Đào tạo, phát triển nhân lực ngành vi mạch bán dẫn

.

Với định hướng phát triển ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn, bên cạnh thu hút đầu tư, chuẩn bị hạ tầng thì nhân lực là một trong những yếu tố then chốt. Các trường đại học trên địa bàn thành phố đang cùng các doanh nghiệp đào tạo, phát triển nhân lực cho ngành này.

Sinh viên Trường Đại học Công nghệ thông tin và Truyền thông Việt - Hàn trong giờ học vi mạch. Ảnh: THU HÀ
Sinh viên Trường Đại học Công nghệ thông tin và Truyền thông Việt - Hàn trong giờ học vi mạch. Ảnh: THU HÀ

Đào tạo chuyên sâu

Sau khi tốt nghiệp ngành Tự động hóa, Trường Đại học Bách khoa (Đại học Đà Nẵng), Ngô Tri Khiêm hiện đang làm kỹ sư thiết kế vật lý (physical design) tại Công ty FPT Semiconductor. Khiêm cho biết, trong quá trình học, em thấy kiến thức được đào tạo khá rộng, trong đó có các môn như mạch số và mạch điện tử, đây là những nền tảng quan trọng cho lĩnh vực điện tử.

Việc chuyển hướng sang ngành vi mạch là khi em được tham gia khóa học “Thiết kế vật lý vi mạch VLSI cơ bản” do Trung tâm đổi mới sáng tạo Quốc gia Việt Nam (NIC) phối hợp Tập đoàn FPT, tổ chức Tresemi từ Silicon Valley và Tập đoàn Cadence tổ chức từ tháng 2 đến tháng 5-2024. Khóa học tập trung kiến thức nền tảng thiết kế vật lý vi mạch, công nghệ CMOS cơ bản, quy trình thiết kế, kết hợp với các buổi thực hành sử dụng công cụ Innovus (Cadence) trên hệ điều hành Linux. Đội ngũ giảng viên đến từ tổ chức Tresemi đã mang đến cho em một nền tảng kiến thức vững chắc và định hướng rõ ràng cho vị trí việc làm trong ngành vi mạch.

Nhằm đáp ứng nhu cầu đào tạo nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn, năm 2024, Trường Đại học Bách khoa mở chuyên ngành Vi điện tử - Thiết kế vi mạch thuộc ngành Kỹ thuật điện tử - viễn thông với 60 chỉ tiêu. PGS.TS Nguyễn Hồng Hải, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa cho biết, nhà trường đã thiết kế chương trình phù hợp chuẩn đào tạo trong nước và quốc tế, sinh viên được học các môn học cốt lõi như: cấu kiện điện tử, thiết bị bán dẫn, kỹ thuật vi xử lý, thiết kế vi mạch số và tương tự, công nghệ VLSI, cùng với các học phần thực hành nâng cao…

Bên cạnh đó, trường xây dựng các phòng thí nghiệm về điện tử cơ bản và nâng cao, phòng thực hành thiết kế vi mạch, phòng thí nghiệm điện tử cơ bản. Để nâng cao chất lượng đào tạo, nhà trường ký kết hợp tác với các công ty hàng đầu trong lĩnh vực vi mạch hỗ trợ sinh viên thực tập, thực hành, nghiên cứu; phối hợp với Trung tâm đổi mới sáng tạo Quốc gia Việt Nam và các chuyên gia có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn tại Mỹ tổ chức các khóa đào tạo chuyên sâu, nâng cao trình độ chuyên môn cho giảng viên trong mảng thiết kế vi mạch…

Là trường đầu tiên ở miền Trung - Tây Nguyên công bố tuyển sinh đào tạo thiết kế vi mạch bán dẫn, năm học 2024, Trường Đại học Công nghệ thông tin và Truyền thông Việt - Hàn (VKU) tuyển sinh khóa đầu tiên với 60 chỉ tiêu kỹ sư thiết kế vi mạch bán dẫn. Năm 2025, nhà trường tuyển 80 chỉ tiêu ngành này.

PGS.TS. Huỳnh Công Pháp, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, trường luôn nỗ lực trong việc đẩy mạnh, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu ngày càng lớn của ngành công nghiệp bán dẫn. Nhà trường phối hợp với Trung tâm nghiên cứu, đào tạo thiết kế vi mạch và trí tuệ nhân tạo (DSAC) và Công ty Synopsys Việt Nam hỗ trợ phần mềm bản quyền tổ chức khóa đào tạo 25 giảng viên chọn từ các trường đại học trên địa bàn thành phố (trong 6 tháng).

Song song với đó, nhà trường chủ động tổ chức đào tạo 15 học viên là sinh viên VKU và các trường đại học từ các ngành, chuyên ngành gần sang thiết kế vi mạch bán dẫn. Ngoài ra, VKU cũng đã mở chương trình đào tạo thạc sĩ, phát triển nhóm nghiên cứu về vi mạch bán dẫn; xây dựng kế hoạch đào tạo nhân lực về đóng gói, kiểm thử vi mạch bán dẫn; tuyển sinh đào tạo các lớp nâng cao kỹ năng cho sinh viên; phát triển, đào tạo bồi dưỡng đội ngũ giảng viên; đưa vào sử dụng Trung tâm vi mạch bán dẫn và công nghệ thông minh (VKU-SSTH); phòng thí nghiệm và nghiên cứu công nghệ mới và vi mạch bán dẫn, tăng cường hợp tác với nhiều đối tác chiến lược trong và ngoài nước.

Sinh viên Trường Đại học Bách khoa đăng ký xét tuyển học bổng của Công ty Mixel Việt Nam.  Ảnh: THU HÀ
Sinh viên Trường Đại học Bách khoa đăng ký xét tuyển học bổng của Công ty Mixel Việt Nam. Ảnh: THU HÀ

“Ươm mầm” nhân lực ngành bán dẫn

Để hỗ trợ, tạo động lực cho sinh viên trong lĩnh vực công nghiệp bán dẫn, mới đây, Công ty Mixel Việt Nam có buổi giới thiệu học bổng “Light Your Way - Thắp sáng lối đi riêng” đến sinh viên các ngành liên quan đến lĩnh vực bán dẫn của Trường Đại học Bách khoa. Sinh viên đăng ký học bổng, sau đó công ty sẽ phỏng vấn và công bố kết quả vào tháng 5-2025.

Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Công ty Mixel Việt Nam Nguyễn Bảo Anh cho biết, học bổng này là cơ hội để sinh viên được trải nghiệm các bài toán công nghệ vi mạch, sinh viên sẽ được hướng dẫn trực tiếp bởi các chuyên gia kinh nghiệm trong ngành, cũng như có cơ hội thực tập và lộ trình phát triển toàn diện tại Mixel Vietnam (thành viên của Tập đoàn Mixel, Hoa Kỳ), nhà cung cấp hàng đầu thế giới về các lõi IP mạch hỗn hợp.

Công ty được thành lập với mong muốn đem nhiều công nghệ tiên tiến trên thế giới về Việt Nam nói chung, Đà Nẵng nói riêng. Điều này tạo ra nhiều cơ hội hơn cho sinh viên được đào tạo một cách bài bản, được thử sức với những công nghệ cao, góp phần xây dựng đội ngũ chuyên gia người Việt có trình độ cao, tạo tiền đề cho những sản phẩm cao cấp từ Việt Nam trong tương lai.

Tương tự, Công ty Synopsys Việt Nam trao học bổng Synopsys IC Design Scholarship Program 2025 cho 6 sinh viên xuất sắc trong lĩnh vực thiết kế vi mạch của Trường Đại học Bách khoa. Ông Nguyễn Thế Linh, Giám đốc điều hành Kỹ thuật Công ty Synopsys Corporate Headquarters cho hay, công ty luôn sẵn sàng đồng hành các trường đại học nuôi dưỡng những tài năng trẻ đam mê với lĩnh vực vi mạch bán dẫn và học bổng này nhằm thúc đẩy đổi mới sáng tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đóng góp tích cực cho hệ sinh thái bán dẫn tại Việt Nam.

THU HÀ

;
;
.
.
.
.