học thành viên.

Nhiều sinh viên quốc tế lựa chọn, theo học tại Trường Đại học Sư phạm (Đại học Đà Nẵng).  Ảnh: THU HÀ
Nhiều sinh viên quốc tế lựa chọn, theo học tại Trường Đại học Sư phạm (Đại học Đà Nẵng). Ảnh: THU HÀ

Trường Đại học Kinh tế được nhiều sinh viên đến từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Pháp, Lào... lựa chọn đến để học tập, giao lưu. Anaïs Campana (sinh viên năm thứ 3 Trường Đại học Côte d’Azur, Cộng hòa Pháp) đã lựa chọn học trao đổi ngành Kinh doanh quốc tế tại Trường Đại học Kinh tế. Anaïs Campana chia sẻ, sau khi tìm hiểu chương trình học thì Trường Đại học Kinh tế là lựa chọn đầu tiên và cảm thấy đây là môi trường tốt, phù hợp để đến trao đổi học tập và giao lưu văn hóa.

Vừa qua, Trường Đại học Lincoln (New Zealand) đưa 16 sinh viên đến giao lưu, trải nghiệm học tập, cũng như tìm hiểu văn hóa địa phương tại Trường Đại học Kinh tế. Tại đây, sinh viên của hai trường trao đổi về văn hóa, những nét đặc trưng của quốc gia mình, môi trường học tập... Theo PGS.TS Đoàn Ngọc Phi Anh, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế, đây là hoạt động hợp tác, tăng cường kết nối giữa các trường đại học thành viên của Đại học Đà Nẵng với các trường đại học đối tác trên thế giới. Việc giao lưu, trải nghiệm học tập cũng như trao đổi sinh viên có vai trò quan trọng trong xây dựng những thế hệ sinh viên toàn cầu, mở rộng hiểu biết văn hóa, tri thức; cải thiện kỹ năng giao tiếp và khả năng thích ứng xuyên văn hóa, tạo nền tảng để xây dựng mạng lưới quốc tế sâu rộng.

Theo PGS.TS. Trần Hữu Phúc, Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại ngữ, thời gian qua, nhà trường thường xuyên tiếp nhận sinh viên, học viên từ Nhật Bản, Thái Lan, Trung Quốc, Hàn Quốc, Pháp, Lào... đến học tập, giao lưu, trao đổi và nghiên cứu tại trường. Tính riêng năm 2024, nhà trường có 185 sinh viên quốc tế theo học tại các khoa Quốc tế học, Ngôn ngữ Anh, trao đổi ngôn ngữ, văn hóa và học các chương trình tiếng Việt và văn hóa Việt Nam dành cho người nước ngoài.

Tương tự, Trường Đại học Sư phạm cũng là địa chỉ tin cậy được rất nhiều sinh viên quốc tế lựa chọn theo học. TS. Nguyễn Văn Sang, Phó trưởng Phòng Khoa học và hợp tác quốc tế của trường cho biết, hiện trường có khoảng 400 sinh viên quốc tế đến từ 24 quốc gia khác nhau, trong đó nhiều nhất đến từ Lào (chiếm khoảng 50% số sinh viên đang theo học tại trường), Trung Quốc, Hoa Kỳ đang học tập, nghiên cứu. Sinh viên quốc tế đang theo học tại trường gồm 3 nhóm chính là học tiếng Việt; học chuyên ngành (trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ) và sinh viên trao đổi (thực tập sư phạm, sinh viên 3+1). So với các năm trước đây, năm nay số lượng sinh viên quốc tế theo học tại trường tăng khoảng 3-4 lần.

Để tạo điều kiện cho sinh viên quốc tế, nhà trường có nhiều chính sách ưu tiên đặc biệt như: học bổng truyền cảm hứng; học bổng miễn học phí, ký túc xá; tạo điều kiện cơ sở vật chất; các chương trình trải nghiệm văn hóa... Bên cạnh việc dạy tiếng Việt, để hỗ trợ sinh viên quốc tế sớm hòa nhập tại môi trường mới, nhà trường tổ chức nhiều hoạt động liên quan đến văn hóa cổ truyền của Lào, Trung Quốc; ngày hội sinh viên quốc tế để các quốc gia cùng tham gia giao lưu, gắn kết.

Theo Thạc sĩ Hồ Lộng Ngọc, Phó trưởng ban Hợp tác quốc tế (Đại học Đà Nẵng), những năm qua, Đại học Đà Nẵng có nhiều chương trình đào tạo có tính hội nhập quốc tế cao, thu hút sinh viên quốc tế theo học. Năm học 2023 - 2024, Đại học Đà Nẵng có khoảng 930 sinh viên và học viên người nước ngoài, trên tổng số 42.316 sinh viên toàn Đại học Đà Nẵng, chiếm tỷ lệ 2,1%. Trong đó, đa số là sinh viên đến từ Lào, Trung Quốc và Hàn Quốc, còn lại là Úc, Anh, Bỉ, Pháp, Hoa Kỳ, Nga, Thụy Sỹ, Litva, Hungary, Thụy Điển, Đức.

THU HÀ

;
;
.
.
.
.
.