Nghĩ về Ông Ích Khiêm - một võ tướng người Quảng

.

LTS. Năm nay, Hội Khoa học Lịch sử thành phố phát động Ngày hội Sử học Đà Nẵng 2019 nhằm hướng đến hai sự kiện: 45 năm (1974-2019) Trung Quốc dùng vũ lực cưỡng chiếm trái phép toàn bộ quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, cũng là huyện đảo Hoàng Sa của Đà Nẵng và 190 năm ngày sinh Ông Ích Khiêm (25-1-1829 – 25-1-2019), một danh nhân quê Đà Nẵng. Báo Đà Nẵng giới thiệu bài “Nghĩ về Ông Ích Khiêm - một võ tướng người Quảng” của tác giả Bùi Văn Tiếng, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử thành phố.

Lăng mộ Ông Ích Khiêm đã được xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa quốc gia.  Ảnh: THÁI MỸ
Lăng mộ Ông Ích Khiêm đã được xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa quốc gia. Ảnh: THÁI MỸ

Câu chuyện Ông Ích Khiêm sinh năm nào, đến nay vẫn đang tồn tại một số thông tin khác nhau. Chẳng hạn nhiều tài liệu ghi rõ Ông Ích Khiêm sinh ngày 25-1-1829 nhằm ngày 21 tháng Chạp Mậu Tý - còn chục ngày nữa là hết năm mà phải chịu một tuổi âm lịch. Hay chẳng hạn PGS.TS Ngô Văn Minh trong bài Ông Ích Khiêm một danh tướng nặng lòng vì nước đăng trên Trang tin điện tử Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam ngày 13-7-2006 cho rằng Ông Ích Khiêm sinh năm Tân Mão 1832 - theo PGS.TS Ngô Văn Minh thì sở dĩ tính như vậy là vì Đại Nam chính biên liệt truyện ghi ông thi đỗ cử nhân khoa Đinh Mùi 1847 niên hiệu Thiệu Trị thứ 7 vào lúc 15 tuổi, cho nên chỉ cần một phép trừ đơn giản (mặc dầu không nêu ngày/tháng nhưng 1832 là năm Nhâm Thìn mà PGS.TS Ngô Văn Minh vẫn ghi năm Tân Mão, chứng tỏ đã có tham khảo và chấp nhận thực tế mười ngày một tuổi trong thông tin thứ nhất).

Cũng nói thêm rằng cách tính tuổi Ông Ích Khiêm dựa vào hai con số - 15 tuổi và niên đại 1847 - thể hiện tư duy khoa học, có điều niên đại 1847 thì không có gì để bàn nhưng con số 15 không hẳn là số tuyệt đối chính xác, chẳng hạn 15 là đã tính hay chưa tính tuổi mụ như cách tính tuổi của người xưa - có khi ở đây 15 được hiểu là tuổi mười lăm chứ không phải mười lăm tuổi. Điều có thể khẳng định là Ông Ích Khiêm từng vượt qua kỳ thi Hương khi còn ở tuổi teen/tuổi mười mấy bất kể ông sinh năm 1829 hay năm 1832, bởi sinh năm nào cũng đều phù hợp với đề bài Thiếu niên đăng cao khoa mà vua Thiệu Trị dùng để “phúc khảo” Ông Ích Khiêm. Do vậy tôi vẫn thiên về thông tin Ông Ích Khiêm sinh cuối năm Mậu Tý đầu năm 1829 và năm 2019 này là tròn 90 năm sinh của ông.

Trong suy nghĩ của kẻ hậu sinh như tôi, Ông Ích Khiêm trước hết là một nhà quân sự đầy tài năng. Đời làm quan võ, Ông Ích Khiêm từng lập nhiều chiến công, góp phần bảo vệ quốc phòng - an ninh của đất nước. Ông Ích Khiêm có tham gia chống lại cuộc tấn công xâm lược của quân đội Pháp để bảo vệ Tổ quốc nhưng không phải trong cuộc chiến đấu dưới chân thành Điện Hải năm 1858 ở quê nhà - cùng với huyền thoại trận Mù U mang đậm màu sắc dân gian - mà là trong cuộc phòng thủ kinh thành Huế năm 1882 ở cửa biển Thuận An, và do vậy phần lớn chiến công của ông là kết quả tiễu trừ thổ phỉ Trung Quốc đang hoành hành ở các tỉnh biên giới phía Bắc.

Chiến công lớn nhất của Ông Ích Khiêm là đã bắn chết thủ lĩnh thổ phỉ Trung Quốc Ngô Côn tại trong một trận giao chiến ở gần sông Đuống vào cuối năm Canh Ngọ 1870. Không phải ngẫu nhiên mà người cùng quê thường gọi ông là Cụ Tiễu Phong Lệ mặc dầu ông không chỉ giữ chức tiễu phủ sứ và đây cũng không phải chức vụ cao nhất của ông, bởi chức vụ cao nhất của Ông Ích Khiêm là Binh bộ Tả Thị lang được phong vào năm 1867, tức quan chức cao cấp thứ tư trong bộ Binh triều Nguyễn, sau quan Thượng thư và hai quan Tả Tham Tri/Hữu Tham tri - Binh bộ Tả Tham Tri/Hữu Tham tri tương đương chức thứ trưởng Bộ Quốc phòng ngày nay.

Tính cách Quảng-Nam-quá-mức-cương-trực của Ông Ích Khiêm là điều khó phủ nhận nhưng có vẻ như đã được thổi phồng qua các giai thoại không rõ bao nhiêu phần trăm sự thật - như giai thoại về bữa tiệc toàn thịt chó - khiến một số quan chức đương thời vốn không thích càng thêm ghét ông. Có điều không hiểu sao ông lại được vua Tự Đức dành cho nhiều thiện cảm. Chính vua Tự Đức đã cho đổi họ Ông/ 螉 (có chữ Trùng) của Ông Ích Khiêm thành họ Ông/ 翁 (không có chữ Trùng) và nhiều lần cho Ông Ích Khiêm cơ hội được đoái công chuộc tội sau những trắc trở trục trặc trên quan lộ do tính cách Quảng-Nam-quá-mức-cương-trực ấy. Có lẽ tài năng quân sự vượt trội của Ông Ích Khiêm đã vào mắt xanh người đứng đầu vương triều, giống như lần đầu tiên trong đời đi thi, tài năng văn chương hơn người của Ông Ích Khiêm đã vào mắt xanh quan chánh chủ khảo…

Vua Tự Đức từng có lời dụ rằng: “Ngươi (Ông Ích Khiêm) vốn là người học thức mà ra, phải cái tính khí cương cường nóng nảy, phàm việc không chịu ở sau người… Việc ngươi đánh dẹp bọn phỉ ở tỉnh Bắc, khí tiết, công lao, trẫm đều rõ hết… Thế mà gần đây được tin là ngươi đến đâu phần nhiều dung túng cho quân sĩ làm càn. Nếu quả thực như vậy thời dân còn trông mong gì nữa! Nếu ngươi còn hối cải để khỏi phụ cái ơn tri ngộ, thì là điều mà trẫm rất mong mỏi. Bằng cứ võ biền, quên lời ân cần dạy bảo, thời trẫm phó mặc ngươi cho công luận triều đình, dù ngươi có tài cũng không tha luôn mãi được...”(1).

Ngay như một người vốn không thiện cảm với Ông Ích Khiêm là Nguyễn Văn Tường cũng đánh giá ông rất công bằng: “Ông Ích Khiêm, khí chất hung hãn, hơn mười năm nay từng trải trăm trận, tuy trong khoảng đó có lúc cậy công nhưng gặp lúc hiểm nghèo đã vâng mệnh, lâm cơ ứng biến, binh lính đều chịu sai phái, kẻ địch cũng sợ hãi cho nên các bầy tôi ở quân thứ hiện nay không ai vượt qua. Nếu gặp được vị thống soái tài hiểu biết, có uy vọng hơn hẳn thì có thể làm cho ông ta kính sợ, mới có thể từ bỏ hết lỗi lầm mà tỏ rõ công lao, đó cũng là vị lương tướng ngày nay vậy. Duy tài lộ ra ở khí, hàm dưỡng chưa sâu, mà kẻ đồng sự lại chưa có ai hơn mình, cho nên vì khinh nhờn mà sinh kiêu căng, vì cưỡng cường mà sinh ngỗ ngược, đến nỗi tự mắc vào lỗi lầm đáng tiếc...” (2).

Tuy nhiên người thấu hiểu Ông Ích Khiêm một cách sâu sắc nhất có lẽ là người bạn vong niên/ đồng hương Quảng Nam Phạm Phú Thứ và dường như nhờ Phạm Phú Thứ mà vua Tự Đức càng có thiện cảm và bao dung hơn với Ông Ích Khiêm. Đáng nhớ nhất là ngày 13 tháng 11 Giáp Tuất 1874 niên hiệu Tự Đức thứ 27, Phạm Phú Thứ lúc bấy giờ đang giữ chức Tổng đốc Hải An, sau khi về Quảng Nam và ghé thăm Ông Ích Khiêm đang chữa bệnh ở quê nhà, đã dâng sớ lên vua Tự Đức nhằm giúp Ông Ích Khiêm sớm được trở lại chính trường, với lý do rất thuyết phục:

“Phải có người để giữ vững bờ cõi ta, khiến cho thế của phỉ ngày càng cô lập, người Tây không thể xem thường (…) Gần đây tướng tài ở đất Bắc chỉ có bề tôi là Tôn Thất Thuyết và viên bị cách là Ông Ích Khiêm khá hơn cả (…) Xét lời ông ta (tức Ông Ích Khiêm - BVT) cùng với người thường dân ngồi trao đổi lâu thì hỏa tính giảm hẳn. Thần nhân hỏi về sự trạng gần đây, cứ lời ông ta nói là từ ngày đội ơn được về quê điều trị, ngày ngày nhắc nhớ ơn vua và duy trì phương thuốc, từ đó bệnh ngày một giảm... Khi trước tỉnh quan đến hỏi, ông ta đã nguyện tăng gấp điều trị để sớm công hiệu mà báo đáp. Và như năm qua, khi Hà Nội xảy ra sự biến, ông đã từng đem việc nhà phó cho con cháu để ngày tiếp ra kinh xin đi, nhưng chứng bệnh chợt phát, cho nên nửa chừng lại thôi. Điều đó làng xóm đều biết. Lòng ông ta chưa quên báo đáp vậy. Nay thì bệnh ngày đã bớt, mà răng khuyển mã cũng ngày một dài, không ra mà báo đáp thì phụ ơn, phụ tấm lòng dâng lên vua”.

Kết quả là Ông Ích Khiêm được vua Tự Đức bổ làm Tán tương quân thứ Bắc Ninh vào đầu năm Ất Hợi 1875 niên hiệu Tự Đức thứ 28. Điều đó lý giải vì sao giữa chiến trường Thuận An nóng bỏng năm 1882, Ông Ích Khiêm vẫn quyết định tranh thủ về Quảng Nam thắp hương tiễn biệt Phạm Phú Thứ vừa mới qua đời nhằm bày tỏ lòng biết ơn và thương tiếc một người bạn đồng hương/ đồng liêu tri âm tri kỷ. Còn với thâm tình của vua Tự Đức thì trong Di chúc viết tại nhà ngục Bình Thuận, Ông Ích Khiêm khẳng định: “Ta tham gia phụng sự tiên đế đã hơn ba mươi năm, thân làm chiến tướng, tuy nghĩa vua tôi song ơn tình giống như cha mẹ, nhưng mà sự giúp ích đền đáp của ta không từng có hiệu quả”. Rõ ràng Ông Ích Khiêm là người sống có nghĩa có tình, rất biết đối nhân xử thế.

Ông Ích Khiêm cũng tự ý thức được nhược điểm của bản thân là tính khí nóng nảy, ăn nói bộc trực dễ làm tổn thương người khác và nhiều khi phải chịu vạ miệng. Cho nên trong Di chúc, Ông Ích Khiêm không quên căn dặn con cháu: “Hàng em, hàng con, mỗi người nên ngậm miệng, trói lưỡi, chớ có khinh dễ lạm dụng lời nói; hãy lấy ở ta mà làm gương soi sáng thì tránh xa tai vạ đấy”. Ở đây Ông Ích Khiêm không hề khuyên con cháu im lặng thờ ơ với những điều trông thấy/ những chuyện bất bình - bởi nếu thế thì năm 1908 sẽ không có Ông Ích Đường tràn đầy khí phách trước cường quyền: “Bao giờ hết mía mới hết Đường!”. Ông Ích Khiêm chỉ muốn khuyên con cháu hãy cẩn trọng với lời nói và lấy bài học thất bại của chính cuộc đời mình để cảnh tỉnh hậu thế. Không né tránh và thẳng thắn bộc bạch nhược điểm của bản thân như vậy cũng là một phẩm chất rất Ông Ích Khiêm.

BÙI VĂN TIẾNG

(1)Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam chính biên liệt truyện (bản dịch), NXB Văn học, 2004, tr. 818

(2)Nguyễn Văn Tường, Bắc Kỳ tấu nghị ngày 20 tháng 6 năm Quý Dậu 1873 niên hiệu Tự Đức thứ 26, in trong Nguyễn Văn Tường, cuộc đời và lời giải, Đỗ Bang chủ biên, NXB Văn hóa thông tin, 2007, trang 37. 

;
;
.
.
.
.
.