Hoàng Nhật Nam là cái tên quen thuộc trong làng giải trí ở vai trò tổng đạo diễn nhiều sự kiện quốc gia, quốc tế và được nhiều người ưu ái gọi là “phù thủy sân khấu”. Hơn 11 năm gắn bó với nghệ thuật biểu diễn sân khấu, “gã lãng tử” quê Đà Nẵng luôn say mê sáng tạo nghệ thuật đương đại từ chất liệu văn hóa dân gian.
Đạo diễn Hoàng Nhật Nam (thứ hai, trái qua) cùng các nghệ sĩ tham gia chương trình “Đà Nẵng, Quảng Nam - Triệu con tim hướng về”. (Ảnh do nhân vật cung cấp) |
Hướng về khúc ruột miền Trung khi Covid-19 bùng phát trở lại, mới đây, chiến dịch “Đà Nẵng, Quảng Nam - Triệu con tim hướng về” do anh khởi xướng đã quy tụ hơn 60 nghệ sĩ tham gia, thu về hơn 2,5 tỷ đồng tiền mặt và 3,2 tỷ đồng giá trị hiện vật.
* Cảm xúc của anh khi thực hiện chiến dịch “Đà Nẵng, Quảng Nam - Triệu con tim hướng về”?
- Là người con sinh ra và lớn lên ở Đà Nẵng, khi dịch bệnh tái bùng phát nơi quê nhà, tôi lo lắng và dõi theo tin tức hằng ngày. Thấy nhiều người nhiễm bệnh và có người ra đi, tôi vô cùng đau xót. Cả nước đang đồng lòng chống dịch, sự đoàn kết, sẻ chia của những người con xa quê là điều nên làm. Với suy nghĩ này, tôi kêu gọi 60 anh em nghệ sĩ quê Quảng Nam - Đà Nẵng cũng như các địa phương khác, cùng các mạnh thường quân hỗ trợ, tham gia đêm nhạc trực tuyến gây quỹ.
Chiến dịch thành công, không gì hạnh phúc hơn khi bà con quê nhà được tiếp thêm nhu yếu phẩm, kinh phí để chống chọi với dịch bệnh. Hạnh phúc không chỉ từ giá trị vật chất dành cho chương trình mà còn ở sự nhiệt tình, chân thành của các nghệ sĩ không ngại khoảng cách, lịch trình gấp gáp; là sự quan tâm chân thành của khán giả…
* Nhiều người thắc mắc tại sao Hoàng Nhật Nam có thể nằm lòng từng nét văn hóa tại nơi mà mình tổ chức chương trình, bất kể đó là vùng đất nào?
- Trước khi bắt tay làm chương trình tại một địa phương, tôi đều dành thời gian nghiên cứu về văn hóa, con người của nơi đó và chắt lọc những nét tinh hoa nhất. Đọc sách, tìm kiếm thông tin chưa thỏa, tôi đến khảo sát tận nơi, quan sát, tìm hiểu hoặc ghé bảo tàng… Tôi quan niệm “trăm nghe không bằng một thấy”, để hiểu thì không gì hiệu quả hơn bằng việc trực tiếp cảm nhận không gian nghệ thuật. Tôi cũng từng làm nhiều chương trình truyền hình định kỳ về hành trình khám phá văn hóa Việt, khai thác các đề tài về di sản, du lịch như Hành trình văn hóa Việt, Sắc màu Việt Nam nên hiểu biết kha khá về lĩnh vực này.
Với mỗi chương trình, tôi trăn trở về cách truyền tải cũng như lựa chọn các thông điệp khác nhau. Như Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột là sức mạnh của tứ thần bảo vệ vùng đất đại ngàn, gửi gắm lời mời gọi du khách đến những tinh hoa vốn có từ con người, vùng đất, sản vật cao nguyên. Lễ hội Nho vang Ninh Thuận vừa là lời thủ thỉ tâm tình, vừa là khúc ca hào hùng mà đất và người nơi đây tự hào về những gì đạt được sau bao cố gắng nỗ lực vượt khó. Lễ dâng Trầm hương Khánh Hòa là sự kết nối giữa con người với cảm xúc linh thiêng, mang đến sự cảm nhận trọn vẹn về xứ trầm hương.
* Và anh đã dàn dựng sân khấu như thế nào để dẫn dắt cảm xúc khán giả cũng như làm bật nội hàm văn hóa?
- Sự phong phú của văn hóa dân tộc là kho tàng vô đáy và vô giá để người nghệ sĩ có thể tìm tòi, đào sâu mãi không thôi, cũng là vốn tư liệu quý giá đối với tôi. Nền tảng kiến thức văn học đã cho tôi cách tiếp cận nghệ thuật khác biệt. Tôi luôn muốn mang đến những chương trình nghệ thuật có nội hàm văn hóa sâu sắc. Một tiết mục đẹp chỉ có thể nhìn thấy bề nổi, một tiết mục giá trị phải chứa những thông điệp, giá trị văn hóa bên trong.
Tôi tâm tư liệu khán giả sẽ nhớ gì sau những màn trình diễn lộng lẫy trên sân khấu. Do đó, tôi luôn kết hợp chất liệu văn hóa dân gian và nghệ thuật đương đại trong từng chương trình dàn dựng, nỗ lực dung hòa 2 yếu tố: tính nghệ thuật và tính giải trí. Các chất liệu dân gian, hình ảnh linh thiêng của văn hóa tín ngưỡng hay truyền thống xa xưa của ông cha được tái hiện đầy chất thơ trên sân khấu.
Ngoài việc mãn nhãn về thị giác, tôi hy vọng khán giả hiểu hơn câu chuyện của vùng đất nơi mình sinh sống, biết cội nguồn dân tộc và yêu thêm những truyền thống, văn hóa đất nước. Tuy nhiên, không phải chương trình nào cũng đặc sệt chất liệu văn hóa, tôi vẫn lồng ghép, đan xen sự trẻ trung của thị hiếu khán giả ngày nay. Mỗi chương trình vừa có sự sôi nổi, vừa có những giây phút lắng đọng để tìm về bản ngã. Nhờ đó, thông điệp truyền tải đến khán giả tự nhiên và gần gũi hơn.
* Anh có ấp ủ dự án nào dành tặng quê hương Đà Nẵng?
- Làm chương trình tại nhiều vùng đất, điều khao khát trong tôi là có cơ hội sáng tạo tác phẩm về quê hương mình. Tôi đã ấp ủ chương trình nghệ thuật về Đà Nẵng, Quảng Nam, không chỉ quảng bá du lịch quê hương mà còn là nơi các anh tài hội tụ. Tuy nhiên, do một số điều kiện chủ quan, khách quan mà dự án chưa được thực hiện. Có lẽ, chương trình về quê hương nên tôi nhiều trăn trở và khắt khe hơn.
Bên cạnh đó, tôi mong muốn thực hiện nhiều chương trình với nhiều thể loại. Với tôi, việc dấn thân sang những thể loại khác nhau là cách trau dồi nghề nhanh nhất. Tôi cũng ấp ủ dự án làm phim điện ảnh và hy vọng sẽ có cơ hội thực hiện trong một vài năm tới.
Bên cạnh các sự kiện Hoa hậu Việt Nam, Liên hoan phim Việt Nam, Liên hoan phim quốc tế Hà Nội (Haniff)… và loạt game show, đạo diễn Hoàng Nhật Nam còn thực hiện các lễ hội văn hóa, lễ trao giải âm nhạc hay chương trình thực cảnh Tinh hoa Bắc Bộ. Riêng năm 2019, anh đảm nhận vị trí tổng đạo diễn cho 5 sự kiện lễ hội quốc gia: Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột, Lễ hội hoa Đà Lạt, Lễ hội hang động tỉnh Quảng Bình, Lễ hội Vang nho Ninh Thuận và Lễ dâng Trầm hương Khánh Hòa. Mỗi chương trình, thể loại có những cái khác nhau nhưng cùng điểm chung - đó là một Hoàng Nhật Nam bay bổng, lãng mạn nhưng cũng rất thực tế. |
DUY AN