Ban Thường vụ Thành ủy vừa ban hành Chỉ thị số 23/CT-TU về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác xây dựng và phát triển văn hóa trên địa bàn thành phố. Theo đó, yêu cầu các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận, các ban, ngành, đoàn thể chính trị - xã hội tăng cường, đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với lĩnh vực văn hóa.
Tập trung triển khai cụ thể hóa các quan điểm chỉ đạo của Trung ương về xây dựng và phát triển văn hóa Việt Nam nói chung và Đà Nẵng nói riêng với mục tiêu “Phát triển văn hóa - xã hội đồng bộ với phát triển kinh tế; chú trọng xây dựng và phát triển toàn diện con người Đà Nẵng, làm nền tảng phát triển bền vững, xây dựng thành phố đáng sống”, “Phát triển văn hóa ngang tầm với chính trị, kinh tế, xã hội và gắn với phát triển du lịch là một trong các trụ cột quan trọng trong định hướng phát triển thành phố thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050”.
Bên cạnh đó, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về văn hóa. Đẩy nhanh việc cụ thể hóa các chủ trương, quan điểm của Đảng thành chính sách cụ thể, khả thi về phát triển văn hóa, xây dựng con người, các chương trình, đề án phù hợp với từng địa phương, đơn vị. Đặc biệt, chú ý đến tính đặc thù của hoạt động văn hóa, nghệ thuật. Tăng cường các nguồn lực cho phát triển văn hóa, tương xứng và ngang hàng với tăng trưởng kinh tế của thành phố; khơi thông các nguồn lực xã hội, nguồn lực trong nước và nước ngoài cho phát triển văn hóa.
Bảo đảm quỹ đất cho văn hóa theo chỉ tiêu được phê duyệt; chú trọng quy hoạch, đầu tư xây dựng các công trình lớn, có tính đột phá. Xây dựng, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ trực tiếp làm công tác văn hóa tương xứng với yêu cầu và nhiệm vụ phát triển văn hóa trong giai đoạn mới. Thực hiện tốt công tác bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể trên địa bàn thành phố; trong đó, quan tâm công tác trùng tu, bảo tồn đền, chùa, miếu, mạo, các di sản văn hóa ở cơ sở, khu dân cư.
Đặc biệt, xây dựng con người Đà Nẵng phát triển toàn diện theo những đức tính tiêu biểu của con người Việt Nam, gắn kết chặt chẽ, hài hòa giữa giá trị truyền thống và giá trị hiện đại; đồng thời giữ gìn, phát huy những giá trị đặc trưng riêng có của văn hóa và con người Đà Nẵng. Phát huy vai trò chủ thể sáng tạo, chủ thể thụ hưởng văn hóa là nhân dân; vai trò tiên phong của đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ và những người làm công tác văn hóa. Xây dựng môi trường văn hóa, đời sống văn hóa lành mạnh trên địa bản thành phố; xây dựng đời sống văn hóa vui tươi, lành mạnh.
Quan tâm xây dựng văn hóa trong chính trị và kinh tế. Tập trung xây dựng Đảng và hệ thống chính trị về văn hóa, đạo đức; chú trọng xây dựng văn hóa trong doanh nghiệp, văn hóa kinh doanh, văn hóa doanh nhân, gắn với xây dựng giai cấp công nhân. Nâng cao chất lượng, hiệu quả các hoạt động văn hóa. Tập hợp, tạo điều kiện để văn nghệ sĩ hoạt động có hiệu quả, sáng tác nhiều tác phẩm có giá trị tư tưởng và nghệ thuật. Phát triển nhanh, bền vững, hiệu quả các ngành công nghiệp văn hóa và dịch vụ văn hóa gắn với phát triển du lịch. Đặc biệt, chú trọng đầu tư, phát triển du lịch văn hóa, du lịch lễ hội, trải nghiệm. Đẩy mạnh việc xây dựng và phát triển các hình thức nghệ thuật dân gian, hiện đại, vừa đáp ứng yêu cầu hưởng thụ nghệ thuật của người dân thành phố, vừa đáp ứng việc phục vụ du khách, phát triển ngành du lịch, dịch vụ.
Ngoài ra, tăng cường hội nhập quốc tế, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại. Chủ động hội nhập, kết nối, hợp tác trong lĩnh vực ngoại giao văn hóa nhằm giới thiệu các giá trị văn hóa, lịch sử, nghệ thuật của thành phố đến với du khách và bạn bè quốc tế. Đồng thời, đẩy mạnh xúc tiến, đăng cai tổ chức các sự kiện mang tầm quốc gia, quốc tế và khu vực, đưa Đà Nẵng trở thành trung tâm sự kiện, hội nghị quốc tế…
THIÊN DUYÊN