Nhóm Đình Làng Việt: Dùng facebook để bảo tồn di sản

.

Nhờ có facebook mà những thành viên của Đình làng Việt ở khắp mọi miền Tổ quốc có thể chia sẻ những “tiếng kêu cứu” của nhiều di tích, đình làng.

Nhóm Đình làng Việt tiễn ông Công ông Táo ở giếng làng Lệ Mật. (Ảnh:FB)
Nhóm Đình làng Việt tiễn ông Công ông Táo ở giếng làng Lệ Mật. (Ảnh:FB)

Tranh thủ tính năng kết nối, chia sẻ của mạng xã hội facebook, nhà nghiên cứu mỹ thuật truyền thống - anh Nguyễn Đức Bình đã thành lập nhóm Đình làng Việt với ý tưởng kết nối những người yêu di sản, yêu văn hóa truyền thống cùng chung tay bảo vệ di sản Việt.

Ảo mà không ảo

Năm 2014, trong khi thực hiện đề án nghiên cứu giá trị văn hóa đình làng Việt, qua các chuyến điền dã, tìm hiểu thực tế, gặp gỡ những nhà nghiên cứu, những người yêu văn hóa truyền thống và thấu hiểu giá trị của đình làng trong đời sống văn hóa của người Việt, anh Nguyễn Đức Bình nhận thấy có rất nhiều người quan tâm, yêu mến, trăn trở, lo lắng cho sự tồn tại của những ngôi đình làng vốn chứa đựng cội rễ của mọi giá trị văn hóa Việt nhưng lại không có điều kiện để kết nối, chia sẻ, cùng tìm ra giải pháp bảo tồn cho những ngôi đình. Vì thế Đình làng Việt ra đời.

Nhóm Đình làng Việt nhanh chóng thu hút cộng đồng mạng gồm những người yêu di sản nói chung và đình làng nói riêng. Ban đầu, nhóm là nơi các thành viên chia sẻ thông tin, kiến thức về đình làng như: kiến trúc, chạm khắc trang trí và những kiến thức về lịch sử văn hóa xung quanh mỗi ngôi đình. “Sau một thời gian hoạt động, Đình làng Việt nhanh chóng nhận được sự chia sẻ của cộng đồng mạng với nhiều hình ảnh đẹp, cùng những thông tin về các ngôi đình cổ trong cả nước, nhiều bài viết, cuốn sách quý về đình làng cũng được mọi người đưa lên. Vì vậy, số lượng người tham gia làm thành viên của Đình làng Việt tăng lên nhanh chóng. Đến nay, nhóm có hơn 14.000 thành viên. Họ là những người đang sinh sống cả ở trong và ngoài nước, làm đủ mọi ngành nghề, thuộc nhiều thành phần xã hội nhưng đều có chung một tình yêu với văn hóa đình làng, với di sản của người Việt”, anh Nguyễn Đức Bình - người được các thành viên nhóm Đình làng Việt gọi với danh xưng gần gũi “trưởng thôn” - chia sẻ.

Anh cho rằng, “chỉ cần mỗi người có một tấm lòng yêu mến di sản, yêu mến truyền thống cha ông với một thái độ chân thành thì di sản sẽ mãi tồn tại. Đình làng Việt may mắn là nơi hội tụ của những tình yêu như thế”.

Từ không gian mạng xã hội, nhóm Đình làng Việt đã cụ thể hóa hoạt động của nhóm bằng việc tổ chức các chuyến điền dã cho thành viên. Chuyến điền dã đầu tiên ngày 2-11-2014 đã đánh dấu bước chuyển mình từ không gian ảo ra đời sống thật với những kiến thức được chia sẻ về sự ra đời của đình làng vùng châu thổ Bắc bộ, diễn biến kiến trúc, trang trí và cảnh quan, không gian văn hóa đình làng. “Ngay trong chuyến điền dã đầu tiên, các thành viên đã được dịp tận mắt chiêm ngưỡng ngôi đình có từ thế kỷ 16 tại cụm đình ở Ba Vì, Hà Nội mà điểm nhấn là đình Tây Đằng với những chi tiết chạm khắc trang trí hết sức tinh tế và độc đáo. Sau đó, đoàn di chuyển sang đình Chu Quyến, Đông Viên, Cam Đà  cũng ở huyện Ba Vì để thấy được những nét kiến trúc đỉnh cao của đình làng Việt”, anh Nguyễn Đức Bình cho biết.

Chung tay bảo tồn di sản Việt

Nhờ có không gian mạng facebook mà những thành viên của Đình làng Việt ở khắp mọi miền Tổ quốc có thể chia sẻ, trao đổi thông tin về từng ngôi đình, từng di tích cụ thể. Từ đó, những “tiếng kêu cứu” của Đình làng Việt được truyền tải tới các cơ quan chức năng, những nhà quản lý về thực trạng của nhiều di tích, đình làng. Những cuộc trùng tu như phá, những di tích “chờ sập”, những sự “tô vẽ” các linh vật, hiện vật, biểu tượng ngoại lai trong lòng di tích... đều được các thành viên cập nhật. Thành viên ở địa phương nào, cập nhật ở địa phương đó nên rất xác thực. Những thành viên có chuyên môn, hiểu biết về di tích, những nhà nghiên cứu trong nhóm sẽ xác minh thông tin về hiện trạng và có biện pháp thỏa đáng, tư vấn cho các cơ quan chức năng, các đơn vị quản lý di tích để có biện pháp khắc phục, bảo tồn.

Với những phóng viên theo dõi di sản, đa phần đều thừa nhận, việc trùng tu di tích đã cẩn trọng hơn rất nhiều từ khi có nhóm Đình làng Việt. Những “vết đen” về trùng tu, tôn tạo như đình Quang Húc (xã Đông Quang, huyện Ba Vì), lăng Ngô Quyền (thôn Cam Lâm, xã Đường Lâm, thị xã Sơn Tây), chùa Sổ (thôn Ước Lễ, xã Tân Ước, huyện Thanh Oai)... đã giảm đi rõ rệt. Nhóm Đình làng Việt đã ngẫu nhiên xác lập vị thế “giám sát” đầy hiệu quả trong công tác bảo tồn, trùng tu di tích. Nhiều dự án trùng tu, tôn tạo di tích sau đó đã chủ động đề nghị được tư vấn từ những chuyên gia của Đình làng Việt như Hậu Yên Thế, Trần Trọng Dương, Nguyễn Hoài Nam… khi tiến hành trùng tu di tích.

Không dừng lại ở những ngôi đình, những di sản kiến trúc của cha ông. Sau gần 5 năm hoạt động, đến nay, nhóm Đình làng Việt đã tham gia vào nhiều lĩnh vực khác của di sản như: “Đình làng là nơi diễn ra mọi hoạt động văn hóa, đời sống, lễ hội dân gian, là không gian diễn xướng của nhiều di sản phi vật thể quý giá như hát xoan, quan họ, chầu văn, ca trù… Có thể nói, đình làng là cội nguồn của nhiều di sản văn hóa của người Việt”, “trưởng thôn Đình làng Việt” Nguyễn Đức Bình bày tỏ.

Giáo phường Đình làng Việt cũng được hình thành từ những trăn trở, mong muốn làm sống lại không gian văn hóa đình làng. Những hoạt động biểu diễn, giao lưu hát xẩm, ca trù, hát văn… của giáo phường Đình làng Việt đã trở thành một phần quan trọng trong công tác bảo tồn di sản mà nhóm Đình làng Việt đang nỗ lực thực hiện cùng nhiều hoạt động văn hóa được xã hội đánh giá cao như: Triển lãm Đình làng Việt: Những điều còn - mất; Tái hiện Tết Trung thu truyền thống tại Bảo tàng Hà Nội; Tái hiện không gian Tết Việt xưa tại đình làng So, một ngôi đình cổ ở ngoại thành Hà Nội, vào dịp Tết Nguyên đán 2018 và tại đình Lệ Mật (quận Long Biên, Hà Nội) trong những ngày xuân Kỷ Hợi 2019… Những hoạt động này đã góp phần không nhỏ tôn vinh, lan tỏa những giá trị tốt đẹp của nhiều di sản văn hóa gắn với không gian văn hóa đình làng, không gian văn hóa truyền thống của người Việt.

Theo VOV

;
;
.
.
.
.
.