Phát triển loại hình du lịch văn hóa, du lịch di sản hay phát huy giá trị văn hóa gắn với phát triển du lịch bền vững là những nhiệm vụ, mục tiêu quan trọng mà thành phố đặt ra trong các kế hoạch, chiến lược phát triển văn hóa trên địa bàn những năm tới.
Du khách quốc tế tham quan Danh thắng Ngũ Hành Sơn trong tháng 8-2022. Ảnh: XUÂN SƠN |
Hiện nay, với lượng khách du lịch đông đảo và hệ thống di tích, di sản khá lớn, thành phố có tiềm năng cũng như nhiều điều kiện thuận lợi để theo đuổi, sớm đạt được mục tiêu này.
Hệ thống di tích, di sản văn hóa phong phú
Theo Phòng Quản lý di sản văn hóa (thuộc Bảo tàng Đà Nẵng), thành phố hiện có 2 di tích quốc gia đặc biệt, 17 di tích quốc gia và 67 di tích cấp thành phố. Bên cạnh đó, thành phố đang có 6 bảo vật và 6 di sản phi vật thể được đưa vào danh mục di sản quốc gia cùng với hệ thống các lễ hội, làng nghề truyền thống, văn hóa ẩm thực, các di sản văn hóa nghệ thuật, văn nghệ dân gian, bảo tàng…Đây là nguồn tài nguyên, điều kiện thuận lợi để thành phố phát triển ngành du lịch văn hóa, du lịch di sản. Trong đề án bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc trên địa bàn thành phố giai đoạn 2021-2025, Đà Nẵng cũng xác định nhiệm vụ trọng tâm là phát huy giá trị di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch bền vững. Các nhiệm vụ triển khai trong đề án đều hướng đến mục tiêu chính là phát triển du lịch.
Trưởng phòng Quản lý di sản văn hóa Phan Thị Xuân Mai cho biết, hiện thành phố đang triển khai những nội dung của đề án như: hoàn thành việc trùng tu, tôn tạo các di tích đã được xếp hạng; kiện toàn ban quản lý và làm nội dung thuyết minh tại các di tích… Ngoài ra, thành phố cũng có định hướng phát triển du lịch với những di sản phi vật thể như: kế hoạch phát triển nghệ thuật bài chòi, lễ hội cầu ngư, khai thác du lịch từ làng nghề bánh tráng Túy Loan…
“Ngành văn hóa và ngành du lịch đang có kế hoạch thực hiện một chuyên đề nghiên cứu chung về định hướng khai thác di sản gắn với phát triển du lịch. Trong đó, sẽ khảo sát, đánh giá tiềm năng phát triển du lịch của tất cả di tích, di sản để tập trung khai thác có hiệu quả”, bà Mai thông tin.
Để khai thác, phát triển du lịch văn hóa, di tích phải đáp ứng các tiêu chí để đăng ký làm điểm đến theo quy định của Luật Du lịch. Ngoài Danh thắng Ngũ Hành Sơn đã được công nhận là điểm đến, thành phố đang nỗ lực hoàn thiện cơ sở hạ tầng cho 5 di tích có khả năng phát triển du lịch (nhà thờ làng An Hải và Thoại Ngọc Hầu, khu căn cứ cách mạng K20, nghĩa trủng Hòa Vang, di tích Huyện ủy Hòa Vang và đình Thạc Gián).
Trưởng ban quản lý Danh thắng Ngũ Hành Sơn Nguyễn Văn Hiền cho biết, từ đầu năm đến nay, danh thắng đón khoảng 450.000 lượt khách tham quan; trong đó, có khoảng 35.000 lượt khách quốc tế, còn lại là khách nội địa. Tuy nhiên, theo ông Hiền, một điều kiện rất thuận lợi là đồ án quy hoạch Danh thắng Ngũ Hành Sơn sắp trình Chính phủ thông qua. Bên cạnh đó, danh thắng cũng có hệ thống “ma nhai”, dự kiến tháng 11-2022 thành phố sẽ bảo vệ hồ sơ trước UNESCO để đưa vào danh mục di sản ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Nếu được thông qua, đây sẽ là di sản thế giới đầu tiên của Đà Nẵng.
Hướng tới phát triển du lịch bền vững
Trong Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 của Thủ tướng Chính phủ xác định, mục tiêu đến năm 2030, ngành du lịch văn hóa chiếm 15-20% trong tổng số 40 tỷ USD doanh thu từ khách du lịch. Phát triển du lịch văn hóa cũng là mục tiêu quan trọng trong Chiến lược văn hóa đối ngoại của Việt Nam trên địa bàn thành phố đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030. Trên thực tế, tài nguyên văn hóa là một nguồn lực để phát triển du lịch. Đồng thời, du lịch cũng chính là phương thức, con đường mà nhiều quốc gia đang đầu tư, khai thác tối đa yếu tố kinh tế của các giá trị văn hóa.
Để các di tích, di sản thực sự là nguồn lực phát triển du lịch, Giám đốc Bảo tàng Đà Nẵng Huỳnh Đình Quốc Thiện cho rằng, bên cạnh việc bảo tồn, các địa phương phải tạo ra nhiều hoạt động lễ hội, giải trí, thể dục - thể thao, sinh hoạt cộng đồng ngay tại các di tích, di sản để người dân, du khách biết đến và tham gia. “Phải làm sao, khi du khách đến tham quan di tích, di sản, họ không chỉ tìm hiểu, ngắm cảnh mà còn muốn nghe các câu chuyện, tham gia cùng người dân địa phương tại các lễ hội, sự kiện hay thưởng thức ẩm thực ngay trên chính khu di tích đó. Có như vậy mới thu hút và níu chân du khách”, ông Thiện nhìn nhận.
Theo Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Phạm Tấn Xử, những năm qua, thành phố rất quan tâm đầu tư để phát triển sự nghiệp văn hóa, thông qua việc đầu tư tổ chức nhiều hoạt động giữ gìn, phát huy nét văn hóa đặc trưng, truyền thống địa phương; đồng thời khai thác tốt các giá trị văn hóa để phục vụ du lịch. Một số di tích đã trở thành điểm đến thu hút đông đảo du khách, là động lực phát triển kinh tế - xã hội cho địa phương. Bên cạnh đó, thành phố đã hình thành các tour, tuyến du lịch kết nối các điểm di sản, các lễ hội truyền thống.
Thời gian tới, ngành tập trung theo định hướng khuyến khích phát triển các loại hình du lịch văn hóa, đặc biệt là du lịch di sản, du lịch tâm linh, du lịch gắn với các hoạt động lễ hội truyền thống và hiện đại ở địa phương. Tăng cường tổ chức các hoạt động nhằm xúc tiến quảng bá du lịch, xây dựng hình ảnh và thương hiệu du lịch địa phương phong phú, thân thiện. Đồng thời, đẩy mạnh chuyên nghiệp hóa và xã hội hóa xúc tiến du lịch trong các hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch…
“Việc phát huy giá trị di sản văn hóa trong phát triển du lịch sẽ góp phần tạo chiều sâu và sự hồi phục, bứt phá cho du lịch Đà Nẵng. Do đó, ngành cũng tăng cường công tác tuyên truyền về vai trò, quyền lợi và trách nhiệm của cộng đồng trong phát triển du lịch để đảm bảo hài hòa giữa bảo tồn di sản văn hóa với phát triển du lịch; phát triển bền vững trong hoạt động du lịch tại các di tích, di sản văn hóa”, ông Xử nhấn mạnh.
XUÂN DŨNG