Giáo dục địa phương là môn học bắt buộc trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018, giúp học sinh có thêm kiến thức về nơi mình sinh sống, bồi đắp tình yêu quê hương. Với tầm quan trọng của môn học này, các đơn vị, trường học đã tăng cường giảng dạy, linh hoạt tổ chức các hoạt động ngoại khóa, nhằm trang bị cho học sinh những hiểu biết căn bản về địa phương mình.
Học sinh các trường trên địa bàn huyện Hòa Vang trong hoạt động giáo dục truyền thống tại Nhà trưng bày Hoàng Sa. Ảnh: K.NGUYÊN |
Công tác giáo dục lịch sử, truyền thống địa phương cho học sinh được ngành giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) đặc biệt quan tâm, triển khai trong hoạt động giáo dục chính khóa và ngoài giờ lên lớp. Năm học 2023-2024, Sở GD&ĐT tham mưu UBND thành phố tổ chức biên soạn, thẩm định và trình Bộ GD&ĐT phê duyệt tài liệu giáo dục địa phương lớp 4, lớp 8 và lớp 11. Tài liệu giáo dục địa phương được xây dựng theo hướng tích hợp, chú trọng thực tiễn và vận dụng. Đến nay, hầu hết các khối lớp có giáo trình môn giáo dục địa phương và được các trường đưa vào giảng dạy. Trong đó, cấp tiểu học dạy tích hợp nội dung giáo dục địa phương với các môn học khác; cấp THCS và THPT tổ chức dạy 1 tiết/tuần.
Đồng thời, chủ động điều chỉnh nội dung dạy học bảo đảm theo yêu cầu, đa dạng hình thức, từ dạy theo chủ đề, dạy tích hợp với hoạt động trải nghiệm thực tế, đến sân khấu hóa, xây dựng dự án; thường xuyên triển khai các hoạt động giáo dục truyền thống cho học sinh tại các bảo tàng, nhà trưng bày, di tích lịch sử - văn hóa, lễ hội truyền thống… nhằm tăng cường kiến thức xã hội, bồi đắp tình yêu quê hương, đất nước trong thế hệ trẻ.
Việc dạy và học môn giáo dục địa phương được các đơn vị, trường học trên địa bàn thành phố thực hiện linh hoạt, sáng tạo. Tại quận Thanh Khê, tài liệu nội dung giáo dục địa phương được Phòng GD&ĐT quận đưa về các trường học, chuyển đến từng phụ huynh và công khai tài liệu dạy học trên website nhà trường. Đối với lớp 9, năm học 2024-2025, các trường cũng nỗ lực giảng dạy ít nhất 2 chủ đề để học sinh kịp kiểm tra học kỳ 1.
Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Trãi Đinh Thị Diệp Tùng cho biết, bộ tài liệu giáo dục địa phương lớp 9 có 6 chủ đề, cung cấp cho học sinh những hiểu biết cơ bản về lịch sử, địa lý, văn hóa, kinh tế, môi trường của thành phố. Ngay sau khi có tài liệu, trường xây dựng kế hoạch giáo dục, chỉ đạo giáo viên bộ môn tổ chức giảng dạy cho học sinh một cách khoa học, hợp lý. Đến nay, học sinh lớp 9 của trường đã hoàn thành 2 chủ đề của giáo trình, gồm: “Lịch sử Đà Nẵng từ đầu thế kỷ XX đến nay” và “Huyện đảo Hoàng Sa”.
“Các hoạt động giáo dục địa phương của trường được tổ chức trong và ngoài khuôn viên nhà trường theo phương thức tham quan, hội trại, sinh hoạt CLB. Qua đó, kết hợp kiến thức lý thuyết lẫn trải nghiệm thực tế, giúp học sinh rèn luyện khả năng tự học và tư duy”, cô Tùng chia sẻ.
Ở vùng đất giàu truyền thống cách mạng và có nhiều di tích lịch sử - văn hóa nhất của thành phố như huyện Hòa Vang, công tác giảng dạy môn giáo dục địa phương được triển khai với hình thức, mô hình đa dạng. Phòng GD&ĐT huyện Hòa Vang cho biết, với chương trình giáo dục phổ thông 2018, nội dung giáo dục địa phương có vị trí như một môn học được phân bổ thời gian 35 tiết học/năm.
Năm học 2023-2024, các trường mầm non, tiểu học, THCS trên địa bàn tổ chức các hoạt động giáo dục trải nghiệm tại di tích lịch sử - văn hóa của thành phố, thu hút gần 12.000 lượt học sinh tham gia. Bên cạnh đó, các trường linh hoạt lồng ghép, tích hợp nội dung giáo dục địa phương trong các bộ môn văn hóa; khai thác cơ sở vật chất, thư viện của nhà trường để tổ chức các hoạt động, sinh hoạt CLB, triển khai phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”, để thu hút học sinh tham gia, rèn luyện.
Theo nhà nghiên cứu Bùi Văn Tiếng, người tham gia biên soạn tài liệu giáo dục địa phương thành phố, các chủ đề của tài liệu được xây dựng theo cấu trúc thống nhất và logic giữa các hoạt động: mở đầu - kiến thức mới - luyện tập - vận dụng. Với cấu trúc này, học sinh sẽ thực hiện các hoạt động dưới sự hướng dẫn của giáo viên để hoàn thành tốt nhiệm vụ học tập. Từ đó, các em có thêm cơ hội hiểu biết đúng về những giá trị đặc trưng của vùng đất này, tăng thêm niềm tự hào, ý thức trách nhiệm trong việc bảo tồn và phát huy những giá trị đó.
“Để có được những thế hệ người Đà Nẵng có văn hóa, bản sắc riêng, năng động hội nhập quốc tế, không thể không bắt đầu sớm từ trường học. Vì thế, thành phố cần quan tâm nhiều hơn đến phát triển giáo dục, ưu tiên đầu tư thực sự ngang hàng quốc sách hàng đầu. Trước hết là xây dựng thế hệ nhà giáo trở thành tấm gương sáng về văn hóa cho học sinh. Từ đó, để mỗi học sinh noi theo, có văn hóa và thái độ ứng xử văn hóa, xứng đáng là những chủ nhân tương lai của đất nước”, ông Tiếng nói.
KHÔI NGUYÊN