Rộn ràng các lễ hội đầu năm

.

Hằng năm, thành phố tổ chức gần 30 lễ hội thường niên, trong đó có hơn 10 lễ hội diễn ra vào đầu năm, chủ yếu là lễ hội tại các đình làng. Năm nay, sau thời gian bị ảnh hưởng Covid-19, các lễ hội đầu năm được tổ chức với nhiều hoạt động sôi nổi, đầy đủ cả phần lễ và hội để gắn kết cộng đồng, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của nhân dân.

Đội đua thuyền các thôn tranh tài tại lễ hội đình làng Túy Loan. Ảnh: X.D
Đội đua thuyền các thôn tranh tài tại lễ hội đình làng Túy Loan. Ảnh: X.D

Diễn ra trong 2 ngày 30 và 31-1 (mồng 9 và mồng 10 tháng Giêng), lễ hội đình làng Túy Loan (xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang) diễn ra sôi nổi với nhiều hoạt động hấp dẫn. Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Phong Ngô Văn Nhân cho biết, lễ hội năm nay vẫn giữ nguyên nét truyền thống trong khâu tổ chức. Trong đó, phần lễ được tổ chức trang trọng với nghi lễ rước sắc, tế lễ cổ truyền, thả hoa đăng. Phần hội có các trò chơi dân gian như kéo co, thi tráng - nướng bánh tráng, gói bánh tét, hô hát bài chòi. Đặc biệt, phần hội còn có một số hoạt động sôi nổi như: thi cờ tướng bằng người, hát hò khoan trên sông, đua thuyền, hội thi ẩm thực truyền thống.

“Lễ hội năm nay sẽ góp phần hun đúc thêm tinh thần đoàn kết trong nhân dân, cổ vũ phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới của địa phương. Đồng thời, đáp ứng nhu cầu thụ hưởng văn hóa của nhân dân, thu hút khách du lịch và quảng bá hình ảnh đất và người Hòa Phong nói riêng, huyện Hòa Vang nói chung”, ông Nhân cho biết.

Trong 2 ngày tổ chức, lễ hội đình làng Túy Loan thu hút hàng trăm người dân đến tham gia và cổ vũ. Đây là tín hiệu tích cực, mang không khí tươi vui đầu năm mới và góp phần gắn kết cộng đồng dân cư, làng xã. Bà Đặng Thị Ngân, người dân làng Túy Loan cho biết, sau 2 năm tạm dừng do ảnh hưởng Covid-19, năm nay, nhân dân làng Túy Loan lại tưng bừng khai hội nhằm tụ họp con cháu làm ăn xa quê về dự, thắp hương tỏ lòng thành kính tổ tiên, ghi nhớ về cội nguồn quê cha đất tổ. Năm nay, bên cạnh các hoạt động phần lễ, còn nhiều hoạt động phần hội nên bà con nhân dân đều rất phấn khởi, nô nức tham gia đầy đủ. “Tâm lý dân làng, từ già đến trẻ đều muốn tham gia để cầu mong một năm an lành thịnh vượng. Đây còn là hoạt động thiết thực để người dân duy trì và phát huy truyền thống tốt đẹp của cha ông, góp phần bảo tồn giá trị văn hóa của quê hương”, bà Ngân chia sẻ.

Tiếp nối lễ hội đình làng Túy Loan, cũng trong tháng Giêng, xã Hòa Phong tiếp tục tổ chức lễ hội đình làng Bồ Bản với nhiều trò chơi dân gian như: đẩy gậy, đua thuyền, hát tuồng trong phần hội. Ngoài ra, các xã khác của huyện Hòa Vang cũng lần lượt tổ chức các lễ hội khác như: lễ hội đình làng Dương Lâm, làng Xuân Phú, làng Cẩm Toại, lễ hội Tắt bếp… Tại quận Liên Chiểu, vào ngày 2-2 diễn ra lễ hội đình làng Hòa Mỹ, ngày 3-2 diễn ra lễ hội đình làng Hòa Phú (đều thuộc phường Hòa Minh). Theo Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin quận Liên Chiểu Trương Công Hiếu, qua báo cáo từ phường, cả 2 lễ hội này chủ yếu thực hiện phần lễ với các nghi thức dâng hương, khánh thành hạng mục bên trong đình. Tháng 4 âm lịch năm nay, quận tổ chức lễ hội đình làng Phước Lý với quy mô lớn và sự tham gia của các phường trên địa bàn.

Còn tại quận Sơn Trà, vào ngày 26-1 âm lịch diễn ra lễ hội cầu ngư phường Mân Thái. Đây là lễ hội cấp phường, trước khi quận Sơn Trà tổ chức lễ hội cầu ngư cấp quận. Chủ tịch UBND phường Mân Thái Nguyễn Lâm Hà cho biết, tuy là lễ hội cấp phường nhưng địa phương vẫn tổ chức đầy đủ phần lễ và hội. Hiện địa phương đang xây dựng kế hoạch tổ chức cụ thể, trong đó sẽ tổ chức một số trò chơi dân gian cho cộng đồng tham gia.

Liên quan tới lễ hội cầu ngư, năm nay, quận Thanh Khê cũng khôi phục lại lễ hội này sau 3 năm tạm dừng, nhằm tạo điểm nhấn cho hoạt động văn hóa - lễ hội của địa phương. Phó Chủ tịch UBND quận Thanh Khê Nguyễn Hữu Công cho biết, lễ hội cầu ngư năm nay diễn ra trong 3 ngày (từ 18 đến 20 tháng Giêng) tại bãi biển đường Nguyễn Tất Thành thuộc địa bàn phường Thanh Khê Đông và Xuân Hà. Trong đó, phần lễ theo nghi thức truyền thống mang bản sắc văn hóa địa phương. Còn với phần hội, quận tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao mang tính cộng đồng, dân gian phù hợp với dân cư vùng biển như: hát bài chòi, hát tuồng, vẽ tranh, đan lưới, gánh cá…

“Với nhiều hoạt động phần hội, lễ hội năm nay hướng tới mục đích tăng khả năng thu hút khách du lịch nhằm phát triển kinh tế địa phương. Đồng thời khơi dậy ý thức tự hào, tinh thần trách nhiệm của dân cư trong bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa phi vật thể trên địa bàn quận”, ông Công cho hay.

Là một lễ hội lớn, quy mô cấp thành phố và phải tạm hoãn trong 2 năm Covid-19, năm nay, lễ hội Quán Thế Âm cũng quay trở lại với nhiều hoạt động. Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin quận Ngũ Hành Sơn Hoàng Thị Phương Loan cho biết, năm nay lễ hội Quán Thế Âm diễn ra trong 3 ngày, từ ngày 8 đến 10-3 (nhằm các ngày 17, 18 và 19-2 âm lịch) tại khuôn viên chùa Quán Thế Âm và các tuyến đường Sư Vạn Hạnh, Lê Văn Hiến. Lễ hội năm nay sẽ bao gồm nhiều hoạt động, trong đó hoạt động nghi lễ, tín ngưỡng, tôn giáo sẽ có biểu diễn thư pháp đại tự, lễ hóa trang Quán Thế Âm Bồ Tát, lễ rước tôn tượng Quán Thế Âm Bồ Tát, diễn thuyết về ma nhai tại danh thắng Ngũ Hành Sơn, trồng cây bồ đề… Trong phần hội cũng có nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể thao như: thả diều nghệ thuật, hội thi điêu khắc đá mỹ nghệ Non Nước năm 2023, trình diễn nghệ thuật nấu món chay, triển lãm hội họa - thư pháp - đá cảnh, hội đua thuyền sông Cổ Cò, hội cờ làng…

“Lễ hội Quán Thế Âm là dịp để quảng bá sâu rộng hình ảnh, sản phẩm du lịch địa phương và đáp ứng nhu cầu sinh hoạt đời sống tâm linh, tín ngưỡng cộng đồng. Đồng thời, tạo điều kiện cho du khách và các tầng lớp nhân dân tham gia sáng tạo và thụ hưởng văn hóa, góp phần đẩy mạnh công tác xã hội hóa hoạt động lễ hội và du lịch trên địa bàn thành phố”, bà Phương thông tin.

XUÂN DŨNG

;
;
.
.
.
.