ĐNO - Sáng 3-3 (nhằm 16 tháng Giêng), lễ hội cầu ngư quận Thanh Khê - một trong những lễ hội độc đáo của Đà Nẵng - diễn ra với các nghi lễ truyền thống và phần hội mang đậm nét văn hóa của cư dân vùng biển.
Lễ hội cầu ngư quận Thanh Khê năm nay do phường Thanh Khê Đông đăng cai tổ chức, kéo dài từ ngày 1-3 đến 3-3.
Ngay từ sáng sớm, đông đảo người dân quận Thanh Khê tập trung tại lễ đài chính để tiến hành lễ nghinh thần. Lễ nghinh thần được tổ chức trang nghiêm với lễ cúng, đọc văn tế, lễ rước trên biển mời thủy thần chứng giám lòng thành của ngư dân.
Người thực hiện nghi thức lễ nghinh thần là các vị cao niên trong làng, am hiểu truyền thống, lịch sử của địa phương và tường tận các nghi thức cúng bái. Ảnh: NGỌC HÀ |
Sau lễ cúng bái, đoàn rước gồm những vị cao niên, người dân, trong trang phục áo dài, khăn đóng cùng kiệu rước, đội dâng hoa quả tiến về lễ đài chính thực hiện nghi thức cầu an, cầu ngư. Ảnh: HUỲNH TRANG |
Lễ đài chính, được trang trí khá long trọng, bao gồm cả các chiếc ghe, thuyền bằng gỗ - biểu trưng của những chiếc ghe gặp nạn trong cơn bão lịch sử năm Quý Tỵ 1893. Bên cạnh đó là tượng Ông chài được ngư dân làng Thanh Khê đang hành nghề đánh cá trên biển vớt được vào mùa thu năm Canh Ngọ 1990. Ảnh: NGỌC HÀ |
Lễ cầu ngư đi đôi với hát bả trạo - hình thức tế âm linh trên biển, ca ngợi công đức của cá Ông, đồng thời cầu xin cá Ông phù hộ để ngư dân bình an giữa biển khơi… Ảnh: HUỲNH TRANG |
Lễ hội cầu ngư có thêm màn múa tường trình của Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh, với mong ước cho ngư dân một mùa đánh bắt thắng lợi. Ảnh: NGỌC HÀ |
Lễ hội cầu ngư có một vị trí đặc biệt trong đời sống tâm linh, gắn liền với tín ngưỡng thờ cá Ông đã có từ xa xưa. Đây còn là một hình thái sinh hoạt văn hóa cộng đồng đặc biệt, là không gian lưu trữ xác thực các bằng chứng liên quan đến chủ quyền biển đảo và kinh nghiệm ứng xử với biển của các thế hệ ngư dân.
Năm 2016, lễ hội cầu ngư Đà Nẵng được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Từ đó, lễ hội cầu ngư được các địa phương chú trọng tổ chức, người dân cũng hào hứng tham gia hơn.
Ngoài yếu tố văn hóa tâm linh, lễ hội cầu ngư còn là dịp để người dân vùng biển hòa trong không khí lễ hội với các trò chơi dân gian gắn liền với miền biển như: đan lưới, kéo co, ẩm thực biển, ngoáy thúng…, tạo khí thế cho một mùa ra khơi đánh bắt hải sản.
Cuộc thi đan lưới thu hút nhiều ngư dân trên địa bàn quận tham gia, trong đó có cả những phụ nữ của làng. Ảnh: NGỌC HÀ |
Bên cạnh đó, lễ hội còn trưng bày tài liệu, hình ảnh về Đà Nẵng - di sản văn hóa biển đảo, gồm các phần: Di sản văn hóa biển đảo, giới thiệu về nghề ngư nghiệp - từng là ngành kinh tế chính của ngư dân Đà Nẵng, giới thiệu Hoàng Sa những bằng chứng lịch sử, khẳng định chủ quyền của Việt Nam, giới thiệu tiềm năng du lịch của Đà Nẵng; triển lãm tranh vẽ "Em yêu biển đảo quê hương" do các em học sinh trên địa bàn quận thực hiện; giới thiệu các gian hàng bán sản phẩm chế biến từ hải sản, để người dân, nhất là thế hệ trẻ hiểu hơn nghề truyền thống cha ông, cũng như chủ quyền biển, đảo.
Không gian triển lãm Đà Nẵng – di sản văn hóa biển đảo thu hút khá đông khách tham quan, đặc biệt là các em học sinh, qua đó khơi dậy tình yêu quê hương, biển đảo trong thế hệ trẻ. Ảnh: NGỌC HÀ |
NGỌC HÀ - HUỲNH TRANG