Nỗ lực tìm nguồn gốc giọng quê hương

.

Sau 25 năm dành tâm sức nghiên cứu, PGS.TS Andrea Hoa Pham (Đại học Florida, Hoa Kỳ) vừa ra mắt sách “Nguồn gốc và sự hình thành giọng Quảng Nam” do Nhà xuất bản Đà Nẵng ấn hành. Các chuyên gia đầu ngành về ngôn ngữ đánh giá cao cuốn sách này; đồng thời cho rằng đây là nỗ lực rất lớn của tác giả, góp phần khơi gợi cảm hứng, thúc đẩy thêm những công trình nghiên cứu về ngôn ngữ, văn hóa, lịch sử đất Quảng.

Tác giả Andrea Hoa Pham (giữa) trao đổi với các đại biểu tại buổi ra mắt sách “Nguồn gốc và sự hình thành giọng Quảng Nam”. Ảnh: XUÂN DŨNG
Tác giả Andrea Hoa Pham (giữa) trao đổi với các đại biểu tại buổi ra mắt sách “Nguồn gốc và sự hình thành giọng Quảng Nam”. Ảnh: XUÂN DŨNG

Hướng về quê hương

PGS.TS Andrea Hoa Pham quê gốc tại tỉnh Quảng Nam, tốt nghiệp Tiến sĩ Ngôn ngữ học tại Đại học Toronto (Canada). Hiện tác giả đang là PGS.TS tại Khoa Ngôn ngữ, Văn học và Văn hóa (Đại học Florida, Hoa Kỳ). Để có được công trình “Nguồn gốc và sự hình thành giọng Quảng Nam”, Andrea Hoa Pham đã trải qua 25 năm nghiên cứu về âm vị giọng Quảng Nam, kể từ luận văn Thạc sĩ năm 1997. Trong công trình này, tác giả đặt ra hàng loạt câu hỏi và cố gắng “truy xuất” nguồn gốc giọng Quảng Nam theo tiến trình lịch sử, đặc trưng văn hóa và những chuyến đi điền dã.

Theo tác giả Andrea Hoa Pham, công trình này là một nỗ lực khiêm tốn, trước hết miêu tả giọng nói của người Quảng Nam. Sau đó đưa ra giả thuyết vì sao giọng Quảng Nam lại khác xa so với các địa phương khác. Do vậy, bên cạnh những tư liệu lịch sử, tham khảo từ các chuyên gia, nhiều chuyến điền dã đã được thực hiện, không chỉ ở Quảng Nam, mà còn tại Thanh Hóa và Nghệ Tĩnh - hai phương ngữ nền tảng cung cấp chất liệu cho việc hình thành giọng Quảng Nam. “Cuốn sách trình bày giả thuyết dựa trên chứng cứ về những cuộc di dân lịch sử từ Bắc Trung bộ; các chứng cứ ngữ âm - âm vị và quá trình biến đổi theo các quy luật hoạt động nội tại của ngôn ngữ để đưa đến một giọng nói Quảng Nam ngày nay”, tác giả Andrea Hoa Pham nói.

Cũng theo tác giả, việc tìm kiếm mối quan hệ giữa giọng Quảng Nam và những phương ngữ ở Thanh Hóa, Nghệ Tĩnh là điều không dễ dàng. Bởi lẽ, ngôn ngữ không ngừng biến đổi. Không thể biết được giọng Thanh - Nghệ Tĩnh hiện nay thay đổi so với vài thế kỷ trước như thế nào. Bên cạnh đó, cũng không có nhiều tư liệu về hệ thống âm vị của phương ngữ tiếng Việt. Các nghiên cứu trước đây thường chú trọng vào miêu tả mặt ngữ âm của giọng Quảng Nam, không đi xa hơn việc liệt kê các nguyên âm, phụ âm và thanh điệu.

Dành nhiều tâm sức để nghiên cứu, song PGS.TS Andrea Hoa Pham vẫn khẳng định, đây chưa phải là công trình hoàn chỉnh vì còn nhiều câu hỏi chưa thể chạm đến. Những kết quả tìm tòi, kiến giải và trình bày trong cuốn sách này chỉ là một cách hiểu, một phần của bài toán khó. “Tôi không khẳng định đây là cách hiểu tốt nhất và duy nhất. Thế nhưng, với những chứng cứ hiện có thì đây là cách hiểu hợp lý nhất. Hy vọng đây một tài liệu bổ ích, phục vụ cho việc nghiên cứu, giảng dạy và trao đổi học thuật. Cuối cùng, cuốn sách này xin là tấm lòng dâng tặng quê hương của một người con đất Quảng ở nơi xa xôi”, PGS.TS Andrea Hoa Pham bày tỏ.

Công trình quý về phương ngữ xứ Quảng

Cuốn sách “Nguồn gốc và sự hình thành giọng Quảng Nam” vừa xuất bản đã bán hết, hiện đang chuẩn bị in đợt 2. Theo đánh giá của các nhà văn hóa, chuyên gia đầu ngành về ngôn ngữ tại Việt Nam, “Nguồn gốc và sự hình thành giọng Quảng Nam” là công trình có hàm lượng khoa học cao, góp phần thúc đẩy sự hiểu biết về quê hương Quảng Nam ngày càng sâu sắc.

PGS.TS Hoàng Dũng, Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh - một trong những chuyên gia hàng đầu về ngôn ngữ học khẳng định, đây là một công trình quý, có sự đầu tư nghiên cứu rất đáng ghi nhận. “Lần đầu tiên trong hơn 100 năm nay mới xuất hiện công trình có các chứng cứ giải thích sự hình thành của một phương ngữ. Công trình này có thể chưa thể giải quyết xong vấn đề. Song chắc chắn, đây là chất “men” thúc đẩy các đồng nghiệp tiếp tục nghiên cứu về giọng nói xứ Quảng”, PGS.TS Hoàng Dũng nhấn mạnh.

Trong khi đó, ông Nguyễn Đức Tuấn, nguyên Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Nam cho rằng, đây là một ấn phẩm rất hiếm hoi về nghiên cứu phương ngữ, nhưng cũng vừa phục vụ nghiên cứu lịch sử, văn hóa địa phương. Tuy nhiên, trong tiến trình lịch sử, vào thế kỷ 15, Việt và Chămpa có một cuộc đại tiếp xúc. Lúc đó, người Việt và Chămpa có sự tiếp xúc ngôn ngữ, yếu tố quan trọng việc hình thành giọng Quảng Nam. Đến tận ngày nay, người gốc Chămpa ở trên vùng đất Quảng Nam - Đà Nẵng vẫn tương đối nhiều. “Nói như vậy để thấy rằng, sự diễn tiến văn hóa, trong đó có ảnh hưởng rất lớn từ Chămpa đã góp phần hình thành nên vùng đất, con người và giọng nói Quảng Nam ngày nay”, ông Nguyễn Đức Tuấn chia sẻ.

Theo GS.TS Nguyễn Văn Hiệp, Viện trưởng Viện Ngôn ngữ học (Viện Hàn lâm Khoa học và Xã hội Việt Nam), với công trình này, PGS.TS Andrea Hoa Pham chọn cách tiếp cận rất mới, thiên về giả thuyết sự di dân từ Thanh Hóa và Nghệ Tĩnh đã mang đặc điểm thổ ngữ của quê hương vào xứ Quảng, hình thành nên giọng Quảng Nam hiện nay. Trong đó, những chứng cứ do tác giả đưa ra đều dựa trên nền tảng lý thuyết rất chặt chẽ. Cuốn sách đưa những vấn đề tưởng chừng xa xôi nhưng lại rất gần gũi, đó là lịch sử dân tộc, di dân và lịch sử phát triển giọng nói. “Tôi cho rằng, cách tiếp cận của Andrea Hoa Pham - một người con xứ Quảng, được đào tạo hiện đại về ngữ âm học, chắc chắn sẽ tạo cảm hứng, thúc đẩy một loạt các nghiên cứu tìm nguồn gốc và sự hình thành những giọng khác ở những vùng phương ngữ tiếng Việt”, GS.TS Nguyễn Văn Hiệp khẳng định.

XUÂN DŨNG

;
;
.
.
.
.
.