Họ là những nghệ sĩ trẻ có những đóng góp nhất định trong các lĩnh vực văn hóa-nghệ thuật thành phố. Trong những ngày tháng 3 lịch sử, các nghệ sĩ chia sẻ những khát vọng về nghề, khát vọng dựng xây đời sống văn hóa thành phố.
Không ngừng tìm chất liệu mới trong sáng tác
Nghệ sĩ Đỗ Thanh |
Đối với lĩnh vực hội họa, nếu tính những họa sĩ có tác phẩm đạt độ chín, có đóng góp nhất định trong hoạt động mỹ thuật trên địa bàn thì Đỗ Thanh (tên thật Đoàn Phú Thanh, sinh năm 1975) là một trong những họa sĩ trẻ tuổi nhất. Tốt nghiệp chuyên ngành Đồ họa tạo hình, Trường Đại học Nghệ thuật Huế, là hội viên Hội Mỹ thuật thành phố, thành viên CLB Đồ họa Đà Nẵng, họa sĩ Đỗ Thanh có nhiều tác phẩm hội họa ấn tượng, trong đó phải kể đến những tác phẩm về đời sống thực của đồng bào Cơ tu. Trong những năm qua, trên con đường sáng tạo của mình, anh luôn tìm tòi những chất liệu mới cho hội họa. Bên cạnh tranh sơn dầu, anh còn đam mê tranh in mi-ca, in collagrap, in tổng hợp, đặt biệt là tranh khắc gỗ.
Họa sĩ Đỗ Thanh hy vọng, những năm tới, lãnh đạo thành phố sẽ quan tâm tạo điều kiện nhiều hơn nữa cả về vật chất lẫn tinh thần để Hội Mỹ thuật thành phố ngày càng phát triển. Đối với Hội Mỹ thuật thành phố, họa sĩ Đỗ Thanh mong rằng Hội sẽ tổ chức nhiều hơn nữa các chuyến đi thực tế sáng tác cũng như tổ chức nhiều hơn nữa các cuộc triển lãm, trưng bày; phối hợp với các đơn vị truyền thông, các cơ quan, ban, ngành tổ chức giới thiệu các tác phẩm mới của họa sĩ thành phố ra các tỉnh, thành, cũng như bạn bè quốc tế.
Đưa nghệ thuật hô hát bài chòi vào học đường
Ca sĩ Huyền Tân |
Nổi lên từ phong trào văn nghệ của địa phương, giọng hát của Huyền Tân (tên thật là Nguyễn Thị Phú Tân, sinh năm 1984) từng được NSƯT Đỗ Linh nhận xét: “Đó là giọng hát từ đất, rất phù hợp với dân ca xứ Quảng bởi nó gần gũi, mộc mạc, chân phương như tiếng mẹ ru, như câu đồng dao thuở ấu thơ, giọng hò, điệu lý thấm đượm tình đời, chất chứa nghĩa tình”. Hiện tại, Huyền Tân làm Chủ nhiệm CLB Bài chòi Sông Hàn, được Sở Văn hóa-Thể thao, Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh cho phép hoạt động thường niên tại bờ đông cầu Rồng vào tối thứ 7 và chủ nhật hằng tuần để phục vụ cho bà con và du khách khi đến với Đà Nẵng từ cuối năm 2015.
Ngoài hoạt động thường niên ở cầu Rồng, CLB còn phục vụ các hội nghị, sự kiện do Sở Văn hóa-Thể thao, Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh và các đơn vị trên địa bàn thành phố tổ chức. Bên cạnh đó, Huyền Tân tích cực mang “vốn liếng” bài chòi có được đi biểu diễn nhiều nơi, dàn dựng các tiết mục hát dân ca, bài chòi cho trường học, nhận biểu diễn bài chòi tại các sự kiên, lễ hội ở đình làng, khu dân cư, lễ hội cầu ngư… Huyền Tân ấp ủ tâm huyết mong muốn đưa nghệ thuật bài chòi đến với giới trẻ. Và theo chị, đưa nghệ thuật hô hát bài chòi vào học đường như một môn âm nhạc để lớp trẻ tiếp cận, từ đó, tìm kiếm tài năng kế cận tương lai.
Đóng góp của người trẻ còn khiêm tốn
Đinh Thị Trang |
Là một trong những hội viên trẻ tuổi nhất của Hội Văn nghệ dân gian thành phố, Đinh Thị Trang (sinh năm 1990) đã xuất bản riêng 3 cuốn sách về văn hóa dân gian Đà Nẵng như Từ ngữ nghề biển của ngư dân Đà Nẵng (Nhà xuất bản Hội Nhà văn, 2016); Văn hóa Đà Nẵng từ những góc nhìn (Nhà xuất bản Đà Nẵng, 2018); Tìm hiểu miếu thờ trên địa bàn quận Ngũ Hành Sơn (Nhà xuất bản Thông tin và Truyền thông, 2014) và một số tác phẩm in chung.
Bên cạnh đó, cô cũng tham gia nhiều hội thảo trong nước và quốc tế liên quan đến văn hóa dân gian, văn hóa biển đảo, bảo tồn di sản văn hóa... Là người rất tâm huyết với văn nghệ dân gian nói chung, văn nghệ dân gian Đà Nẵng nói riêng, Đinh Thị Trang nhìn nhận, thời gian qua, có khá nhiều tác phẩm văn học nghệ thuật ở Đà Nẵng ra đời, tuy nhiên, phần lớn những tác phẩm đạt giải thưởng trong nước và quốc tế chủ yếu là của những nhà nghiên cứu, những nghệ sĩ lớn tuổi, còn đóng góp của người trẻ còn khá khiêm tốn. Vì vậy, trong tương lai, cô hy vọng sẽ có nhiều công trình nghiên cứu, những tác phẩm giá trị được công bố, và sẽ có thêm nhiều bạn trẻ nuôi niềm đam mê này để góp phần bảo tồn và phát triển con người, văn hóa, xã hội của thành phố.
Nghệ sĩ trẻ cần nhiều sân chơi thể hiện bản thân, học hỏi kinh nghiệm
Ca sĩ Phạm Mai Anh |
Được khán giả biết đến sau khi lọt vào vòng Đối đầu của cuộc thi Giọng hát Việt 2012, ca sĩ Phạm Mai Anh (sinh năm 1992) về đầu quân tại Nhà hát Trưng Vương. Với ngoại hình xinh xắn, giọng hát tốt (cả tiếng Việt lẫn tiếng Anh), Mai Anh tiếp tục tham gia Liên hoan các đoàn ca múa nhạc toàn quốc và cũng đóng góp một phần vào Huy chương Vàng toàn đoàn Đà Nẵng năm 2018. Không chỉ có những cơ hội biểu diễn chuyên nghiệp, cô ca sĩ trẻ này vinh dự 3 lần liên tiếp trong các năm 2017, 2018 và 2019 đến thăm quần đảo Trường Sa và các nhà giàn của Tổ quốc. Mai Anh hy vọng, thành phố sẽ có thêm nhiều chương trình với sự góp mặt của bạn bè quốc tế, kết hợp với đoàn nghệ thuật của địa phương để thu hút khán giả. Nữ ca sĩ đặt nhiều kỳ vọng trong tương lai gần, Đà Nẵng sẽ có nhiều sân chơi nghệ thuật để nghệ sĩ trẻ khẳng định bản thân, học hỏi thêm nhiều kinh nghiệm, được đóng góp thêm cho môi trường văn hóa của thành phố.
Ông Bùi Văn Tiếng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học-Nghệ thuật Đà Nẵng Văn nghệ sĩ trẻ tuổi cần có giải pháp “đứng trên vai những người khổng lồ” Tại hội thảo “Làm thế nào để trẻ hóa đội ngũ văn nghệ sĩ thành phố Đà Nẵng” do Liên hiệp các Hội Văn học-Nghệ thuật tổ chức hồi tháng 7-2019, nhiều người cho rằng vấn đề trẻ hóa đội ngũ văn nghệ sĩ không chỉ là chuyện làm thế nào để hạ thấp độ tuổi bình quân mà còn là chuyện làm thế nào để văn nghệ sĩ trẻ cách tân thi pháp, đổi mới tư duy nghệ thuật, nâng cao chất lượng tác phẩm. Muốn vậy, từ góc độ thế hệ văn nghệ sĩ lớn tuổi, cần có giải pháp truyền cảm hứng, truyền ngọn lửa nhiệt thành với nghề, truyền đam mê sáng tạo... Vấn đề là tre có còn đủ cảm hứng, có còn đủ lửa để truyền cho măng? Từ góc độ của thế hệ văn nghệ sĩ lớn tuổi, cũng nên có giải pháp truyền kinh nghiệm nghề nghiệp, thậm chí bí quyết nghề nghiệp thông qua thực tiễn sáng tác/biểu diễn/nghiên cứu của mình cũng như thông qua trao truyền trực diện ở trên bục giảng và cả lúc trà dư tửu hậu. Từ góc độ của thế hệ văn nghệ sĩ trẻ tuổi, theo tôi, cần có giải pháp “đứng trên vai những người khổng lồ”. Tuy nhiên, đứng được trên vai những người khổng lồ, thực sự mới là một nửa đoạn đường - mặc dầu không phải ai cũng đi qua được nửa đoạn đường khó nhọc này. Nửa đoạn đường còn lại chính là giải pháp “vượt lên cây cao bóng cả” nhằm đủ cô đơn trong sáng tạo, hình thành phong cách… PHƯƠNG AN (ghi) |
Lan Khuê