Hội họa tạo dấu ấn từ khó khăn

.

Vượt qua khó khăn do Covid-19, các họa sĩ Đà Nẵng miệt mài sáng tác, nâng cao giá trị tác phẩm hội họa. Qua đó, từng bước khẳng định vị thế trong lòng công chúng, tạo dấu ấn riêng trong dòng chảy mỹ thuật khu vực và cả nước.

Mặc dù khó khăn nhưng hội họa vẫn có lợi thế hơn một số loại hình nghệ thuật khác vì ở nhà vẫn có thể sáng tác. TRONG ẢNH: Họa sĩ Phan Văn Thành sáng tác tại nhà. Ảnh: XUÂN DŨNG
Mặc dù khó khăn nhưng hội họa vẫn có lợi thế hơn một số loại hình nghệ thuật khác vì ở nhà vẫn có thể sáng tác. TRONG ẢNH: Họa sĩ Phan Văn Thành sáng tác tại nhà. Ảnh: XUÂN DŨNG

Khác với nhiều loại hình nghệ thuật có thể tổ chức cuộc thi, triển lãm online, người xem phải thưởng lãm tác phẩm hội họa trực tiếp mới có thể cảm nhận sự đặc sắc, tính nghệ thuật riêng của loại hình này. Trong năm nay, khi dịch bệnh diễn biến phức tạp, Hội Mỹ thuật thành phố không có cơ hội tổ chức các triển lãm quảng bá tác phẩm mới cho hội viên, phục vụ công chúng yêu hội họa. Đây là thiệt thòi lớn đối với các họa sĩ, nhất là với những người sống bằng nghề.

Họa sĩ Phan Văn Thành, hội viên Hội Mỹ thuật thành phố cho biết, giới họa sĩ tại Đà Nẵng đa phần đều có công việc cố định, chỉ sáng tác trong thời gian rảnh rỗi. Tuy nhiên, cũng có nhiều họa sĩ dành toàn bộ thời gian của mình cho sáng tác, quyết tâm theo đuổi đam mê. Bản thân anh là một họa sĩ trẻ như thế, nên khi không có các cuộc triển lãm, tác phẩm không được quảng bá dẫn đến khó bán được tranh, ảnh hưởng lớn đến thu nhập.

Bên cạnh đó, hoạt động trại sáng tác thực tế cũng bị hạn chế, gây khó khăn cho các họa sĩ trong việc tìm tư liệu thể hiện tác phẩm. Vì vậy, họa sĩ Phan Văn Thành chủ yếu sử dụng tư liệu cũ và các hình ảnh thân thuộc của cuộc sống xung quanh để sáng tác. Bằng nỗ lực không ngừng, trong năm nay, anh sáng tác 3 tác phẩm khổ lớn và một số bức tranh loại nhỏ khác, hiện đang chờ các dịp triển lãm để tham gia. “Gặp nhiều khó khăn nhưng hội họa vẫn có lợi thế hơn một số loại hình nghệ thuật khác vì ở nhà vẫn có thể sáng tác. Đơn cử như sáng tác về đề tài phòng, chống Covid-19, người họa sĩ có thể thông qua các hình ảnh trên truyền thông hoặc tự cảm nhận, tư duy để sáng tác những tác phẩm tri ân lực lượng tuyến đầu và cỗ vũ, động viên nhân dân đồng lòng vượt qua đại dịch. Dù ở bất cứ thời điểm, hoàn cảnh nào, người họa sĩ vẫn phải nỗ lực hoạt động, khẳng định giá trị nghệ thuật đối với cuộc sống”, họa sĩ Phan Văn Thành chia sẻ.

Nằm ở vị trí trung tâm của khu vực miền Trung - Tây Nguyên, hoạt động văn học nghệ thuật của Ðà Nẵng nói chung và mỹ thuật nói riêng không ngừng giao thoa, kết nối, hội nhập và tiếp biến. Cũng vì lẽ đó, hội họa Đà Nẵng không ngừng phát triển, để lại dấu ấn trong các cuộc thi, triển lãm khu vực.

Trong triển lãm Mỹ thuật khu vực nam Trung bộ và Tây Nguyên năm 2021 đang diễn ra, Đà Nẵng có 23 tác phẩm của 22 tác giả tham dự, đông đảo hơn nhiều địa phương khác. Đặc biệt, chủ đề phòng, chống Covid-19 có nhiều tác phẩm tham gia như: “Xét nghiệm gộp” của Hồ Đình Nam Kha, “Việt Nam chiến thắng” của Trần Hữu Dương, “Tuyến đầu chống dịch” của Phan Văn Thành… Ngoài ra, nhiều tác giả cũng mang đến triển lãm các tác phẩm tái hiện vẻ đẹp thiên nhiên, biển đảo và đời sống xã hội.

Đơn cử, họa sĩ Trần Hữu Cân, hội viên Hội Mỹ thuật thành phố, theo đuổi phong cách hiện thực nên anh tham gia triển lãm lần này với tác phẩm “Mắt đời”. Anh cho biết, tác phẩm có chủ đề về phòng, chống tham nhũng, tệ nạn xã hội. Với hình ảnh con mắt làm chủ đạo, bức tranh truyền tải thông điệp mỗi người cần phải bản lĩnh vượt qua cám dỗ, tệ nạn xã hội, sống chân thành để xây dựng cuộc sống văn minh. “Tôi tâm niệm, làm nghệ thuật cũng cần đồng hành với các vấn đề thời sự, xã hội. Do vậy, song hành cùng yếu tố thẩm mỹ, các sáng tác của người họa sĩ cũng cần góp phần nâng cao ý thức cộng đồng về những vấn đề đời sống xung quanh”, họa sĩ Trần Hữu Cân bộc bạch.

Theo họa sĩ Hồ Đình Nam Kha, Chủ tịch Hội Mỹ thuật thành phố, trong năm qua, điều kiện sáng tác của các họa sĩ gặp nhiều khó khăn. Từ đầu năm đến nay, hội tổ chức một trại sáng tác trực tiếp tại bán đảo Sơn Trà trong 2 ngày. Mặc dù vậy, Ban chấp hành hội vẫn luôn động viên, khuyến khích hội viên sáng tác. Đối với đề tài phòng, chống Covid-19, có nhiều họa sĩ Đà Nẵng tâm huyết và rất nỗ lực sáng tác. Nổi bật như họa sĩ Trần Hữu Cân với 8 tác phẩm; Nguyễn Tấn Kiệt, Phan Văn Thành với 3 tác phẩm… Bên cạnh đó, nhiều họa sĩ vẫn tích cực sáng tác về các đề tài phong cảnh, chân dung, tĩnh vật...

Hiện nay, Hội Mỹ thuật thành phố đang vận động các họa sĩ sáng tác phục vụ cho triển lãm 25 thành lập quận Sơn Trà và kỷ niệm 70 năm ngày truyền thống giới Mỹ thuật Việt Nam (10-12-1951 - 10-12-2021). Đồng thời, phối hợp Sở Văn hóa và Thể thao thành phố xây dựng kế hoạch cuộc sáng tác mừng Xuân 2022 kết hợp chào mừng kỷ niệm 25 năm thành phố Đà Nẵng trực thuộc Trung ương (1997-2022). “Tiếp nối dự án đưa mỹ thuật cộng đồng vào cuộc sống nhân dân, hội hoàn thành xong phương án thực hiện làng bích họa Lăng Ông (quận Sơn Trà). Trong thời gian tới, đây sẽ là cơ hội cho các họa sĩ trẻ giao lưu, tích góp tư liệu và học hỏi kinh nghiệm sáng tác thực tế”, họa sĩ Hồ Đình Nam Kha thông tin.

XUÂN DŨNG

;
;
.
.
.
.
.