Phát huy cơ chế tự chủ đại học, với sức mạnh cộng hưởng từ các trường đại học thành viên, tích hợp tri thức đa ngành, liên ngành, Đại học Đà Nẵng hội đủ tiềm lực để cung ứng nguồn nhân lực chất lượng, đáp ứng kịp thời yêu cầu phát triển trung tâm tài chính khu vực tại Đà Nẵng trong thời gian tới.
![]() |
Trường Đại học Kinh tế - Đại học Đà Nẵng ký kết hợp tác với Học viện TMC (Singapore) trong đào tạo nguồn nhân lực góp phần phát triển trung tâm tài chính khu vực tại Đà Nẵng. Ảnh: NGỌC HÀ |
Đón đầu xu hướng
Đà Nẵng có nguồn nhân lực dồi dào trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng, kế toán - kiểm toán, thương mại điện tử, ngoại thương, logistics, quản trị kinh doanh, luật kinh tế, công nghệ thông tin,… chủ yếu được đào tạo từ các trường đại học lớn trong khu vực miền Trung và trên cả nước. Trong đó, Trường Đại học Kinh tế (Đại học Đà Nẵng) có vai trò là cơ sở đào tạo chủ lực, hằng năm cung cấp khoảng 3.500 cử nhân, thạc sĩ và tiến sĩ.
Với đội ngũ giảng viên trình độ cao, hơn 85% được đào tạo sau đại học ở các nước phát triển, nhiều người được đào tạo từ các trường đại học danh tiếng thuộc top 100 trường đại học hàng đầu thế giới. Chất lượng đào tạo của Trường Đại học Kinh tế vượt trội, cung cấp nhân lực có năng lực làm việc trong môi trường tài chính quốc tế.
Điểm xét tuyển các ngành như: ngoại thương, logistics, tài chính, kế toán-kiểm toán, quản trị kinh doanh của trường dao động 24 - 27 điểm (thang điểm 30). Hơn 30% sinh viên đầu vào có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế. Điều này bảo đảm sinh viên có nền tảng kiến thức tốt, tư duy logic cao và khả năng học hỏi nhanh, phù hợp các yêu cầu khắt khe của thị trường lao động tài chính quốc tế.
Trường Đại học Công nghệ thông tin và Truyền thông Việt - Hàn (Đại học Đà Nẵng) tuyển sinh ngành Công nghệ tài chính (Fintech) năm 2025 với 60 chỉ tiêu, định hướng giảng dạy 100% tiếng Anh, kết hợp thực tập thực tế tại các doanh nghiệp. Nhà trường có VKU Fintech Hub với các trang thiết bị hiện đại, hệ thống các phần mềm chuyên dụng về phân tích dữ liệu tài chính SAS, phần mềm mô phỏng (sàn giao dịch thương mại điện tử; chiến lược kinh doanh; thanh toán điện tử; tiếp thị kỹ thuật số) và hệ thống giáo trình, tài liệu đáp ứng yêu cầu đào tạo ngành này.
Đề án nhân lực phục vụ trung tâm tài chính khu vực
Tại phiên họp lần thứ nhất của Ban Chỉ đạo thành phố thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, được tổ chức tháng 2-2025, lãnh đạo thành phố giao nhiệm vụ cho Đại học Đà Nẵng xây dựng, triển khai kế hoạch đào tạo để đáp ứng nguồn nhân lực chất lượng cao cho trung tâm tài chính khu vực và khu thương mại tự do tại Đà Nẵng.
Ngay sau đó, Đại học Đà Nẵng chỉ đạo Trường Đại học Kinh tế tham mưu, đề xuất thực hiện đề án thu hút chuyên gia, nhân lực cho trung tâm tài chính khu vực và khu thương mại tự do tại Đà Nẵng. PGS.TS Lê Văn Huy, Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế, cho biết việc xây dựng đề án thu hút, đào tạo nhân lực phục vụ trung tâm tài chính khu vực tại Đà Nẵng là rất cấp thiết trong bối cảnh Đà Nẵng có cơ hội lớn để phát triển thành trung tâm tài chính nhờ vào vị trí chiến lược và tiềm năng phát triển kinh tế.
Mục tiêu hướng đến là hình thành hệ sinh thái nhân lực chất lượng, trong đó thu hút nhân tài quốc tế, phát triển nguồn nhân lực trong nước, đào tạo chuyên sâu theo chuẩn quốc tế và nâng cao năng lực quản lý, vận hành trung tâm tài chính là các trụ cột quan trọng. Đề án đặt mục tiêu xây dựng hệ thống đào tạo theo chuẩn quốc tế theo hướng hội nhập, cập nhật tri thức tiên tiến. Đề án còn chú trọng đến việc đào tạo chuyên gia, quản lý ngắn hạn và tái đào tạo nhân lực liên ngành nhằm đáp ứng nhu cầu nhân lực trong nhiều lĩnh vực khác nhau của trung tâm tài chính.
NGỌC HÀ