Học sinh "loay hoay" với môn tự chọn kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025

.

Học sinh lớp 12 năm học 2024-2025 là lứa thí sinh đầu tiên thực hiện kỳ thi tốt nghiệp THPT theo chương trình Giáo dục phổ thông 2018. Tuy nhiên, dù sắp hết học kỳ 1 của năm học, nhiều trường đại học vẫn chưa công bố đề án tuyển sinh, khiến nhiều học sinh phân vân, đắn đo trong lựa chọn môn thi tự chọn vào đại học.

Theo phương án tổ chức kỳ thi và xét công nhận tốt nghiệp THPT được Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt, thí sinh thi bắt buộc 2 môn, gồm: Ngữ văn, Toán và 2 môn tự chọn trong số các môn còn lại được học ở lớp 12. Ảnh: XUÂN DŨNG
Theo phương án tổ chức kỳ thi và xét công nhận tốt nghiệp THPT được Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt, thí sinh thi bắt buộc 2 môn, gồm: Ngữ văn, Toán và 2 môn tự chọn trong số các môn còn lại được học ở lớp 12. Ảnh: XUÂN DŨNG

Ít cơ hội khi với 2 môn thi tự chọn

Nhiều trường THPT trên địa bàn thành phố đã tổ chức khảo sát và cho học sinh lớp 12 đăng ký hai môn tự chọn trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025. Theo ghi nhận, ngoài 2 môn thi bắt buộc là Ngữ văn và Toán, tiếng Anh là môn thi tự chọn có số lượng học sinh đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT khá nhiều. Đơn cử, Trường THPT Sơn Trà có 234/424 học sinh lớp 12 đăng ký thi tiếng Anh; Trường THPT Võ Chí Công có 113/319 em lựa chọn thi tiếng Anh; Trường THPT Hòa Vang có 242/400 em chọn thi tiếng Anh…

Bên cạnh đó, một số môn như Vật lý, Địa lý, Hóa học cũng được học sinh lựa chọn. Phạm Ngọc Thanh Hiền, học sinh lớp 12, Trường THPT Trần Phú chia sẻ: “Hai môn thi tự chọn khiến chúng em phải đắn đo, phân vân rất nhiều, làm sao để chọn được nhiều tổ hợp thi nhất. Trong khi đó, nhiều trường đại học công lập vẫn chưa công bố phương án tuyển sinh. Với những bạn đã xác định được tổ hợp xét tuyển thì yên tâm ôn tập. Thế nhưng, những bạn chưa chốt được ngành, trường đại học mong muốn thì sẽ rất khó. Do đó, em đang cố gắng học đều các môn để cho mình nhiều cơ hội khi lựa chọn môn thi”.

Ngoài phù hợp với năng lực, sở thích, còn phải gắn liền với định hướng nghề nghiệp của các em để tăng hiệu quả trong xét tuyển sinh đại học. Mai Văn Hưng, học sinh lớp 12/5 Trường THPT Sơn Trà cho hay, hiện em vẫn chưa chốt được môn thi tự chọn. Ngay khi vào lớp 10, em đã được chọn tổ hợp môn học, thuộc khối lớp xã hội 1 gồm: Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý, Công dân, Công nghệ, Vật lý. Trước đây, Hưng nghĩ rằng với nhiều môn như vậy, em sẽ có nhiều lựa chọn trong đăng ký tổ hợp xét tuyển đại học. Tuy nhiên, hiện chỉ được đăng ký 2 môn tự chọn khiến cho cơ hội, sự lựa chọn của em bị thu hẹp.

“Nhiều bạn trong lớp em dự kiến đăng ký 2 môn tự chọn là Vật lý và tiếng Anh, em đang nghiêng về phương án lựa chọn môn thi tự chọn là Lịch sử, Địa lý vì có kết quả học tập tốt hơn những môn khác. Tuy nhiên, khi chỉ được chọn 2 môn tự chọn như vậy, em chỉ có 2 tổ hợp để xét tuyển đại học, gồm (Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý) và (Toán, Ngữ văn, Lịch sử). Trong khi đó, học lực môn Toán của em không tốt lắm nên em cũng khá lo lắng, nếu kết quả thi không cao thì sẽ khó có cơ hội lựa chọn ngành nghề “hot” hiện nay”, Hưng bày tỏ.

Chủ động định hướng cho học sinh

Qua khảo sát nguyện vọng môn thi tự chọn của nhiều trường, số lượng học sinh lựa chọn môn Tin học, Công nghệ khá ít. Tại Trường THPT Hòa Vang, môn Tin học có 5 học sinh đăng ký và không có học sinh nào đăng ký môn Công nghệ. Qua 2 lần khảo sát, Trường THPT Võ Chí Công số học sinh đăng ký 2 môn này chỉ có 5-6 học sinh/môn. Thầy Phạm Đình Kha, Hiệu trưởng Trường THPT Võ Chí Công cho hay, hiện các trường đại học chưa có phương án khối thi với các môn thi cụ thể trong phương thức thi tốt nghiệp THPT. Vì vậy, học sinh có xu hướng chọn theo các khối thi truyền thống để an toàn. Tuy nhiên, dù các môn có số lượng học sinh đăng ký ít, nhà trường vẫn tổ chức ôn tập, phân công giáo viên phụ đạo, bảo đảm các em đều được đăng ký, thi theo đúng nguyện vọng của mình.

Tương tự, thầy Thái Quang Bình, Hiệu trưởng Trường THPT Ông Ích Khiêm cho biết, hiện trường đang tăng cường phụ đạo cho các em 2 môn thi bắt buộc. Sau khi có kết quả kiểm tra học kỳ 1, các em có định hướng rõ ràng, trường tiếp tục tư vấn và tổ chức phụ đạo cho học sinh những môn tự chọn còn lại. Trên cơ sở nguyện vọng đăng ký của các em, nhà trường tạo điều kiện ôn tập, dạy trái buổi để giúp học sinh nắm vững kiến thức và đạt kết quả cao trong kỳ thi.

Bên cạnh ôn tập, một số trường cũng chú trọng công tác hướng nghiệp cho học sinh. Theo thầy Bùi Minh Quảng, Hiệu trưởng Trường THPT Sơn Trà, từ học kỳ 1, trường đã cho học sinh đến trải nghiệm hướng nghiệp tại một số trường đại học trên địa bàn để các em có hiểu biết về cơ sở vật chất, các chuyên ngành của trường. Sau khi kết thúc học kỳ 1, trường sẽ triển khai họp phụ huynh để tư vấn, định hướng và mời các trường đại học về trường làm công tác hướng nghiệp cho học sinh.

“Các trường công lập Top đầu những năm gần đây đã giảm chỉ tiêu tuyển sinh theo phương thức xét kết quả học bạ THPT. Vì vậy, so với các khóa trước, học sinh lớp 12 năm nay khá bị động trong việc định hướng, lựa chọn môn thi và cả phương án xét tuyển sinh đại học. Với cách thức thi 2 + 2, tỷ lệ học sinh đậu tốt nghiệp năm nay sẽ cao. Tuy nhiên, do số lượng môn thi bị khống chế nên tỷ lệ đậu đại học có thể sẽ thấp hơn mọi năm. Năm ngoái, 94% học sinh lớp 12 của trường đậu đại học. Năm nay, trường phấn đấu 100% em đậu tốt nghiệp và tỷ lệ học sinh đậu đại học bằng hoặc cao hơn năm ngoái”, thầy Quảng chia sẻ.

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Lê Thị Bích Thuận cho biết, để bảo đảm chất lượng kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025, sở chỉ đạo các đơn vị, trường học tăng cường công tác tập huấn, bồi dưỡng, giúp giáo viên nắm vững nội dung và phương pháp giảng dạy theo chương trình mới, đặc biệt là các môn học có thay đổi về cấu trúc và nội dung; giáo viên tập trung hướng dẫn học sinh về cấu trúc và yêu cầu của kỳ thi, phương án thi năm 2025, các môn thi bắt buộc và tự chọn, cũng như các yêu cầu cụ thể của kỳ thi tốt nghiệp THPT theo chương trình mới. Đồng thời, hướng dẫn giáo viên xây dựng kế hoạch ôn tập, phân bổ thời gian hợp lý cho từng môn học, bảo đảm bao quát toàn bộ kiến thức cần thiết cho học sinh.

XUÂN DŨNG

;
;
.
.
.
.
.