Trong ngữ pháp Tiếng Việt, từ “đâu” có nhiều nghĩa, trong đó có sắc thái nghĩa mang yếu tố thẩm mỹ, phong phú và đa dạng, gợi nên bao cảm xúc nơi người tiếp nhận. Qua sự sáng tạo của nhiều nhà thơ, từ “đâu” mang lại trường nghĩa đa chiều, hiệu quả và âm vang mãi.
Tác phẩm Truyện Kiều của Nguyễn Du. |
1. Từ “đâu” đi vào văn học với nhiều sắc thái nghĩa kỳ ảo, đa sắc. Nhiều từ “đâu” trong Chinh phụ ngâm vừa là câu hỏi, vừa là cái nhìn mênh mông, bao quát cả thời gian và không gian, mang nỗi lòng cô quạnh của người chinh phụ. Người chinh phu “xuất chinh”: Chàng từ sang đông nam khơi nẻo/ Biết nơi chàng tiến thảo nơi đâu? Người chinh phụ trông chồng: Ngàn thông chen chóc khóm lau/ Cách ghềnh thấp thoáng người đâu đi về? Chinh phụ đã từng “Lên cao mấy lúc trông vời bánh xe” nhưng khung cảnh vẫn tiêu điều: Biết đâu chinh chiến là miền Ngọc Quan. Trong rối bời tâm trạng, người chinh phụ: Xin làm bóng theo cùng chàng vậy/ Chàng đi đâu cũng thấy thiếp bên…
Đây chỉ là lời cầu nguyện, niềm mong mỏi, song vẫn không thành trong hiện thực. Một triết lý thâm trầm về bi kịch chiến tranh. Những dòng cuối khúc ngâm: Chén rượu, câu ca, liên ngâm, đối ẩm, kết duyên đến già, cho bõ lúc xa sầu cách nhớ, con người không còn cảnh: đường rong ruổi lưng đeo cung tiễn, hay cảnh: xếp bút nghiên theo việc đao cung, được hoan ca, vui thuở thanh bình. Thì ra, thời nào cũng vậy, thái bình, hòa bình luôn là khát vọng muôn đời của con người. Không còn những câu đau đáu về đâu, người đâu!
Trong Cung oán ngâm khúc, với 356 câu, chỉ một lần duy nhất Nguyễn Gia Thiều sử dụng từ “đâu” (các câu 103, 104): Trăm năm còn có gì đâu,/ Chẳng qua một nấm cổ khâu xanh rì. Dạng thức câu “Còn có gì đâu” nhấn mạnh sự hữu hạn của đời người. Từ “đâu” ở cuối câu bộc lộ một quan niệm bi đát về thân phận làm người, một kiếp phù sinh hư ảo trước tấn tuồng biến đổi của tạo hóa.
Văn tế thập loại chúng sinh còn gọi Văn chiêu hồn, không chỉ có thân phận của “thập loại chúng sinh”, mà đằng sau đó còn là thế giới tâm tình của Nguyễn Du, là những xúc cảm, nghĩ suy của một trái tim nhân đạo về số phận bi thảm của kiếp người. Số lượng câu ngắn, chỉ 184 câu, song số lần sử dụng từ “Đâu” nhiều nhất, đến 9 lần: “Phút đâu”, “về đâu”, “còn đâu”, “nào đâu”, “tìm vào đâu”, “chắc đâu”, “biết là tại đâu”, “biết đâu bây giờ” xoáy vào trái tim người đọc. “Đâu” như một vọng âm từ cõi khác, như một cung đàn buồn thảm, réo rắc về số phận con người.
2. Đặc biệt, trong Truyện Kiều, có đến 104 lần Nguyễn Du sử dụng từ “đâu” dưới nhiều góc độ nghĩa khác nhau, đưa lại hiệu quả thẩm mỹ cao. Dưới ngòi bút thiên tài của Nguyễn Du, từ “đâu” biến hóa, lung linh sắc màu, vừa tả cảnh, vừa nêu nỗi niềm tâm trạng. Đời Kiều truân chuyên, gập ghềnh, đầy bão tố. Kiều “lòng đâu sẵn mối thương tâm”, lại mang tâm trạng “người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”, nghịch cảnh: “cái điều bạc mệnh có chừa ai đâu”, rồi những “đâu đâu”, “đâu ta”, “đâu tá”, “đâu xa”, “bỗng đâu”, “phút đâu”, “thoắt đâu”. Kiều như một cánh hoa bị vùi dập. Một số kiếp nổi trôi. Không biết đi đâu, về đâu! Chốn bình yên nào để tìm về. Không có.
Nguyễn Khuyến trong Thu điếu có câu thơ hay, âm vang như sóng gợn: Tựa gối ôm cần lâu chẳng được/ Cá đâu đớp động dưới chân bèo. Cái hay của câu thơ nằm ở chữ “đâu”, gây tranh luận về nghĩa của từ cũng ở từ “đâu”. Từ “đâu” trong bài thơ này hiểu theo nghĩa bất định.
Trần Tế Xương trong bài Đêm hè (có bản ghi: Đêm buồn) có câu kết thật hay, nằm trong nghĩa bất định: Ngủ quách sự đời thây kẻ thức/ Chùa dâu chú trọc đã hồi chuông. Đêm hè là liên đêm, điệp đêm của cái “không”, cái “chẳng” của một Tú Xương luôn thao thức về đời. Chưa chợp mắt thì chùa đâu đã hồi chuông. Tiếng chuông chùa như xa như gần, mơ hồ vọng lại. Một vòng sóng âm thanh, tan trong không gian, kéo theo nỗi niềm của một kẻ sĩ có lương tri trước cảnh tình của quê hương đất nước.
3. Tản Đà (1888-1939) - gạch nối giữa thơ cũ và thơ mới - có nhiều lần sử dụng từ “đâu” tinh tế, âm vang bao nghĩa lý về đời, về mộng: Tìm đâu cho thấy người trong mộng/ Mộng cũ mê đường biết hỏi ai (Nằm mộng) hay Nào những ai đâu, bạn của đời/ Sao mà bỏ vắng, ít ra chơi?/ Chờ ai chờ mãi, ai đâu tá/ Hay ngán cho đời chẳng muốn chơi? (Còn chơi).
Thơ mới giai đoạn 1932-1945 có nhiều bài thơ hay, để lại trong lòng người đọc bao ấn tượng khó quên nhờ vào tín hiệu ngôn ngữ “đâu”. Trong Từ ấy của Tố Hữu, Nhớ đồng (1939) là bài thơ được bạn đọc yêu thích và đưa vào giảng dạy trong chương trình phổ thông. Yêu thích trước hết là nỗi nhớ sâu lắng từ một tâm trạng cô đơn, buồn nhớ, khắc khoải của người tù trẻ tuổi, bị tách biệt khỏi môi trường hoạt động sôi nổi. Cảnh ruộng đồng, xóm làng, quê hương, người thân được lặp lại, nhấn mạnh bằng những điệp ngữ: Gì sâu bằng… Gì sâu bằng… Gì sâu bằng…
Trong Nhớ rừng của Thế Lữ, bằng những từ hỏi “đâu” - (Nào đâu/ Đâu những/Còn đâu) những luyến láy, điệp ngữ, những câu hỏi tu từ nối tiếp nhau, xoắn quyện vào nhau, đẩy cảm xúc dâng tràn, khiến hổ nhớ rừng là nhớ đến những kỷ niệm vàng son, chói lọi của một thời oanh liệt. Những câu thơ tráng lệ, vẽ nên cảnh hùng vĩ. Nhạc thơ và nhạc rừng hòa quyện, đối sánh và tương tác nhau, từ “ta” vang lên, kiêu dũng, khiến cảnh rừng bừng sáng, xao xuyến giữa dĩ vãng oai hùng và hiện tại sa cơ, giữa thân tù hãm và một thời oanh liệt, giữa tự do và thất thế...
Đây là một trong những đoạn thơ tuyệt tác không chỉ của Thế Lữ mà còn của cả thơ Việt Nam. Cái làm nên giá trị thẩm mỹ đó có sự góp phần đầy biến ảo của từ “đâu”: Nào đâu những đêm vàng bên bờ suối/ Đâu những ngày mưa chuyền bốn phương ngàn/ Đâu những bình minh cây xanh nắng gội/ Đâu những chiều lênh láng máu sau rừng/ Than ôi! Thời oanh liệt nay còn đâu?
Trong bài Thơ duyên (1939), Xuân Diệu có hai câu thơ hay: Mây biếc về đâu bay gấp gấp/ Con cò trên ruộng cánh phân vân. Trong Lửa thiêng, Huy Cận nhiều lần sử dụng từ “đâu” theo nghĩa bất định của ngữ dụng học (pragmatic). Sự có mặt của từ “đâu” góp phần tạo nên những bâng khuâng, tiếc nuối một chân trời, một quãng đời, như gợn sóng không cùng, lan tỏa mãi trong cõi biếc, bến bờ, như sợi nắng mong manh của buổi chiều tàn, như giấc mơ xưa không trôi theo năm tháng, như gánh xiếc qua làng, nàng cưỡi ngựa về phương nào, như mơ hồ tiếng vọng của buổi chiều vãn chợ ở một làng xa đưa tới, như những cánh bèo vô định, hàng nối hàng, trôi dạt giữa mênh mông bến vắng, không một chuyến đò ngang, chuyện hợp tan, tan hợp, biết mong mỏi gì trong cuộc đời...
4. Trong thơ ca hiện đại giai đoạn 1945-1975, Tế Hanh có những bài thơ sử dụng từ “đâu” rất tinh tế. Đặc biệt, trong tập Tiếng sóng (NXB Văn học, 1960), Tế Hanh có hai câu hay: Trời vẫn xanh một màu xanh Quảng Trị/ Tận chân trời mây núi có chia đâu…
Lưu Quang Vũ (1948-1988) sống cuộc đời ngắn ngủi, chỉ 40 năm, có nhiều bài thơ sử dụng mô hình câu: “Có... gì đâu”, “có... đâu” nhấn mạnh sự hữu hạn của đời người, sự tan loãng của tự nhiên.
Y Phương (SN 1948, dân tộc Tày, quê Trùng Khánh, Cao Bằng) có giọng thơ riêng, ngôn ngữ lạ, ám ảnh, tạo nên một âm thanh mới trong thơ Việt. Những mùa sông Bằng không chảy là bài thơ ngắn gồm 17 câu. Điệp ngữ: Chẳng hiểu sao/ Những mùa dài sông Bằng không chảy lặp lại 3 lần. Khổ cuối: Chẳng hiểu sao/ Những mùa dài sông Bằng không chảy/ Tôm cá đi buồn bã như người/ Mái chèo chạm nỗi lòng gợn sóng/ Đi đâu?/ Về đâu ?/ Bè ơi!
Sông Bằng Giang không chảy những mùa dài. Lòng người vẫn ở lại. Người và tôm cá đều buồn. Sông có chảy đâu mà mái chèo vẫn khua? Vẫn chạm vào nỗi lòng gợn sóng. Hai câu Đi đâu?/ Về đâu? vang lên như từ sâu thẳm của tiềm thức vọng về. Vẫn dòng sông Bằng hiện hữu. Vẫn con sông một đời thao thiết chảy qua bao phận đời, nổi trôi, buồn bã. Đời sông chứng kiến bao đời người. Bài thơ gợi những ngẫm nghĩ về đất trời, về chiếc bè nhân thế. Âm hưởng bài thơ buồn.
Từ “đâu” qua tài năng của các nghệ sĩ đã mang lại sự tươi mới, sáng tạo, làm nên những biểu tượng đẹp cho nghệ thuật. Nhiều câu thơ hay của thời kỳ trung đại, thời Thơ mới, nhất là thơ hiện đại, khiến gia tài thơ ca dân tộc thêm phong phú, độc đáo.
Theo Từ điển Tiếng Việt, từ “đâu” có nghĩa dùng để chỉ một nơi, một chỗ nào đó không rõ, cần được xác định (thường dùng để hỏi); từ biểu thị ý phủ định về điều mà người nói muốn khẳng định dứt khoát là không hề có, không hề xảy ra, không như người đối thoại đã hoặc có thể nghĩ; từ biểu thị ý nhấn mạnh về điều vừa phủ định, như muốn thuyết phục hoặc bác bỏ ý kiến của người đối thoại (Hoàng Phê, Từ điển Tiếng Việt, NXB Đà Nẵng - Trung tâm Từ điển học, 2005, trang 298). |
HUỲNH VĂN HOA