Từ đầu năm 2022, các hội chuyên ngành nghệ thuật của thành phố đặt mục tiêu tổ chức nhiều hoạt động, hoàn thành các tác phẩm chất lượng để tham gia các sân chơi lớn. Cùng với đó, bằng niềm đam mê sáng tạo và tâm huyết, nhiều văn nghệ sĩ Đà Nẵng hăng hái nhập cuộc, tự “đặt hàng” chính mình để cho ra mắt công chúng các sáng tác mới có giá trị nghệ thuật.
Các hội chuyên ngành nghệ thuật thành phố đặt mục tiêu hoàn thành một số tác phẩm chất lượng trong năm 2022. TRONG ẢNH: Các nghệ sĩ, diễn viên múa của Hội Nghệ sĩ múa thành phố biểu diễn tác phẩm “Vũ khúc sông Hàn vượt qua đại dịch” trong chương trình nghệ thuật được tổ chức cuối năm 2021. Ảnh: X.DŨNG |
Sẵn sàng trước các sân chơi
Đa phần các hội đặt mục tiêu xây dựng tác phẩm chất lượng, tổ chức chương trình, triển lãm và tham gia các sân chơi nghệ thuật. Đơn cử, Hội Nghệ sĩ sân khấu có kế hoạch xây dựng 2 vở kịch ngắn và 1 vở diễn truyền thống “Quê hương dậy sóng” có thời lượng khoảng 120 phút để biểu diễn phục vụ nhân dân và tham gia Liên hoan sân khấu toàn quốc. Hội Nhiếp ảnh nghệ thuật phát động nghệ sĩ nhiếp ảnh tham các cuộc thi ảnh trong và ngoài nước. Hội Mỹ thuật vận động các họa sĩ tích cực sáng tác, tham gia Triển lãm mỹ thuật Nam miền Trung - Tây Nguyên lần thứ 27 tại Đà Nẵng…
Nhiều văn nghệ sĩ của Đà Nẵng sớm ấp ủ đề tài, xây dựng kế hoạch để chuẩn bị cho chặng đường sáng tác mới, hướng đến những cuộc thi nghệ thuật lớn trong năm. Nghệ sĩ nhiếp ảnh Huỳnh Văn Truyền, Chủ nhiệm CLB Nhiếp ảnh Đà Nẵng cho biết, nhiếp ảnh luôn là lĩnh vực có nhiều cuộc thi nhất, từ cấp tỉnh, thành phố đến quốc gia, quốc tế.
Riêng trong năm 2022, sẽ có không dưới 10 cuộc thi khác nhau, đặc biệt là cuộc thi ảnh nghệ thuật quốc gia 2 năm/lần, mọi người luôn trong tư thế sẵn sàng sáng tác. Các hoạt động ngày Tết là chất liệu hay cho hoạt động nhiếp ảnh. Vì vậy, ngay trong dịp Tết Nguyên đán, nhiều nghệ sĩ nhiếp ảnh Đà Nẵng đồng loạt xuất hành “khai máy”.
Theo nghệ sĩ nhiếp ảnh Huỳnh Văn Truyền, sáng tác với anh lâu nay gần như là việc thường xuyên; đi đâu, làm gì anh cũng mang theo máy ảnh để nếu bắt gặp khoảnh khắc đẹp là chụp ngay và khi có dịp, đưa tác phẩm của mình tham dự các cuộc thi. “Năm nay, tôi dự định đi chụp thêm về các làng nghề truyền thống của thành phố để lan tỏa các giá trị văn hóa dân gian địa phương đến bạn bè trong và ngoài nước; đồng thời, tham gia thêm các cuộc thi quốc tế để làm giàu có thêm bộ sưu tập giải thưởng của mình. Theo tôi, có kế hoạch, dự định từ sớm là một cách tự “đặt hàng” với chính mình”, anh Huỳnh Văn Truyền chia sẻ.
Hội Mỹ thuật cũng xác định trong năm 2022 sẽ mở 2 trại sáng tác, gồm: trại sáng tác tại chỗ để tạo điều kiện cho các họa sĩ có tác phẩm tham dự Triển lãm mỹ thuật Nam miền Trung - Tây Nguyên tổ chức tại Đà Nẵng và trại sáng tác tại quận Sơn Trà phục vụ tư liệu cho nhà trưng bày của quận.
Theo họa sĩ Hồ Đình Nam Kha, Chủ tịch Hội Mỹ thuật thành phố, năm nay, Đà Nẵng là chủ nhà của triển lãm mỹ thuật khu vực lần thứ 27 nên đòi hỏi các họa sĩ đặc biệt đầu tư, có tác phẩm nổi bật tham gia triển lãm. “Việc đầu tư này là cần thiết, bởi lẽ đòi hỏi của công chúng ngày càng cao. Các sân chơi chuyên ngành, không riêng gì các hoạt động lớn do Hội Mỹ thuật Việt Nam, khu vực tổ chức mà ngay cả giải cấp địa phương như giải thưởng Văn học- nghệ thuật thành phố cũng đặt ra yêu cầu ngày càng cao hơn”, họa sĩ Hồ Đình Nam Kha bày tỏ.
Sáng tác bằng đam mê và tâm huyết
Dù tất bật với công việc chính tại sân bay quốc tế Đà Nẵng, nhưng nhạc sĩ Thái Phú vẫn dành nhiều thời gian sáng tác nhạc. Từ đầu năm, anh đặt ra mục tiêu, định hướng sáng tác của mình, trong đó tập trung khai thác đề tài sáng tác về thành phố khôi phục kinh tế sau ảnh hưởng của Covid-19 và các giá trị dân gian, di tích lịch sử địa phương. Nhờ đề ra mục tiêu từ sớm, đến nay nhạc sĩ Thái Phú đã sáng tác xong tác phẩm “Lung linh lời huyền thoại” về phát huy giá trị di tích Chăm Phong Lệ (quận Cẩm Lệ) và 1 sáng tác khác về chùa Bà Đa (quận Ngũ Hành Sơn).
Nhạc sĩ Thái Phú chia sẻ, các sáng tác của anh lồng ghép dân ca vào âm nhạc hiện đại, để bản sắc văn hóa dân gian lan tỏa tự nhiên nhất vào cuộc sống, bắt nhịp xu hướng hiện đại. “Để sống tốt bằng nghệ thuật nói chung tương đối khó, nhưng bằng sự quan tâm của các cấp, ngành và đam mê, tâm huyết tự thân, tôi cùng các nhạc sĩ khác hằng ngày nỗ lực sáng tác, mang đến công chúng những tác phẩm chất lượng, cố gắng đưa âm nhạc thành phố xứng tầm với hai đầu đất nước”, nhạc sĩ Thái Phú bộc bạch.
Tương tự, họa sĩ Hồ Đình Nam Kha cho biết, năm nay anh cũng cố gắng hoàn thiện bộ sưu tập 40 bức tranh (đã hoàn thành 20 tranh) để tổ chức triển lãm thi họa cá nhân, dự kiến diễn ra vào tháng 11-2022. Đây là dự án mà họa sĩ Hồ Đình Nam Kha tự bỏ kinh phí và dành gần 2 năm đầu tư thực hiện. “Triển lãm bao gồm các tranh lụa và tranh trên giấy theo các chủ đề, bám sát nội dung tập thơ “Sự tích Ngũ Hành Sơn” của nhà thơ, dịch giả Bùi Xuân. Mặc dù còn khoảng 9 tháng nữa mới tổ chức triển lãm, việc hoàn thành đúng thời gian hay không phụ thuộc vào nhiều yếu tố nhưng có mục tiêu để đầu tư, cố gắng, cứ mừng trước vậy”, họa sĩ Hồ Đình Nam Kha chia sẻ.
Theo NSƯT Phan Hồng Hà, Phó Chủ tịch Hội Nghệ sĩ múa thành phố, nhân kỷ niệm 25 năm thành phố trực thuộc Trung ương và 20 năm thành lập Hội Nghệ sĩ múa thành phố, hội có kế hoạch phối hợp Hội Âm nhạc tổ chức chương trình nghệ thuật phục vụ nhân dân vào quý 1 năm 2022.
Về cá nhân, hiện NSƯT Phan Hồng Hà phối hợp NSND Lê Huân và VTV8 thực hiện 1 tiết mục kịch múa - một thể loại bề thế, đỉnh cao của nghệ thuật múa. Vở kịch múa mang tên “Hào quang đất Việt”, dài khoảng 45 phút, dự kiến hoàn thành trong quý 1 năm nay. “Dù kinh phí hoạt động tương đối hạn hẹp nhưng các nghệ sĩ của hội vẫn nỗ lực tạo ra điệu nhảy, đưa vào áp dụng tại các trường học và hội đoàn thể của thành phố. Nếu thực hiện được, đây sẽ trở thành một trong những dấu ấn riêng của Đà Nẵng so với các tỉnh, thành phố khác trên cả nước”, NSƯT Phan Hồng Hà thông tin.
XUÂN DŨNG