Giải Sách Quốc gia lần thứ V: Bộ địa chí triều Nguyễn giành giải A

.

Giải thưởng Sách quốc gia đã và đang ngày càng tạo dựng được vị thế, vai trò của mình với tư cách là giải thưởng uy tín hàng đầu trong lĩnh vực xuất bản ở Việt Nam.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa trao giải A. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa trao giải A. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Bộ địa chí đầu tiên của triều Nguyễn “Hoàng Việt nhất thống dư địa chí” là tác phẩm duy nhất giành giải A tại Giải thưởng Sách Quốc gia lần thứ V. Ngoài ra, Ban tổ chức còn trao 9 giải B và 16 giải C cho các cuốn sách chất lượng cao cả về nội dung và hình thức.

Lễ trao giải diễn ra tối 3-10 tại Đài Tiếng nói Việt Nam.

Sách bồi đắp tri thức, tâm hồn người Việt

Phát biểu tại lễ trao giải, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam bày tỏ sự xúc động vì đây không đơn thuần là lễ trao Giải thưởng Sách quốc gia, mà còn là dịp để bày tỏ lòng biết ơn tới những người đã trực tiếp, gián tiếp làm nên những tác phẩm góp phần bồi đắp tâm hồn người Việt.

Phó Thủ tướng biểu dương những giá trị mà Giải thưởng Sách quốc gia mang lại, cụ thể, một tác phẩm thiếu nhi Việt Nam đã được dịch và xuất bản ở nhiều quốc gia chỉ trong vòng một năm sau khi được trao giải.

“Giải thưởng Sách quốc gia có một vị trí không thể thay thế và ngày càng quan trọng, đóng góp vào sự phát triển của văn hóa, sự lan tỏa tri thức,” Phó Thủ tướng nhận định.

Bộ địa chí đầu tiên của triều Nguyễn “Hoàng Việt nhất thống dư địa chí” là tác phẩm duy nhất giành giải A. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)
Bộ địa chí đầu tiên của triều Nguyễn “Hoàng Việt nhất thống dư địa chí” là tác phẩm duy nhất giành giải A. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)

Phó Thủ tướng mong rằng Giải thưởng Sách quốc gia ngày càng có uy tín hơn, trở thành cái nôi nuôi dưỡng ngành xuất bản nước nhà.

Nhìn lại hành trình 5 năm qua, ông Hoàng Vĩnh Bảo, Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Giải thưởng Sách quốc gia khẳng định giải thưởng đã thể hiện xứng tầm quốc gia, trao giải cho những cuốn sách (bộ sách) có giá trị nổi bật về nội dung tư tưởng, tri thức, thẩm mỹ; có tác động mạnh mẽ đến cộng đồng; khuyến khích, tôn vinh những người sáng tác và những người hoạt động trong lĩnh vực xuất bản sách Việt Nam.

Từ đó, giải thưởng góp phần phát hiện, lưu giữ, quảng bá những tác phẩm có giá trị đến với đông đảo bạn đọc, tạo động lực thúc đẩy sự nghiệp xuất bản phát triển theo đúng hướng và phù hợp với xu hướng hội nhập.

Trong 5 năm, các nhà xuất bản và đơn vị làm sách đã đề cử 1.548 tên sách, bộ sách với 1.982 cuốn. Có tổng cộng 139 tên sách, bộ sách đoạt giải với 14 giải A, 55 giải B, 70 giải C.

Báo cáo Giải thưởng Sách quốc gia lần thứ V, Chủ tịch Hội đồng Giải thưởng Sách quốc gia nhận định các cuốn sách được trao giải đều bảo đảm chất lượng, có nội dung phong phú, hình thức đẹp, có tính đa ngành, đa mục tiêu và hướng đến nhiều đối tượng độc giả khác nhau. Nhiều cuốn sách, bộ sách có giá trị lý luận và thực tiễn cao, có tính thời sự và đang được xã hội quan tâm.

Bên cạnh những kết quả đạt được, Giải thưởng Sách Quốc gia lần thứ V vẫn còn những mặt hạn chế như: Chỉ chọn được 1 giải A (theo điều lệ, có thể có 5 giải A cho 5 mảng sách), nhiều nhà xuất bản chưa có sách tham dự giải thưởng, sách nộp lưu chiểu không đúng thời hạn…

Đặc biệt, trong các tác phẩm đạt giải cao còn thiếu vắng các tác phẩm văn học, nhất là các tác phẩm văn học trong nước, các tác phẩm về công nghệ thông tin ứng dụng trong nhiều lĩnh vực đời sống xã hội.

Ngày hội của những người làm xuất bản

Giải thưởng Sách quốc gia năm nay diễn ra trong không khí hân hoan bởi dịch COVID-19 đã được kiểm soát, các đơn vị xuất bản đang khôi phục hoạt động đồng thời năm nay cũng đánh dấu 70 năm thành lập ngành xuất bản.

Ông Nguyễn Nguyên, Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành, Bộ Thông tin và Truyền thông, Phó chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam phấn khởi: “Giải thưởng Sách quốc gia năm nay có nhiều khởi sắc bởi số lượng sách tham gia nhiều hơn những năm trước. Lễ trao giải cũng đông vui hơn mọi năm. Các cơ quan báo chí đã giúp chúng tôi lan tỏa mạnh mẽ về hiệu ứng của giải thưởng này.”

Theo Cục trưởng Nguyễn Nguyên, việc lan tỏa các tác phẩm đoạt giải đến với bạn đọc là một trong những nhiệm vụ, mục đích quan trong của ngành xuất bản. Có những tác phẩm đoạt giải có giá trị rất cao, cần quảng bá rộng hơn tới độc giả đại chúng để thúc đẩy văn hóa đọc, khích lệ những người sáng tác và những người làm xuất bản.

Đại diện đơn vị nhận giải thưởng, ông Phạm Trần Long, Giám đốc, Tổng biên tập Nhà xuất bản Thế giới chia sẻ: “Giải thưởng Sách quốc gia chính là động lực để các đơn vị xuất bản tiếp tục tìm tòi đề tài, mở rộng hợp tác, khai thác bản thảo từ các nguồn đa dạng, học hỏi từ những tác giả, dịch giả, nhà nghiên cứu để mang lại nhiều tựa sách hay, có ý nghĩa hơn nữa cho bạn đọc.”

Các đại biểu đến dự lễ trao giải. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Các đại biểu đến dự lễ trao giải. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Ông Phạm Trần Long cho rằng Giải thưởng Sách quốc gia đã và đang ngày càng tạo dựng được vị thế, vai trò của mình với tư cách là giải thưởng uy tín hàng đầu trong lĩnh vực xuất bản ở Việt Nam. Không chỉ ngày càng đông đảo các nhà xuất bản hưởng ứng, gửi sách tham dự giải, mà nhiều đơn vị làm sách, phát hành sách cũng tham gia đề cử.

“Giải thưởng Sách quốc gia ngày càng thu hút sự quan tâm của bạn bè quốc tế. Trong vai trò Tổng thư ký Hiệp hội Xuất bản ASEAN, tôi bắt đầu nhận được những câu hỏi, đề xuất hợp tác, phối hợp xuất bản từ các nước thành viên. Vẫn cần thời gian để các bên có thể tiến lại gần nhau, nhưng tôi tin rằng mọi việc đều cần những bước đi đơn giản ban đầu như vậy,” ông Phạm Trần Long chia sẻ.

“Hoàng Việt nhất thống dư địa chí” là cuốn sách của tác giả Lê Quang Định, do nhà nghiên cứu Phan Đăng dịch và chú giải, Nhà xuất bản Thế giới và Công ty cổ phần Sách Thái Hà ấn hành.

Ngay sau khi tái lập Vương triều Nguyễn vào năm Nhâm Tuất (1802), vua Gia Long đã tin cậy, ra lệnh cho Thượng thư Bộ binh Lê Quang Định biên soạn bộ sách: “Kê cứu sách vở bản đồ cả nước, các thành dinh trấn đạo từ Kinh Sư vào Nam đến Hà Tiên, ra Bắc đến Lạng Sơn,” “phàm sông núi hiểm hay dễ, đường đi xa hay gần, giới hạn bờ cõi thế nào, sông biển nguồn lạch, cho đến cầu cống chợ điếm, phong tục thổ sản, hết thảy ghi chép lấy, soạn làm 10 quyển và hoàn thành vào tháng 11 năm Bính Dần (1806).”

Đúng thời hạn, Thượng thư Lê Quang Định dâng sách lên vua. Cuốn sách khẳng định cương vực quốc gia, thể hiện ý thức độc lập, khát vọng thống nhất giang sơn, văn hiến của dân tộc Việt Nam.

Theo Vietnam+

;
;
.
.
.
.
.