ĐNO - Ngày 15-2, Trường Đại học Bách khoa (Đại học Đà Nẵng) phối hợp Sở Giao thông Vận tải Đà Nẵng tổ chức hội thảo “Công nghệ xây dựng và phát triển nguồn nhân lực cho dự án đường sắt tốc độ cao”.
![]() |
Hội thảo có sự tham dự của rất đông chuyên gia, nhà khoa học, giảng viên các trường đại học, doanh nghiệp lĩnh vực xây dựng và giao thông. Ảnh: THU HÀ |
Hội thảo có sự tham dự của hơn 100 đại biểu là chuyên gia, các nhà khoa học từ các viện nghiên cứu, trường đại học, nhà quản lý, kỹ sư, các tổ chức, doanh nghiệp trong lĩnh vực xây dựng và giao thông.
Ngành đường sắt Việt Nam đang bước vào giai đoạn phát triển mạnh mẽ, đặc biệt với dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam và quy hoạch mạng lưới đường sắt đô thị tại các thành phố lớn. Trong 5 - 20 năm tới, nhu cầu nhân lực trong lĩnh vực này dự kiến tăng cao, với khoảng 26.000 - 32.000 lao động cần thiết cho giai đoạn thi công và gần 14.000 lao động cho giai đoạn vận hành. Điều này đòi hỏi đổi mới công tác đào tạo và tiếp cận các công nghệ hiện đại để bảo đảm nguồn nhân lực chất lượng cao.
![]() |
Các đại biểu tham dự thảo luận sôi nổi về vấn đề đào tạo nhân lực ngành đường sắt tốc độ cao. Ảnh: THU HÀ. |
Hội thảo là diễn đàn để các chuyên gia, nhà nghiên cứu và doanh nghiệp trao đổi kiến thức, chia sẻ kinh nghiệm, đưa ra giải pháp thực tế; cập nhật các công nghệ tiên tiến trong xây dựng hạ tầng đường sắt tốc độ cao, đồng thời xây dựng chiến lược đào tạo và phát triển nhân lực phù hợp với thực tiễn.
Nội dung thảo luận xoay quanh các chủ đề như: công nghệ tiên tiến trong xây dựng đường sắt tốc độ cao; định hướng đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho dự án đường sắt tốc độ cao và phát triển chương trình đào tạo; hợp tác trong đào tạo, nghiên cứu và chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực đường sắt tốc độ cao… Bên cạnh đó, các đại biểu trao đổi, góp ý cho chương trình đào tạo chuyên ngành Xây dựng đường sắt - metro của Trường Đại học Bách khoa đang triển khai.
Hội thảo không chỉ mang ý nghĩa học thuật mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc kết nối các trường đại học, viện nghiên cứu và doanh nghiệp trong và ngoài nước. Đây là cơ hội mở rộng hợp tác, chuyển giao công nghệ cao và xây dựng lực lượng lao động đáp ứng nhu cầu phát triển giao thông đường sắt hiện đại, bền vững, góp phần hiện thực hóa mục tiêu phát triển hạ tầng giao thông đồng bộ, tạo động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội của đất nước.
THU HÀ