Nghệ thuật quần chúng thu hút khán giả

.

Trong khi nghệ thuật biểu diễn chuyên nghiệp tại Đà Nẵng vẫn chưa đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của người dân thì nghệ thuật quần chúng đang từng bước khẳng định vị trí.

Sự kết hợp của các giọng ca chuyên dòng dân ca và dàn nhạc công của Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh tạo nên tiết mục đặc sắc phục vụ quần chúng.
Sự kết hợp của các giọng ca chuyên dòng dân ca và dàn nhạc công của Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh tạo nên tiết mục đặc sắc phục vụ quần chúng.

Gần đây, các chương trình nghệ thuật quần chúng do Trung tâm Văn hóa-Điện ảnh thành phố tổ chức thu hút khá đông khán giả đến xem. Chị Nguyễn Thị Châu (phường An Hải Đông, quận Sơn Trà) chia sẻ: “Mấy hồi cứ nghe văn nghệ quần chúng thì thật sự tôi không quan tâm lắm, nhưng một lần dẫn người quen ở xa về xem cầu Rồng phun lửa, phun nước, sẵn có chương trình nghệ thuật coi luôn và chúng tôi bị cuốn hút bởi chương trình đổi mới rất nhiều. Ca khúc hay, vũ đạo đẹp, xen kẽ là những bài dân ca Khu 5 mượt mà, gần gũi”.

Theo ông Ngô Văn Bảy, Giám đốc Trung tâm Văn hóa-Điện ảnh thành phố, để thực hiện nhiệm vụ xây dựng các chương trình nghệ thuật phục vụ mục đích chính trị, giữ gìn, quảng bá các giá trị văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc và thu hút công chúng quả thật không dễ. Tuy nhiên, Trung tâm cũng từng bước vận động các nghệ sĩ thuộc Hội Sân khấu thành phố, các nghệ nhân lâu năm và cả tài năng được tìm kiếm qua các cuộc thi do Trung tâm tổ chức. Gần đây, Trung tâm còn phối hợp với Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh trong các tiết mục múa trống cờ, dàn nhạc cổ truyền phụ họa cho tiết mục dân ca Khu 5...

Quả thật, nhìn vào đội ngũ nghệ sĩ tham gia các chương trình của Trung tâm Văn hóa-Điện ảnh thành phố, khó ai nghĩ đó là nghệ thuật không chuyên. Các nghệ sĩ đều đến với chương trình bằng tình yêu nghệ thuật, như trường hợp nghệ sĩ Trần Quang Kỳ, sau khi nghỉ hưu ở Nhà hát Trưng Vương dù khá bận rộn với công việc biểu diễn riêng nhưng ông vẫn sắp xếp tham gia sáng tác, dàn dựng các vở kịch hài ngắn cho Trung tâm. Mới đây nhất là tiểu phẩm “Bất phân thắng bại” viết về những hộ kinh doanh vì lợi ích bản thân mà quên đi sức khỏe cộng đồng, cuối cùng phải nhận sự phán xét của Ngọc hoàng.

Nghệ sĩ Quang Kỳ cho rằng, mấy chục năm tuổi nghề trong lĩnh vực sân khấu, kịch nói đã thấm vào máu, nhiều lúc muốn làm điều gì đó nhưng không có cơ hội. Do đó, chỉ cần có đất diễn là ông sáng tác và biểu diễn phục vụ người dân. Tương tự, nghệ sĩ Hoàng Kim Hà xuất thân là nghệ sĩ tuồng của đoàn tuồng Quảng Nam - Đà Nẵng, sau này vì nhiều lý do chị đã bỏ nghề. Nhưng những năm gần đây, chị tham gia khá mạnh trong phong trào văn nghệ quần chúng của quận Hải Châu và chương trình nghệ thuật của Trung tâm Văn hóa-Điện ảnh thành phố.

Trong dịp Tết Nguyên đán vừa qua, ngoài xây dựng chương trình nghệ thuật biểu diễn tại công viên bờ đông cầu Rồng, Trung tâm Văn hóa-Điện ảnh thành phố còn có chương trình nghệ thuật phục vụ người dân vùng ven, đặc biệt các xã thuộc huyện Hòa Vang như: Hòa Liên, Hòa Phú... Mỗi chương trình được dàn dựng công phu, huy động đông đảo diễn viên, nghệ sĩ, ca sĩ chuyên lẫn không chuyên trên toàn thành phố tham gia. Thời gian tập luyện khá dài, thù lao ít nhưng bằng tình yêu nghề, họ đã cống hiến hết mình. “Chúng tôi thật may mắn khi huy động được nhiều nghệ sĩ cùng tham gia, góp phần nâng cao chất lượng nghệ thuật quần chúng. Nhờ đó, lượng khán giả đến với chương trình ngày càng đông”, ông Ngô Văn Bảy nói.

Ông Lê Phước Thịnh, Đội trưởng Đội Tuyên truyền lưu động (thuộc Trung tâm Văn hóa-Điện ảnh thành phố) chia sẻ thêm, những đêm biểu diễn của Đội Tuyên truyền lưu động gần đây được bà con vùng ven chờ đợi. Theo bà con, chương trình nghệ thuật phong phú, bên cạnh tiết mục được đầu tư dàn dựng đẹp thì các tiết mục dân ca, hô hát bài chòi, tiểu phẩm hài dễ đi vào lòng người, tạo tiếng cười sảng khoái.
“Trong các đêm diễn lưu động, chúng tôi lồng ghép chiếu phim tài liệu về tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh đô thị, nói “không” với bạo lực gia đình, về chương trình “Thành phố 4 an” nhưng người dân vẫn nán lại để tiếp tục xem các tiết mục nghệ thuật sau đó. Mỗi lần nghe Đội Tuyên truyền lưu động về thì bà con tập trung xem rất đông. Đó là động lực rất lớn cho anh em làm công tác lưu động và cũng là cách đổi mới trong tuyên truyền lưu động, không khô khan, gây nhàm chán như trước đây”, ông Thịnh nói.

Bài và ảnh: HÀ THU

;
;
.
.
.
.
.