Cho một mùa hoa

.

Nhiều năm xa, nhưng đứa con vẫn không cách nào thôi nguôi nỗi nhớ quê nhà. Nỗi nhớ có khi êm dịu như những khóm hoa ba trồng trước bãi sông xanh, nhưng lắm lúc nỗi nhớ mang sự bi thương nhắc nhớ một khoảng đất rộng năm nào đã bị sóng cuốn đi. Mỗi lần gọi về hỏi ba, sông cách nhà mình bao xa nữa, mà nghe hơi thở ông già hồi hộp cùng với tiếng gió sông rít qua, như cái lạnh cũng có thể chở khẳm cả âm thanh điện thoại.

Nỗi niềm nhớ và đau đó, cũng là động lực mạnh mẽ nhất để đứa con rời quê lên phố. Đi làm bao năm ở phố, thằng con trai cố gắng khiến ông già rời bỏ xóm Lở để lên phố ở, nhưng không được. Ông nhất quyết không đi, dù đất cuối đuôi cồn đã lở gần đứt hết, còn trơ lại không quá mười nóc nhà, lưa thưa giữa dòng sông sóng dữ. Biết là khó bắt ba mình bỏ quê lên phố, nên đứa con trai nuôi trong lòng mơ ước có chút tiền để mua mảnh đất trong bờ, đưa ông già vào ở, ít ra vậy mới có thể yên tâm.
Mơ ước mua đất, cất nhà là một chuỗi dài, nên giữa hành trình ấy có đôi lần thằng Nhân về thăm quê. Ngồi trên xuồng qua xóm Lở, ngó cái vách đất dựng đứng phía bờ sông như một bức tường nham nhở, Nhân lại rầu. Ông già bảo rằng không sao đâu, từ hồi con đi lên phố, sông không còn lở nữa. Nở nụ cười cho ông già vui, đứa con nghĩ, có khi sông biết được lòng người, nên trì trệ cuộc đuổi xô hai cha con, không lở nữa.

Từ dạo lên phố làm, tất bật chạy sô nên mỗi năm Nhân chỉ về thăm quê được một vài lần, thường rơi vào dịp Tết. Những ngày cuối Chạp đầu Xuân ngắn ngủi ấy, ngó ra phía trước nhà, cách mũi đất cồn không quá trăm thước tây, là khoảng sân ông già trồng hàng nghìn cánh bông nở bung xòe; gió thổi lành lạnh mùa Tết đem đến một khung cảnh chẳng khác gì vườn bông Đà Lạt. Bông trang, bông cúc, bông thọ, bông mào gà và có cả mấy hàng điên điển tận ngoài mé nước xa xa, lâu lâu cũng trổ bông vàng, điểm tô cho mảnh đất lở bớt quạnh hiu. Đó là thành quả của mấy tháng trời ươm hạt, tỉa bông, chăm chút từng ngày một. Nay mai ông Hai Bông sẽ mang một nửa số bông tặng bà con trong xóm, những người nửa đêm gió dữ, bất chấp hiểm nguy chạy đến gõ cửa nhà kêu ông già qua nhà họ tránh sông lở; những người có nồi cháo, nồi chè cũng dành cho ông một tô ăn lấy thảo. Mớ bông còn lại ông để nguyên trước sân nhà, để cho mé sông lở có nham nhở đến mấy cũng được điểm tô cho nên thơ, tươi sáng. Mấy ngày Tết ngó bông đủ để ông ôn lại bao kỷ niệm đời mình, mấy mươi năm sống bằng nghề trồng bông Tết…

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Dạo đó, cũng là lúc sông bỗng dưng hiền lành trở lại, không lở nữa. Nhìn đất vẹn nguyên, người ta mừng. Nhưng nỗi mừng ấy chưa lâu thì lại đau đáu lo âu. Ông trời dạo này khó ăn khó ở, hay hờn giận vu vơ không một lý do nào. Đang mùa nắng bỗng mưa dầm mấy bữa, đang mùa mưa bỗng nước rút cạn khô. Gió hè khi lại lạnh, gió đông khi lại đi lơ thơ. Giăng lưới như vợ chồng chú Tư, cào hến như nhà chị Sáu hoặc bám đất trồng bông như ông già Hai mà gặp thời tiết vầy chỉ có nước kêu trời. Nhưng ông Hai Bông thì không kêu trời làm chi, ông trồng hết cây điên điển này đến cây trâm bầu khác, hết bông này đến bông khác. Mặc kệ có mưa hay có nắng, ông vẫn quyết tâm trồng cho bằng được.

Bày mớ hạt giống ra bàn, ông Hai Bông nói với con:

- Năm nay thế nào cha con mình cũng bội thu mùa bông Tết.

Thằng Nhân nhìn ba, thở dài ngao ngán. Nhiều năm rồi, sau hai đợt thất bát mùa bông: Một năm mưa xuân tơi bời, một năm trúng mùa bán ế, làm thằng con trai không còn tha thiết gì nữa với nghề của ba mình, nó cương quyết không cho ông già đi bán bông nữa. Bù lại, đứa con rời quê lên phố làm, nuôi hai cha con. Hai năm qua, dành dụm được chút đỉnh tiền, tháng nào Nhân cũng gửi về dặn dò ông già, ba lấy đó mà xài, đừng ra sông trồng điên điển chi, bông điên điển bán không được bao nhiêu đâu, ba ra đó nguy hiểm lắm, con lo… Hai chữ “con lo” cuối câu chùng xuống mấy hôm. Nhưng ở không thì tù túng, buồn, nên thoáng qua rồi, ông lại đốn tre cắm khắp bãi lở, dầm nước trồng từng cây điên điển cho đất có “chưn”. Mấy việc thường ngày ấy, ông không dám kể với con một lời.

Năm ngoái, nhân một bữa buồn, ngó sông thấy mùa cá ra, mấy tháng nữa đâu là đến Tết, những cơn gió lơ thơ làm ông già nhớ quá những mùa hàng bông năm nẵm. Vậy là lúi húi xới lên từng liếp đất, ông gieo từng hạt bông, tưới bằng cả mồ hôi và tâm huyết, mong sao Tết này xóm giềng có mớ bông chia nhau cho vui nhà vui cửa. Thằng Nhân về quê hôm hai mươi tám Tết, thấy bông thọ, bông cúc nở rộ trước sân nhà, xắn tay cùng ba nhổ một nửa cho hàng xóm, mà thấy vui trong lòng. Đó là cái Tết đầm ấm nhất từ trước đến nay, dẫu khuya đêm mồng một, sóng cuốn lở một tảng đất to và mấy mươi gốc điên điển làm ông già ngó nhìn tiếc hùi hụi, trong khi thằng con bần thần, chới với. Ngó chỗ sân nhà bị sóng cuốn đi, lòng thằng Nhân cũng lở chẳng khác nào dòng sông đang không thôi sóng. Đứa con càng dậy lên thêm niềm ao ước, phải nhanh chóng kiếm tiền dời đi nơi khác trước khi sóng cuốn lấy ngôi nhà biền biệt đi.

Sau mùa Tết đó, Nhân lên phố vùi đầu làm ngày làm đêm, mong sao mau đủ tiền. Chưa lâu, thì xui rủi có dịch bệnh, công ty đóng cửa. Lang thang đi xin việc vừa mới xong thì lại phải nghỉ, bởi hết khu trọ cách ly thì đến chỗ làm phong tỏa. Tiền dành dụm bấy lâu cạn dần. Nhân gọi về quê cố nén, mà vẫn không sao bớt đi giọng nghẹn ngào trong cổ họng. Ông Hai Bông biết con mình đang gặp khó, nên nhẹ nhàng nói rằng, “thôi con cứ về quê, ba nuôi”. Đứa con nhớ đến quê, nhớ bãi lở trước nhà, không biết về đó rồi phải sống ra sao? Nhưng dịch đến sát đít, một bữa nghe giọng ba mình thút thít như trẻ nít, Nhân lội bộ đi một đoạn dài mới thấy xe quen, quá giang về đến được quê sau đó một ngày ròng.

Thấy con về, ông già mừng như thấy Tết, mặc dù mùa xuân còn cách xa mấy tháng trời. Nằm dào dào trong nhà suốt mấy tuần liền, đứa con buồn rầu không bước ra sông, mặc cho ông Hai Bông ngày nào cũng lúi húi tỉa tót mớ tre đem cắm ngoài bờ lở, dặm thêm mấy gốc cây điên điển gầy gò vươn lên những cái bông vàng.

Một bữa chiều tháng mười, nhìn ra sông, Nhân thấy cơn gió thổi như muốn giành giật nhau từng chút không gian một. Lúc đó, ông già nói, không biết mùa bông năm nay ra sao. Thằng Nhân đoán được lòng ba mình, khi thấy ông bỗng bước vào nhà lôi bọc hạt giống ra đếm lui rồi đếm tới. Nhân không biết dịch bệnh có tha cho mùa bông của ba mình hay không, nhưng nó biết ông già chỉ sống lại nỗi lòng của mình mỗi năm một lần, vào mấy tháng cuối năm hiếm hoi này. Đứa con nói với ba rằng, hay ba trồng bông đi ba. Ông già mừng ra mặt, đâu biết rằng thằng con sợ, khi Tết đến không có việc gì làm, nhà cửa vắng hoe, nhìn bờ đất lở trơ trọi ông già lại buồn.

Đứa con cuốc lại mấy liếp bông, ông già ngồi trong sân đan mấy cái chậu tre. Người xóm Lở đi ngang nhà, ai cũng nhắc, nhớ mới hồi nào ông Hai Bông xin thằng nhỏ về nuôi, nó còn nhỏ xíu, chạy lon ton theo ba mỗi mùa bông Tết, vậy mà nay đã thay ông già cuốc đất trồng bông. Từng hạt đất được cuốc lên, như đánh thức mỡ màu trong từng thớ phù sa nơi xóm Lở. Ông già ngó con, lòng mừng thầm như mùa bông của mình sắp chín tới.

Lúi húi bên ba, thằng Nhân mới cảm nhận được cái nghề trồng bông cũng lắm công phu. Nhìn trời nhìn đất đã đành, còn phải cắt tỉa từng cây. Bí quyết bấy lâu nay của ông già mấy mươi năm trồng bông, làm đứa con tin hơn, ba mình không bó tay trước bất kỳ cây bông èo ọt hay yếu ớt nào. Ông già vừa tỉa bông, vừa ngân nga mấy câu vọng cổ: “Con ơi, mây trên trời có khi tan khi hiệp, người ở đời có lúc nhục lúc vinh, bền lòng hai chữ nghĩa nhân, gian nguy chẳng ngại hiếu thân lo tròn”. Thằng Nhân nghe ba ca, nó ngước lên nhìn chăm chú. Lúc đó, ông già mới nói, bông có cây trội cây lặn, đất có lúc tụ lúc tan, mình phải nhìn chúng bằng cái tâm, để biết “lạch” của cây, “ý” của đất. Hiểu cây, hiểu đất thì ắt sẽ có mùa đơm hoa kết trái, bãi bồi ngày một thêm xanh. Lời ông Hai Bông nói, trong lúc này sao mà thấm từng chữ một. Đứa con nhìn cha, nhìn bông và bãi đất phía trước nhà, ngẫm nghĩ. Tự nhủ với lòng, cha mình cũng một thời cực khổ, cũng mấy bận lao đao đứng giữa chợ Tết mà nhìn đám bông ế không biết làm sao. Ông già không cằn nhằn, không kể lể về những mùa thất bát, mà chỉ mỉm cười tin rằng, đời mình có làm thì có ăn, có cho thì có nhận, có lúc suy thì ắt có lúc thịnh. Nghĩ vậy, nên mấy ngày dịch tưởng chừng như vô vọng, đứa con thấy ông già đã thắp lên ánh sáng cho mình để thấy đời vẫn ý nghĩa, cuộc sống vẫn tươi xanh đầy hy vọng trước mắt mình.

Sáng mồng Một, cha con ông Hai Bông đứng trước nhà ngó ra khoảng sân còn chừa mấy liếp bông đang khoe sắc. Ngó ra xa hơn, lần đầu tiên thằng Nhân bắt gặp hàng điên điển trổ bông Tết. Lạ thay, thứ bông chỉ trổ trong mùa nước nổi, nay lại trổ bông ngay cả mùa xuân. Không biết ông già đã trồng hàng điên điển ấy từ bao giờ, chắc rằng ông phải vật lộn với sóng nước dữ lắm mới giúp giữ được những gốc cây vững chãi. Bước ra thêm mấy bước, đứa con thấy hàng cây ba mình cắm trong nước bấy lâu nay đã làm cho phù sa bồi tụ lại như cái gò nhỏ trước bãi lở năm nào.

Lúc đó, thằng Nhân bỗng thấy lòng dịu lại, dẫu xóm Lở đã mang cái tên đầy mất mát ấy bấy lâu nay. Bãi đất đã bắt đầu bồi, dẫu sông lúc đầy lúc cạn; những cánh bông vẫn trổ tươi xinh dẫu thời tiết lúc vầy lúc khác. Và mùa dịch sẽ qua, chỉ mùa Tết là về tươi xanh muôn thuở, tưới mát cho một năm hứa hẹn sẽ được mùa trở lại, cũng như bãi sông xanh sau mùa lở lại bồi.

LÊ QUANG TRẠNG

;
;
.
.
.
.
.
Liên kết hữu ích