Các tình nguyện viên tham gia hỗ trợ sự kiện Triển lãm Sắc xuân Kỷ Hợi tại Bảo tàng Mỹ thuật. Ảnh: NGỌC HÀ |
Trong một lần đến tham quan Bảo tàng Mỹ thuật, Phan Huỳnh Hà Ẩn (sinh viên năm 3, Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Đà Nẵng) tỏ ra thích thú với hoạt động của bảo tàng. Được các cán bộ nơi đây giới thiệu, Ẩn đăng ký làm tình nguyện viên (TNV). Ẩn chia sẻ, hơn một năm tham gia công tác tình nguyện, Ẩn áp dụng việc học ngoại ngữ vào thực tế và trên hết khám phá nhiều điều thú vị về mỹ thuật, đồng thời có thể truyền tải những cảm nhận ấy đến các bạn trẻ thông qua tương tác trên trang mạng xã hội của bảo tàng và trang cá nhân.
Triển khai từ cuối năm 2017, đến nay, Bảo tàng Mỹ thuật có hơn 60 TNV hoạt động theo 3 nhóm: nhóm hỗ trợ hoạt động công chúng và hỗ trợ hướng dẫn khách tham quan; nhóm tham gia công tác truyền thông bảo tàng: viết tin bài, chụp hình, quay phim, thiết kế đồ họa, làm clip, slide; nhóm hỗ trợ công tác dịch thuật và một số hoạt động nghiệp vụ khác.
Chị Phạm Thị Cẩm Hà, cán bộ Bảo tàng Mỹ thuật và Chủ nhiệm CLB TNV cho biết, dù phân chia gói gọn trong 3 nhóm nhưng công việc “không tên” của CLB khá nhiều. Mỗi ngày, các bạn có nhiệm vụ vào đánh giá, tương tác trên trang mạng xã hội của bảo tàng như: Facebook, TripAdvisor, Instagram, Twitter bằng cách yêu thích, bình luận, chia sẻ để nhiều người biết đến bảo tàng rộng rãi hơn. Những ngày cao điểm như khai mạc triển lãm thì trực lễ tân, phục vụ cắt băng khai mạc; tổ chức trò chơi cho thiếu nhi trong sự kiện của bảo tàng... Nhiều bạn dịch các bài viết sang tiếng Anh để đăng bài lên trang web bảo tàng và các trang mạng xã hội, viết lời giới thiệu trưng bày.
Các tình nguyện viên được cán bộ Bảo tàng Mỹ thuật hướng dẫn kỹ năng làm thuyết minh. |
Những bạn biết các ngôn ngữ khác cũng có thể dịch đầy đủ hoặc ngắn gọn tùy khả năng của mình vào phần bình luận để du khách nước ngoài có thể hiểu nội dung của bài viết... “Để tổ chức một sự kiện của bảo tàng, chúng tôi phải làm tất cả từ thiết kế, in ấn backdrop, video quảng cáo mạng xã hội; trang trí không gian sự kiện; lên chương trình, kịch bản, dẫn chương trình; sáng tạo các trò chơi, cuộc thi, câu đố... Trong mỗi công đoạn đều có sự góp sức của đội ngũ TNV”, chị Hà nói.
Tương tự, từ năm 2016 đến nay, Bảo tàng Đà Nẵng tổ chức 3 đợt tuyển TNV với đối tượng sinh viên, học sinh ở các trường THPT, đại học, cao đẳng trên địa bàn thành phố và những người yêu thích lịch sử, văn hóa. Qua 3 đợt tuyển đã có hơn 100 bạn trẻ tham gia.
Theo ông Trần Văn Chuẩn, Trưởng phòng Giáo dục truyền thông Bảo tàng Đà Nẵng, với lượng khách tham quan Bảo tàng ngày càng đông, nhất là khách Hàn Quốc, Trung Quốc, việc các TNV biết ngoại ngữ hỗ trợ rất nhiều trong việc hướng dẫn, giới thiệu cho du khách về văn hóa, lịch sử của đất nước nói chung và Đà Nẵng nói riêng. Ngoài ra, với lịch dày đặc các sự kiện tại Bảo tàng Đà Nẵng như: chương trình “Em yêu lịch sử”, “Trung thu của em”, “Vui Tết cổ truyền”, “Khám phá hè”... có sự góp sức của đội ngũ TNV nên cán bộ bảo tàng cũng “dễ thở” hơn.
Bà Nguyễn Thị Trinh, Phó Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng cho biết thêm, CLB TNV ra đời đã tích cực hỗ trợ cho hoạt động tổ chức sự kiện của Bảo tàng. Nhờ sự kết nối, tương tác trên các trang mạng xã hội đã thu hút các giáo sư, tiến sĩ, giảng viên, sinh viên các trung tâm Anh ngữ đến học tập, nghiên cứu tại Bảo tàng.
“Là một điểm đến văn hóa khá mới mẻ, nhằm thu hút và tạo sự gắn kết với công chúng, Bảo tàng rất chú trọng công tác giáo dục và truyền thông quảng bá. Trong đó, việc tổ chức hoạt động trưng bày, triển lãm và trải nghiệm nghệ thuật phục vụ công chúng cũng như các hoạt động giáo dục mỹ thuật cho học sinh nói riêng và giới trẻ nói chung được Bảo tàng lập kế hoạch và thực hiện thường xuyên. Đứng trước những yêu cầu về nhân lực cho công tác giáo dục, truyền thông, chúng tôi tiến hành xây dựng đội ngũ TNV. Đến nay, mô hình này đã phát huy hiệu quả và chúng tôi sẽ đẩy mạnh hơn nữa trong thời gian tới”, bà Trinh cho biết.
Bài và ảnh: NGỌC HÀ