Khai thác thế mạnh du lịch văn hóa, lịch sử và làng nghề

.

UBND quận Liên Chiểu vừa triển khai thực hiện Đề án định hướng phát triển du lịch thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trên địa bàn quận, trong đó tập trung các giải pháp cụ thể nhằm khai thác hiệu quả thế mạnh du lịch văn hóa, lịch sử và làng nghề.

Người dân làng nghề truyền thống nước mắm Nam Ô được huy động tham gia dự án du lịch cộng đồng Nam Ô. Ảnh: H.L
Người dân làng nghề truyền thống nước mắm Nam Ô được huy động tham gia dự án du lịch cộng đồng Nam Ô. Ảnh: H.L

Theo nội dung đề án, quận Liên Chiểu sẽ tập trung nâng cao năng lực quản lý Nhà nước đối với các lĩnh vực, hoạt động liên quan đến phát triển du lịch địa phương. Xây dựng kế hoạch bảo đảm an ninh trật tự tại các khu, điểm du lịch, bảo đảm phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ trên bờ, quản lý việc khai báo lưu trú, đăng ký tạm trú cho khách du lịch. Đồng thời, thực hiện chương trình OCOP (mỗi xã một sản phẩm) và lựa chọn, hỗ trợ phát triển thành sản phẩm lưu niệm đặc trưng phục vụ du lịch.

Điều chỉnh quy hoạch tổng thể và xây dựng đề án phát triển chợ Hòa Khánh thành điểm phục vụ du lịch kết hợp chợ truyền thống. Phát triển, xúc tiến xây dựng một số tuyến phố chuyên doanh ẩm thực, thời trang, dịch vụ văn hóa, phố đi bộ, chợ đêm, trong đó tập trung hình thành Phố ẩm thực đi bộ Nam Ô (đoạn từ công viên cuối tuyến đường Nguyễn Tất Thành đến khách sạn Mikazuki). Xây dựng chương trình tham quan, tìm hiểu các di tích kết hợp tuyên truyền, vận động các cơ sở du lịch, điểm du lịch, kể cả cơ sở kinh doanh ăn uống, kinh doanh dịch vụ du lịch sử dụng vật liệu thân thiện môi trường, phổ biến bộ quy tắc ứng xử trong hoạt động du lịch...

Ông Trần Công Nguyên, Phó Chủ tịch UBND quận Liên Chiểu cho biết, mục tiêu của đề án là cụ thể hóa các nội dung, nhiệm vụ thành phố giao. Qua đó, phân công rõ nhiệm vụ các phòng, ban, UBND các phường và các đơn vị liên quan phối hợp, thực hiện. Đề án là cơ sở để các phòng, ban, UBND các phường và đơn vị liên quan chủ động, bám sát nội dung, phối hợp thực hiện hiệu quả nhiệm vụ, có giám sát, đánh giá kết quả thực hiện định kỳ theo quy định.

Việc triển khai các nhiệm vụ bảo đảm phù hợp chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, bảo đảm an ninh quốc phòng, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa, lịch sử truyền thống địa phương. Đặc biệt, hoạt động phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn cần có sự đồng thuận của người dân và sự tham gia của cộng đồng doanh nghiệp.

Để góp phần nâng cao nhận thức, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong các cấp, ngành, cộng đồng về khai thác, bảo vệ tài nguyên, phát triển du lịch, xây dựng và giữ gìn môi trường quận sạch đẹp, mến khách, UBND quận Liên Chiểu tổ chức đoàn khảo sát thực tế gồm đại diện Quận ủy, UBND quận, UBND các phường, Sở Du lịch, Trung tâm xúc tiến du lịch thành phố và các đơn vị lữ hành tại một số điểm như Đền tưởng niệm phường Hòa Hiệp Nam, Làng nghề nước mắm truyền thống Nam Ô, cụm di tích Nam Ô, đồn Nhất Hải Vân, chùa Nam Hải...

Bà Trần Mỹ Quyên, Giám đốc Công ty TNHH Thịnh Minh An cho rằng, sự quan tâm, đốc thúc của chính quyền địa phương giúp công ty du lịch, lữ hành mạnh dạn tổ chức các tour, tuyến đến Liên Chiểu. Theo bà Quyên, từ năm 2020 đến nay, đơn vị dẫn hơn 15 đoàn khách đến Làng nghề nước mắm truyền thống Nam Ô và cụm di tích Nam Ô để khám phá, trải nghiệm.

“Chúng tôi hy vọng quận Liên Chiểu sẽ xây dựng thêm những sản phẩm du lịch hấp dẫn khác như ngắm bình minh, hoàng hôn trên sông Cu Đê, vịnh Nam Ô hay các tour du lịch văn hóa, di tích, lịch sử gắn với quá trình hình thành, phát triển địa phương. Muốn như thế, địa phương phải xây dựng thêm cầu tàu, bến bãi và các điểm dừng, thêm sản phẩm quà lưu niệm nhằm tạo điều kiện cho các công ty du lịch hoạt động”, bà Quyên nói.

Bên cạnh đó, ngày 15-4, Tập đoàn Trung Thủy, chủ đầu tư dự án Khu du lịch sinh thái Nam Ô chính thức khởi động lại dự án, công bố chương trình hỗ trợ chuyển đổi ngành nghề cộng đồng cho người dân địa phương góp phần thúc đẩy xây dựng Liên Chiểu thành điểm đến hấp dẫn. Khu du lịch có tổng diện tích 35ha, gồm 25ha dự án và 10ha diện tích bờ biển, trải dài trên 3km đường bờ biển tại làng chài Nam Ô, phường Hòa Hiệp Nam.

Để hỗ trợ ngư dân chuyển đổi ngành nghề, Tập đoàn Trung Thủy hỗ trợ 50 xe bán hàng ăn vặt và xây dựng kế hoạch triển khai đồng bộ tuyến phố ăn vặt dọc theo công viên Nguyễn Tất Thành. Bà Dương Thanh Thủy, Phó Chủ tịch Tập đoàn Trung Thủy cho biết, dự án là “sự gặp nhau” giữa doanh nghiệp và chính quyền địa phương trong nỗ lực hình thành điểm đến độc đáo trên tuyến hành trình di sản Huế - Đà Nẵng - Hội An, đồng thời tạo điểm nhấn thu hút khách du lịch đến tham quan, mua sắm tại Liên Chiểu.

Trong nỗ lực xây dựng địa phương thành điểm đến du lịch hấp dẫn và chất lượng cao theo nội dung Nghị quyết số 10-NQ/TU ngày 20-6-2022 của Ban Thường vụ Thành ủy về xây dựng, phát triển quận Liên Chiểu đến năm 2030 và những năm tiếp theo, lãnh đạo quận tập trung chỉ đạo, điều hành việc thiết kế tour, tuyến, chương trình du lịch, phát triển thêm các sản phẩm, dịch vụ du lịch phù hợp với đặc điểm cộng đồng dân cư và nhu cầu của du khách.

“Với lợi thế cảnh quan thiên nhiên, làng nghề, điểm di tích lịch sử, Liên Chiểu có đủ điều kiện hình thành các tour, tuyến du lịch biển kết hợp nghỉ dưỡng, du lịch đường sông, du lịch văn hóa và du lịch cộng đồng. Muốn làm được điều đó, cần có sự chung tay, phối hợp giữa lãnh đạo địa phương với các cấp, ngành, cũng như sự tham gia của người dân và các công ty lữ hành, du lịch”, ông Trần Công Nguyên hy vọng.

HUỲNH LÊ

;
;
.
.
.
.
.