Dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi) bổ sung quy định cụ thể hơn về trách nhiệm, biện pháp tăng cường quản lý, ngăn chặn, xử lý vi phạm đối với tổ chức, cá nhân phổ biến phim trên không gian mạng.
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh phát biểu. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN) |
Sáng 22-3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi).
Tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV (tháng 10-2021), các đại biểu Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi). Sau kỳ họp, thực hiện sự chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục đã tích cực phối hợp với cơ quan soạn thảo, cơ quan có liên quan nghiên cứu, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, chỉnh lý dự thảo Luật; tổ chức các hội nghị, gửi văn bản xin ý kiến một số bộ, ngành, cơ quan; tổ chức Hội nghị Thường trực Ủy ban mở rộng; gửi xin ý kiến, tiếp thu góp ý của Thường trực Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội về dự thảo Luật và dự thảo Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý trước khi báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp tháng 3-2022.
Trình bày Báo cáo tóm tắt đối với từng nội dung cụ thể, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh cho biết về sản xuất phim sử dụng ngân sách Nhà nước (Điều 14), tiếp thu đa số ý kiến đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật quy định các hình thức sản xuất phim sử dụng ngân sách Nhà nước bao gồm giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu; giao Chính phủ quy định chi tiết nội dung về giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu đối với phim sản xuất sử dụng ngân sách Nhà nước và quy trình lựa chọn dự án sản xuất phim.
Liên quan đến phổ biến phim trên không gian mạng (Điều 21), tiếp thu ý kiến của đa số đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật đã quy định thống nhất về thực hiện "hậu kiểm" đối với phim phổ biến trên không gian mạng; đồng thời bổ sung quy định cụ thể hơn về trách nhiệm, biện pháp tăng cường quản lý, ngăn chặn, xử lý vi phạm đối với tổ chức, cá nhân phổ biến phim trên không gian mạng.
Đối với cấp Giấy phép phân loại phim (Điều 27), có ý kiến đề nghị thành lập các trung tâm thẩm định, phân loại phim thuộc Nhà nước. Một số ý kiến đề nghị thực hiện xã hội hóa, cấp phép cho một số doanh nghiệp cung cấp dịch vụ thẩm định phim. Có ý kiến đề nghị cho phép Hiệp hội chuyên ngành tham gia hỗ trợ cơ quan quản lý nhà nước trong thẩm định phim.
Ông Nguyễn Đắc Vinh chỉ rõ Nhà nước có thẩm quyền thực hiện việc cấp Giấy phép phân loại phim, Quyết định phát sóng và chịu trách nhiệm đối với những phim do mình cấp phép, quyết định phát sóng.
Hội đồng thẩm định, phân loại phim là tổ chức có chức năng tư vấn, giúp cơ quan nhà nước phân loại, quyết định. Để cấp giấy phép phân loại, quyết định phát sóng, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và cơ quan truyền hình sẽ phải thành lập nhiều Hội đồng khác nhau, có thành phần tham gia phù hợp với nội dung và thể loại phim.
Cơ quan có thẩm quyền thành lập Hội đồng thẩm định, phân loại phim có thể mời các nhà quản lý, chuyên gia độc lập hoặc chuyên gia đang hoạt động tại các Hiệp hội chuyên ngành tham gia Hội đồng thẩm định, phân loại phim, bảo đảm yếu tố phù hợp, khách quan và hiệu quả.
Khi đó, cơ sở điện ảnh có nhiều lựa chọn đơn vị tư vấn của cơ quan nhà nước cũng như đề nghị các tổ chức xã hội nghề nghiệp, các nhà chuyên môn… tư vấn, trước khi gửi cơ quan nhà nước cấp Giấy phép phân loại, Quyết định phát sóng phim do mình sản xuất, phát hành. Do vậy, Thường trực Ủy ban xin được giữ quy định như dự thảo Luật.
Một vấn đề khác hiện cũng còn ý kiến khác nhau, theo ông Nguyễn Đắc Vinh, là về Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh (điều 42, 43, 44). Nhiều ý kiến đề nghị không quy định Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh tại dự thảo Luật; có ý kiến đề nghị Ban soạn thảo chỉnh sửa các Điều 42, 43 và 44 để thấy được tính cấp thiết, khả thi của Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh.
Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục nhận thấy dự thảo Luật và các nội dung giải trình về thành lập Quỹ được nêu trong Tờ trình của Chính phủ tại Kỳ họp thứ 2 chưa giải quyết được các bất cập nêu trên, do vậy đề nghị bỏ các Điều 42, 43, 44 và bổ sung chính sách khuyến khích hoạt động thành lập quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh như quy định tại khoản 4, Điều 5 của dự thảo Luật.
Về vấn đề này, cơ quan soạn thảo đề nghị giữ như dự thảo Luật trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 2. Do vậy, Thường trực Ủy ban trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến 2 phương án. Phương án 1 là bỏ Mục 2 gồm 3 Điều 42, 43, 44 ra khỏi dự thảo Luật. Phương án 2 là giữ quy định tại Mục 2 lại như dự thảo Luật.
Cho ý kiến về nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh đánh giá nội dung quy định Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh chưa thuyết phục và đề nghị Chính phủ cần rà soát lại nguồn thu, nhiệm vụ chi của Quỹ này.
"Từ năm 2006 đến nay, Quỹ hoạt động không hiệu quả, vậy có cần thiết phải duy trì Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh hay không?," ông Thanh nêu quan điểm.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng phát biểu ý kiến. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN |
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cũng cho rằng 16 năm không triển khai được thì không nên quy định tiếp.
Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ lưu ý cần tiếp cận điện ảnh theo hai mặt: một là tác phẩm văn hóa, nghệ thuật và hai là công nghiệp văn hóa. Nếu coi đây là ngành kinh tế thì phải tuân theo quy luật kinh tế, nhưng đã là lĩnh vực văn hóa thì Nhà nước phải đầu tư, góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, giàu giá trị nhân văn, giáo dục. Cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra cần bám sát yêu cầu này.
Thực tế cho thấy kinh phí đầu tư cho lĩnh vực văn hóa, điện ảnh còn rất thấp. Vậy để xứng tầm, ngành điện ảnh phải được quan tâm, đầu tư như thế nào? Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh đầu tư cho điện ảnh còn là minh chứng để quán triệt, thể hiện quan điểm của Đảng, Nhà nước đối với phát triển văn hóa.
Theo Vietnam+