Xuân về trên những vùng đồi

.

Thiên nhiên tươi đẹp, trong lành cùng những giá trị văn hóa thuần túy là thế mạnh để các xã phía tây huyện Hòa Vang làm du lịch, dịch vụ, cùng tạo nên mùa xuân cho vùng đất này.

Du khách vui chơi tại An Nhiên Farm, xã Hòa Ninh, huyện Hòa Vang. Ảnh: TIỂU YẾN
Du khách vui chơi tại An Nhiên Farm, xã Hòa Ninh, huyện Hòa Vang. Ảnh: TIỂU YẾN

Có thể nói, chưa bao giờ Hòa Vang lại nghiêm túc với chuyện làm du lịch đến vậy, họ đang đi từng bước chậm rãi, thận trọng và đầy trách nhiệm nhằm mang lại những giá trị bền vững trong đời sống cộng đồng.

1. Gặp vợ chồng nghệ nhân Alăng Đợi tại Làng Toom Sara (tiếng Cơ tu nghĩa là suối hoa), thuộc xã Hòa Phú, huyện Hòa Vang giữa ngày hương xuân bắt đầu len lỏi khắp vùng đồi, anh ngồi nói chuyện về văn hóa Cơ tu cho nhóm bạn trẻ dưới phố lên chơi. Làn da rám nắng, ánh nhìn cương nghị, nụ cười hào sảng của người đàn ông Cơ tu vừa bước qua tuổi 60 cuốn hút dưới mái nhà Goong.

Tôi nhìn cách ông hướng dẫn cậu thanh niên cầm chiếc khèn Bơrét để hiểu lý do vì sao ông chấp nhận rời làng Gừng ở thị trấn P’rao (huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam) về đây sinh sống, làm du lịch theo lời mời của anh Huỳnh Tấn Pháp, Giám đốc điều hành Làng Toom Sara.

Alăng Đợi nói, từ ngày về đây, không còn cảnh ông cõng gùi hái lá rừng, xuống suối bắt con cá, thay vào đó là chơi đàn, đánh trống Cơ tu và giới thiệu văn hóa dân tộc mình. Rời cộng đồng Cơ tu thân thuộc, Alăng Đợi mang theo niềm hy vọng quảng bá văn hóa người Cơ tu.

Ngoài những công việc quen thuộc thì ở góc Làng Toom Sara, luôn có sẵn bộ dụng cụ cho Alăng Đợi đẽo gọt tượng nhà mồ, thú rừng cùng hình tượng người đàn ông, đàn bà trên thân cây với niềm say mê không ngơi nghỉ.

Anh Huỳnh Tấn Pháp nói ý tưởng gầy dựng không gian văn hóa Cơ tu là nét phác thảo trong tổng hòa các yếu tố “xanh, sạch, lành”, du lịch trách nhiệm và tôn trọng cảnh quan thiên nhiên tại Làng Toom Sara. Theo thời gian, địa điểm này càng trở nên quyến rũ, thu hút bởi cây xanh, suối nước, rêu phong và sắc đỏ, vàng, tím của hoa trang núi, chuối rừng, sim, mua và thiên điểu.

Dường như mỗi du khách đều có thể bắt gặp ở Làng Toom Sara một chút quê nhà ở khu vườn trồng chôm chôm, giàn gấc, khóm vả, chậu sành, hay lối đi với hàng cau, trang kiểng, lấp xấp bờ rào tạo những lối quen.

Sau những ngày mưa phùn dẫn dụ mùa xuân, Làng Toom Sara trở nên xanh mướt, ngời sức sống. Anh Pháp cho hay, để Làng Toom Sara trở nên đẹp đẽ, nên thơ và gần gũi nhất, ngoài thiên nhiên sẵn có, anh bỏ không ít tâm sức gầy dựng không gian văn hóa cồng chiêng, ưu tiên sử dụng đồ dùng bằng tre, mây, lá, giấy. Không gian lưu trú là vô số nhà lều cùng công trình tự nhiên, nhỏ nhắn và xinh đẹp.

“Ở Làng Toom Sara, chúng tôi tạo nên những không gian riêng biệt để khách tự do lựa chọn, khám phá. Ví như, chương trình “Ngày lóc chóc” đưa du khách “trở về” bên bếp lửa, cùng nhau đổ bánh xèo, nhắc nhớ nếp nhà, tình cảm gia đình và kết nối tình thân”, anh Huỳnh Tấn Pháp bày tỏ.

2. Nằm giữa khu bảo tồn thiên nhiên Bà Nà - Núi Chúa và Vườn quốc gia Bạch Mã (tỉnh Thừa Thiên Huế), xã Hòa Bắc được nhiều người ví von là “Tây Bắc trong lòng Đà Nẵng”. Chị Nguyễn Thị Diệu, nhà ở thôn Nam Yên, khoe với chúng tôi rằng xuân này Hòa Bắc đẹp lắm. Những quán cà phê, khu du lịch nằm bên dòng Cu Đê như Tiệm Nhà Đô, Yên Retrest, Nguồn Village… thu hút nhiều du khách đến check-in, thưởng lãm.

Theo chị Diệu, giao thông thuận lợi, địa hình thơ mộng đã giúp người dân Hòa Bắc mạnh dạn đầu tư làm du lịch, dịch vụ. “Bức tranh Hòa Bắc dường như đẹp hơn bởi giờ đây, người dân thường xuyên dùng tre, gỗ khi dựng tường rào, cổng ngõ, xen lẫn trồng cây xanh, hoa mười giờ, tóc tiên, chuối nước, tạo cảnh quan sạch đẹp, gần gũi với đời sống nông dân, nông thôn”, chị Diệu chia sẻ. 

Cùng với đó, các hoạt động bảo tồn văn hóa đồng bào Cơ tu, gắn với phát triển du lịch sinh thái cộng đồng, được thực hiện từ năm 2017 cũng tạo đà cho Hòa Bắc thay đổi cả về tư duy lẫn định hướng phát triển kinh tế, du lịch, dịch vụ.

Ông Đinh Văn Như, Bí thư chi bộ kiêm Trưởng thôn Tà Lang, Tổ trưởng Tổ hợp tác du lịch cộng đồng cho biết các thành viên đang tích cực tạo ra những sản phẩm du lịch độc đáo như đan lát, dệt thổ cẩm, múa cồng chiêng, hướng dẫn du khách kết bè, làm bánh sừng trâu, đan gùi…

Theo ông, cộng đồng dân tộc Cơ tu ở Hòa Bắc cũng lập nên các nhóm phục vụ du lịch như nhóm cồng chiêng, ẩm thực, trekking (đi bộ đường dài khám phá thiên nhiên), đan lát, hát lý, thổ cẩm, thuyết minh… với mục tiêu vừa phát triển kinh tế gia đình, vừa bảo tồn văn hóa bản địa.

Có thể nói, tư duy du lịch trách nhiệm với thiên nhiên, văn hóa giúp các xã phía tây thành phố như Hòa Phú, Hòa Bắc, Hòa Ninh có chỗ đứng trong bản đồ du lịch Đà Nẵng. Chủ tịch UBND xã Hòa Ninh Lê Đức Thương cho hay, xã đang bám sát chủ trương phát triển du lịch sinh thái, gắn với trách nhiệm từng hộ dân.

Cuối năm 2020, thu nhập bình quân đầu người tại đây đạt 55 triệu đồng/người/năm, đa phần dựa vào kinh tế vườn rừng cũng như khai thác tiềm năng du lịch, dịch vụ. Hiện địa phương đã có sẵn kế hoạch phát triển du lịch sinh thái vườn rừng, chờ thành phố phê duyệt nhằm thúc đẩy kinh tế nông thôn.

3. Sau 3 năm cùng anh Huỳnh Tấn Pháp gầy dựng khu du lịch sinh thái với tiêu chí “xanh, sạch, lành”, bà Lê Thị Nam Phương, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư L.I.F.E - chủ đầu tư Làng Toom Sara - khẳng định cả hai đã “gặp” nhau ở tiêu chí du lịch trách nhiệm, nâng cao giá trị tự nhiên. “Nói nôm na rằng, 3 năm qua, Làng Toom Sara đã tự tạo mùa xuân cho riêng mình, khi tập trung thay đổi nhận thức của người dân và du khách đối với thiên nhiên.

Chúng tôi theo đuổi mục tiêu xây dựng Làng Toom Sara trở thành điểm đến giáo dục, đa dạng sinh học và đánh thức cảm xúc của du khách trước thiên nhiên tươi đẹp. Có như vậy, những giá trị tự nhiên mới được bảo tồn, phát triển và khai thác hợp lý, để các xã phía tây Hòa Vang trở thành một vùng đất đặc biệt và xanh”, bà Nam Phương chia sẻ thêm.

Đề án phát triển du lịch cộng đồng huyện Hòa Vang giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030, cũng đã xác định 3 cụm du lịch cộng đồng các xã phía tây, gồm Tà Lang - Giàn Bí (xã Hòa Bắc); Túy Loan (xã Hòa Phong) - Thạch Nham Tây - Thái Lai (xã Hòa Nhơn) - Phú Túc (xã Hòa Phú); An Định - Nam Yên - Phò Nam (xã Hòa Bắc) với hình thức cắm trại, du lịch nghỉ dưỡng, trekking, tổ chức các trò chơi trên sông và trải nghiệm nông nghiệp…

Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang Phan Văn Tôn khẳng định, đã đến lúc các xã phía tây thành phố tận dụng lợi thế tự nhiên, vùng đất, văn hóa để phát triển kinh tế, du lịch địa phương. Bởi lẽ, loại hình du lịch trải nghiệm, tôn trọng tự nhiên đang là xu hướng du lịch mới, bền vững.

Ông Phan Văn Tôn đánh giá, việc thúc đẩy tiềm năng du lịch, dịch vụ các xã phía tây Hòa Vang thời gian qua khá hiệu quả, như thu hút đầu tư, phát triển kinh tế hộ gia đình, tạo việc làm tại chỗ và quan trọng nhất, là giúp địa phương trở nên chuyên nghiệp, văn minh hơn trong định hướng phát triển kinh tế, văn hóa nông thôn.

TIỂU YẾN

;
;
.
.
.
.
.