Quận Thanh Khê hiện có nhiều di sản văn hóa vật thể, phi vật thể mang giá trị về lịch sử, văn hóa. Do đó, công tác bảo tồn và phát huy di sản văn hóa được các cấp chính quyền đặc biệt quan tâm.
Học sinh trên địa bàn quận tham quan Nhà truyền thống quận Thanh Khê. Ảnh: NGỌC HÀ |
Theo thống kê, di sản văn hóa vật thể trên địa bàn quận Thanh Khê gồm: 10 di tích, bia, biển đánh dấu địa điểm lịch sử, văn hóa được đăng ký bảo vệ. Trong số đó, có 2 di tích cấp quốc gia (Nhà mẹ Nhu và Đình làng Thạc Gián), 2 di tích cấp thành phố (Đình làng Thanh Khê, Nhà thờ tập linh nghề cá) và 6 bia, biển di tích được đăng ký bảo vệ. Di sản văn hóa phi vật thể có lễ hội Cầu ngư truyền thống. Ngoài ra, quận Thanh Khê còn duy trì một số làng nghề, ngành nghề truyền thống mang đậm bản sắc văn hóa của người dân bản địa như: làng nghề cá Xuân Hà, Thanh Khê Đông, Thanh Khê Tây; nghề làm chả cá Tam Thuận, nghề mây tre đan An Khê...
Theo Phòng Văn hóa - Thông tin quận Thanh Khê, thời gian qua, công tác bảo tồn và phát huy di sản văn hóa được chú trọng và đạt được một số kết quả tích cực. Theo đó, các di tích được bảo vệ, giữ gìn và quản lý tốt, tuân thủ đúng các quy định về quản lý di tích; có sự phân cấp quản lý, bảo vệ di tích xếp hạng, chưa xếp hạng đối với từng cấp chính quyền địa phương. Ngoài ra, các di vật, cổ vật tiêu biểu như sắc phong, bia ký, liễn đối, hoành phi… được bảo quản cẩn thận, không xảy ra tình trạng mất mát, hủy hoại hay tự ý trao đổi, mua bán.
Đáng chú ý, công tác kiểm kê, lập hồ sơ khoa học và số hóa tư liệu di tích được thực hiện theo kế hoạch và hướng dẫn của Sở Văn hóa và Thể thao. Năm 2016, quận đã lập hồ sơ khoa học đề nghị gắn bia di tích “Sự kiện 76 ngày đêm nhân dân Đà Nẵng làm chủ thành phố” tại số 255-257 Hùng Vương (phường Vĩnh Trung). Năm 2019, quận tiếp tục phối hợp Bảo tàng Đà Nẵng thực hiện số hóa sắc phong tại Đình làng Thạc Gián (18 sắc phong), Đình làng An Khê (1/3 sắc phong); tiến hành xác định phạm vi và cắm mốc giới khu vực bảo vệ di tích Đình làng Thạc Gián.
Từ năm 2015 đến nay, thành phố và quận đã đầu tư hơn 6 tỷ đồng cho công tác trùng tu, tôn tạo các di tích trên địa bàn quận. Đối với các di sản văn hóa phi vật thể, trong giai đoạn 2016-2020, quận Thanh Khê đã triển khai hiệu quả kế hoạch bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia như lễ hội Cầu ngư, nghệ thuật bài chòi.
Để phát huy giá trị di sản văn hóa trên địa bàn quận, các ngành chức năng đã phối hợp chặt chẽ triển khai dưới nhiều hình thức như gắn với các hoạt động ngoại khóa, tham quan, nghiên cứu, học tập; tổ chức sinh hoạt truyền thống về các nhân vật, sự kiện cách mạng; tổ chức cuộc thi “Hành trình di sản văn hóa lịch sử”, “Xây dựng clip tuyên truyền và hát Quốc ca tại các địa chỉ đỏ”...
Mới đây, Quận ủy Thanh Khê phối hợp Học viện Cán bộ quản lý xây dựng và đô thị (Bộ Xây dựng) khai giảng lớp bồi dưỡng về quản lý không gian kiến trúc cảnh quan và bảo tồn di sản đô thị cho cán bộ lãnh đạo là cán bộ, công chức (CBCC) từ quận đến phường. Bí thư Quận ủy Thanh Khê Lê Tùng Lâm cho biết, lớp học là việc cụ thể hóa triển khai thực hiện Kết luận 252 (năm 2022) của Ban Thường vụ Quận ủy Thanh Khê về “Nâng cao hiệu quả công tác quản lý và phát triển văn hóa trên địa bàn quận đến năm 2030”. “Những kiến thức về quản lý không gian kiến trúc cảnh quan và bảo tồn di sản đô thị sẽ giúp thực hiện công tác quản lý đô thị nói chung; quản lý không gian kiến trúc cảnh quan và bảo tồn di sản đô thị nói riêng ngày một tốt hơn, hiệu quả hơn trong bối cảnh đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ.
Ban Thường vụ Quận ủy cũng đề nghị các cơ quan, đơn vị, địa phương nắm bắt nhiều thông tin về lịch sử, địa lý và di sản văn hóa của quận Thanh Khê. Từ đó sẽ có đóng góp nhiều ý kiến cụ thể, sâu sắc đối với các đồ án quy hoạch phân khu liên quan đến quận Thanh Khê nói chung cũng như công tác bảo tồn di sản nói riêng trong thời gian đến”, ông Lê Tùng Lâm nhấn mạnh.
NGỌC HÀ