Số hóa hoạt động dạy học ở Liên Chiểu

.

Trong thời đại công nghệ 4.0, giáo dục không thể đứng ngoài làn sóng chuyển đổi số. Nhận thức được tầm quan trọng đó, quận Liên Chiểu tiên phong trong triển khai mô hình giáo dục mới, thí điểm lớp học số và thư viện số ở các điểm trường, hướng đến mục tiêu xây dựng Liên Chiểu trở thành điểm sáng về đổi mới giáo dục của thành phố.

Mở không gian học tập mới

Tháng 11-2024, UBND quận Liên Chiểu khánh thành thí điểm lớp học số và thư viện số tại 3 trường trên địa bàn, gồm: Trường THCS Nguyễn Lương Bằng, Trường THCS Ngô Thì Nhậm và Trường Tiểu học Phan Phu Tiên. Đây là mô hình giáo dục mới, được đầu tư xây dựng theo hình thức xã hội hóa với kinh phí gần 4 tỷ đồng. Trong đó, lớp học số được trang bị thiết bị hiện đại với hệ thống máy tính bảng, bảng tương tác, bàn ghế hiện đại, tai nghe và các phần mềm tiên tiến giúp giáo viên tiếp cận các phương pháp giảng dạy mới, ứng dụng công nghệ để làm bài giảng thêm trực quan, sinh động. Đặc biệt, với lớp học này, học sinh có cơ hội trải nghiệm các bài học tương tác, khám phá kiến thức qua thực tế ảo.

Viết Thành, học sinh lớp 7/8, Trường THCS Nguyễn Lương Bằng chia sẻ: “Chúng em rất thích học ở lớp học số vì ở đây không chỉ đẹp, mà có nhiều thứ mới mẻ. Các trang thiết bị hiện đại ở lớp hỗ trợ cho chúng em rất nhiều trong học tập như phát hiện chữ viết sai, phát âm tiếng Anh, ứng dụng tin học… Em mong sẽ có thêm nhiều lớp học như thế này để chúng em được học tập ở đây thường xuyên hơn”.

Theo giáo viên, việc triển khai phòng học số, thư viện số là một bước tiến lớn, mang tính chiến lược trong việc hiện đại hóa giáo dục. Đây không chỉ đơn thuần là đưa công nghệ vào giảng dạy, mà còn mở ra không gian học tập mới, nơi các em học sinh được phát huy tối đa sự sáng tạo và khả năng tư duy, phản biện. Thầy Huỳnh Duy Linh, Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Lương Bằng cho biết, học sinh thay vì chỉ học qua sách vở truyền thống, nay có cơ hội trải nghiệm các bài học tương tác, rèn luyện kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin. Đối với thư viện số, các tài liệu số hóa, kho học liệu phong phú giúp giáo viên và học sinh dễ dàng tiếp cận nguồn tài nguyên quý giá mà không bị giới hạn bởi không gian hay thời gian.

“Hiện nay, nhà trường đang lựa chọn các đầu sách phù hợp với giáo viên và học sinh. Trong đó, định hướng phấn đấu mỗi học sinh đọc ít nhất 1 cuốn sách/tháng. Sau khi đọc mỗi cuốn sách, các em sẽ ghi lại cảm nhận, những điều ấn tượng cũng như bài học rút ra. Đây cũng là một tiêu chí để xếp loại thi đua trong năm. Từ đó, đưa việc phát triển văn hóa đọc trong lứa tuổi học sinh trở nên thực chất, hiệu quả sâu rộng”, thầy Linh nói.

Đẩy mạnh đổi mới giáo dục

Liên Chiểu là địa phương có mức độ tăng dân số nhanh, thiếu trường, lớp học, hạn chế về trang thiết bị, cơ sở vật chất. Do đó, việc đầu tư xây dựng các lớp học số, thư viện số theo hình thức xã hội hóa mang ý nghĩa lan tỏa mạnh mẽ, để các trường trong khu vực tham khảo và học hỏi.

Phó Chủ tịch UBND quận Liên Chiểu Nguyễn Nhường cho hay, thí điểm tạo đà, tiến tới phổ cập giáo dục STEM cho tất cả bậc học trong 5 năm tới là nhiệm vụ trọng tâm của địa phương để tạo đột phá trong công tác giáo dục và đào tạo theo tinh thần Nghị quyết số 29-NQ/TW của hội nghị Trung ương 8 khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Nhận thức được tầm quan trọng đó, UBND quận giao phòng giáo dục và đào tạo triển khai nhanh mô hình giáo dục mới, tiên tiến nhất hiện nay tại 3 điểm trường theo hình thức xã hội hóa. Mục tiêu của mô hình này là góp phần vào chương trình đào tạo nguồn nhân lực từ sớm cho quận Liên Chiểu nói riêng, thành phố nói chung.

Theo Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Phạm Tấn Ngọc Thụy, việc đưa phòng học số và thư viện số vào hoạt động không chỉ tạo điều kiện để các em học sinh được tiếp cận tri thức một cách hiện đại, linh hoạt mà còn khơi dậy tinh thần sáng tạo, chủ động học tập. Đây là công cụ quan trọng giúp thầy cô đổi mới phương pháp giảng dạy, đồng thời xây dựng môi trường học tập thông minh, tích cực. Sự ra đời của phòng học số và thư viện số là minh chứng cho tinh thần hợp tác và quyết tâm đưa giáo dục quận Liên Chiểu tiến xa hơn trên hành trình đổi mới.

“Đây là dấu mốc quan trọng, minh chứng cho sự đổi mới mạnh mẽ trong giáo dục, thể hiện sự quan tâm sâu sắc của các cấp chính quyền, các tổ chức và cá nhân đến sự nghiệp trồng người. Mong rằng, học sinh sẽ tận dụng tốt nguồn tài nguyên kỹ thuật số, nỗ lực học tập, sáng tạo không ngừng để trở thành những công dân toàn cầu có trách nhiệm, tri thức và khát vọng”, ông Thụy bày tỏ.

KHÔI NGUYÊN

;
;
.
.
.
.
.