Nguyên mẫu lá Quốc kỳ thiêng liêng của dân tộc Việt Nam ta hiện nay được ghi nhận xuất hiện lần đầu tiên trong cuộc Nam Kỳ khởi nghĩa ngày 23 tháng 11 năm 1940. Từ 21 đến 23 tháng 9 năm 1940, Xứ ủy Nam Kỳ họp mở rộng bàn kế hoạch khởi nghĩa. Để tiến tới khởi nghĩa, một vấn đề được đặt ra là cần có một lá cờ để khẳng định tổ chức, thống nhất hiệu lệnh chỉ huy và động viên quần chúng.
Quốc kỳ Việt Nam. Ảnh: VTV |
Và thế là, với những ý tưởng sáng tạo ban đầu, với sự tham gia góp ý từ màu sắc, bố cục, kích thước..., cuộc khởi nghĩa võ trang oanh liệt của đồng bào, chiến sĩ Nam Bộ đã có được một hình ảnh biểu trưng tuyệt vời, mang ý nghĩa lịch sử vô giá không chỉ của những năm 40 thế kỷ XX trên đất thành đồng Nam Bộ mà trên suốt chặng đường cách mạng của cả đất nước Việt Nam.
Giáo sư, nhà cách mạng lão thành Trần Văn Giàu đã vô cùng chí lý khi khẳng định: “Khởi nghĩa Nam kỳ 1940 mặc dù thất bại, nhưng nó đã để lại cho toàn thể dân tộc ta một vật báu tiêu biểu cho truyền thống đấu tranh cách mạng anh dũng, cho hy vọng đầy tràn của nhân dân vào tương lai xán lạn của dân tộc. Đó là lá cờ đỏ sao vàng năm cánh - lá cờ của cuộc khởi nghĩa Nam kỳ và sau này là Quốc kỳ Việt Nam”. Sau sự kiện khởi nghĩa Nam Kỳ 1940 với sự xuất hiện lần đầu tiên của lá cờ đỏ sao vàng trong lịch sử đấu tranh cách mạng, thì trong văn học, hình ảnh ngôi sao vàng năm cánh với màu đỏ tươi “pha máu chiến thắng mang hồn nước” cũng lần lượt được thể hiện trong nền văn học buổi đầu của chúng ta sau Cách mạng Tháng Tám 1945.
Nhưng cũng xin được nói ngay rằng, không đợi đến tháng Tám 1945, ngay mùa xuân 1942, 3 năm trước ngày Tổng khởi nghĩa, lãnh tụ Hồ Chí Minh đã lần đầu tiên đưa hình ảnh lá cờ đỏ sao vàng vào những vần thơ chúc Tết đồng bào: Chúc toàn quốc ta trong năm nay /Cờ đỏ sao vàng bay phấp phới.
Với những câu thơ mộc mạc nhưng sâu sắc của mình, Người đã khẳng định lá cờ đỏ sao vàng 5 cánh sẽ là Quốc kỳ của nước Việt Nam độc lập, tự do.
Chỉ 4 năm sau, trong phiên họp đầu tiên của Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ngày 2 tháng 3 năm 1946, khi bàn đến vấn đề Quốc kỳ, có nhiều ý kiến tranh luận khá gay gắt. Các đại biểu Việt Quốc, Việt Cách, Đại Việt cho rằng, cờ đỏ sao vàng là cờ của Việt Minh, chưa đại diện cho các đảng, phái ở Việt Nam. Lúc bấy giờ, Hồ Chủ tịch, với giọng nói ấm áp, đôn hậu, nhưng kiên quyết, đã dứt khoát khẳng định: “Lá cờ đỏ sao vàng đã thấm máu đồng bào ta trong cuộc khởi nghĩa Nam kỳ năm 1940. Chính lá cờ đó đã cùng với phái đoàn chính phủ đi từ châu Á sang châu Âu; từ châu Âu về châu Á; lá cờ đó đã có mặt trên khắp đất nước Việt Nam. Vậy thì, trừ 25 triệu đồng bào cả nước thì không ai có quyền đòi thay đổi Quốc kỳ và Quốc ca.
Màu cờ đỏ là tượng trưng cho xương máu của đồng bào ta đấu tranh chống đế quốc, phát xít để có độc lập, tự do. Đó là lá cờ của toàn dân; chứ không phải riêng của bất kỳ một đảng, phái nào…” (Dẫn theo TS sử học Nguyễn Phúc Nghiệp).
Có lẽ khi nói đến hình ảnh lá Quốc kỳ trong văn học thì không ai có thể quên hình ảnh lộng lẫy, hào sảng, trào dâng sức sống dân tộc trong Thơ chúc Tết Đinh Hợi 1947 của Chủ tịch Hồ Chí Minh:
Cờ đỏ sao vàng tung bay trước gió
Tiếng kèn kháng chiến vang dậy non sông.
Toàn dân kháng chiến, toàn diện kháng chiến,
Chí ta đã quyết, lòng ta đã đồng.
Tiến lên chiến sĩ! Tiến lên đồng bào!
Sức ta đã mạnh, người ta đã đông.
Trường kỳ kháng chiến, nhất định thắng lợi!
Thống nhất độc lập, nhất định thành công!
Có lẽ đây là một trong những bài thơ chúc Tết hay nhất của Bác Hồ. Cả bài thơ là một áng hùng văn, một khúc ca quyết chiến và quyết thắng, mang tâm hồn của cả dân tộc vừa thoát ách nô lệ, tự mình làm chủ đứng lên chiến đấu chống kẻ thù xâm lược. Trước đó, ngay trong những ngày khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi ở kinh thành Huế, nhà thơ Tố Hữu đã không thể nào kìm nén cảm xúc dâng trào để có được những câu thơ tuyệt tác trong bài Huế tháng Tám viết năm 1945:
Chừ đây Huế, Huế ơi! Xiềng gông xưa đã gãy /Hãy bay lên! Sông núi của ta rồi!/Nước mắt ta trào, búp mí, tràn môi/Cổ ta ré trăm trận cười, trận khóc!Ta ôm nhau, hôn nhau từng mái tóc/Hả hê chưa, ai bịt được mồm ta?/Ta hét huyên thiên, ta chạy khắp nhà/Ai dám cấm ta say, say thần thánh?..../ Gió gió ơi! hãy làm giông làm tố/ Cuốn tung lên cờ đỏ máu thơm tươi/Vàng vàng bay, đẹp quá, sao sao ơi/ Ta ngã vật trong dòng người cuộn thác/ Ôi thiên đường! Tai miên man lắng nhạc/Tự muôn phương nghe gót nện rầm rầm/ Việt Nam! Việt Nam! Việt Nam muôn năm!
Lịch sử văn học sau Cách mạng Tháng Tám, khi đề cập đến hình ảnh lá Quốc kỳ trong văn học với đầy đủ ý nghĩa của nó, phải ghi đậm nét công lao của thi sĩ Xuân Diệu với trường ca Ngọn Quốc kỳ được viết ngay trong những ngày mừng Độc lập 1945. Thi sĩ nổi danh của phong trào Thơ Mới hôm nào còn đắm mình trong mọi sắc thái của Tình yêu cá nhân, nay bỗng hướng cảm xúc đắm say, bồng bột của mình vào việc diễn tả hình ảnh ngọn Quốc kỳ mang hồn dân tộc trong thời đại mới.
Bản trường ca này không phải là tác phẩm xuất sắc của nhà thơ Xuân Diệu, nhưng nó mang giá trị kịp thời, mang nội dung cổ vũ tinh thần trong buổi đầu dân tộc Việt Nam hồ hởi bước vào xây dựng chính quyền mới.
Không thể nào trích dẫn hết ra đây bản trường ca gần 300 câu, nhưng có thể nói câu nào dòng nào cũng chứa chan cảm xúc dạt dào: Gió reo, gió reo, gió Việt Nam reo;/Mây bay, mây bay, mây hồng tươi sáng. / ...Cờ Việt Nam oanh liệt gió mừng bay/...Vàng huy hoàng sinh giữa thắm hây hây./Thắm lộng lẫy nở quanh vàng rực rỡ. Không chỉ miêu tả vẻ đẹp lộng lẫy của lá cờ đỏ sao vàng, trường ca cũng có những đoạn mang ý nghĩa khái quát mang tính lịch sử sâu sắc:
- Bốn nghìn năm, trông Mặt Mẹ không già.
Chúng con vẫn sẵn một lòng trẻ ấy.
Ngắm từng biếc, chúng con mừng biết mấy
Thấy còn dư máu đỏ để trang hoàng!
Văn xuôi những ngày đầu sau Cách mạng Tháng Tám tập trung chủ yếu vào hai thể loại bút ký, tùy bút. Có thể “lượm lặt” ra đây vài đoạn miêu tả không khí trang nghiêm của lễ chào cờ Tổ quốc mỗi ngày. Đây là một đoạn ghi chép về một buổi sáng ở thị xã Thanh Hóa: “Sáng 29, tôi sắp sửa ra đi, bỗng nhiên một hồi còi vang lên, tôi chưa hiểu là còi gì thì đã thấy mọi người cung kính giơ tay nắm chào, trong nhà cũng như ngoài phố, già trẻ, giai gái quay về phía cột cờ, nét mặt nghiêm trang và đầy tin tưởng”. (Phạm Sinh, tạp chí Tiên Phong số 9, 16-4-1946) (1).
Và đây là một buổi lễ chào cờ đỏ sao vàng trên đồng nước lụt: “Mỗi làng đã nhận được tờ giấy mời tất cả các giới tới phủ để dự lễ chào cờ. Riêng tôi, tôi đoán trước rằng số người tới dự sẽ không được là bao. Một ngày nước dâng cao ngập nền nhà, người ta còn mê mải xúc thóc quay lên giường, lên sập thì mấy người nghĩ tới cái việc mà họ có thể cho là xa xỉ (…).
Nhưng tôi đã nhầm. Trên mặt nước thẳng băng, liên tiếp từ miền này sang miền khác mà trong đó các làng mạc chỉ còn là những chòm đảo xanh um, không biết bao nhiêu là những con thuyền quay mũi về một hướng. Thuyền lớn, thuyền nhỏ chen chúc nhau, chiếc nào cũng rằm tới cạp vì chồng chất toàn người. (…) Phía mũi mỗi thuyền, một lá cờ đỏ sao vàng bay phấp phới. Cờ lớn, cờ nhỏ, khuôn mẫu chưa nhất đinh, tưng bừng tô điểm cho cả một bầu trời”. (Mạnh Phú Tư, tạp chí Tiên Phong số 8, 1-4-1946) (2).
Ở thành phố Đà Nẵng, không rõ có nhà nhiếp ảnh nào ghi lại giây phút thiêng liêng ấy không, nhưng may mắn thay, với bút ký Mùa Đông 1946, nhà văn Nguyễn Văn Bổng - bằng tiếng nói của văn học, đã kịp ghi lại không khí trang nghiêm của buổi chào cờ trước khi lên đường bước vào cuộc kháng chiến lần thứ nhất: “Buổi sáng lầm rầm mưa ấy, ngày 20 tháng 12 năm 1946, theo hồi còi vang lên trên thành phố đang ngơ ngác, đồng bào thành Đà Nẵng đứng lại kính cẩn chào cờ buổi mai một lần chót để lên đường”.
80 năm đã trôi qua, từ khi lá cờ đỏ sao vàng xuất hiện trong lịch sử đấu tranh cách mạng của dân tộc, và cũng tròn 75 năm lá cờ đỏ sao vàng chính thức được công nhận là Quốc kỳ của Việt Nam.
Hình ảnh ngọn Quốc kỳ đã có mặt trên khắp chiến trường, trong nhà giam được vẽ bằng máu của những người tù cộng sản, hiên ngang trên những hoạt động ngoại giao, phấp phới trên tất cả những sự kiện trong đời sống chính trị, văn hóa-xã hội của đất nước. Nó cũng là đề tài bất tận cho tất cả các loại hình nghệ thuật mà các nghệ sĩ của chúng ta vẫn ngày ngày khám phá sáng tạo không ngừng.
NẠI HIÊN
(1), (2): Lịch sử Văn học Việt Nam tập II, NXB Đại học Sư phạm, H.2007, tr.40