Phát triển du lịch từ di tích lịch sử - văn hóa

.

Hiện nay, trên địa bàn thành phố có 2 di tích quốc gia đặc biệt, 17 di tích cấp quốc gia, 67 di tích cấp thành phố, hầu hết đã được đầu tư trùng tu, tôn tạo hoàn chỉnh. Việc khai thác những di tích lịch sử - văn hóa này để phục vụ du lịch là một định hướng phù hợp, không chỉ giúp phát huy tối đa giá trị di tích, mà còn góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và quảng bá hình ảnh thành phố đến du khách gần xa.

Lễ hội đình làng Hải Châu là sự kiện thu hút hàng ngàn người dân và du khách đến tham gia. Ảnh: X.D
Lễ hội đình làng Hải Châu là sự kiện thu hút hàng ngàn người dân và du khách đến tham gia. Ảnh: X.D

Đẩy mạnh công tác quảng bá

Quận Hải Châu là đô thị trung tâm và hệ thống di tích lịch sử - văn hóa đa dạng. Hiện nay, trên địa bàn quận có 7 di tích được xếp hạng (1 di tích quốc gia đặc biệt, 4 di tích cấp quốc gia, 2 di tích cấp thành phố) và 13 di tích nằm trong danh mục kiểm kê. Tuy nhiên, theo đánh giá của địa phương, hầu hết các di sản chưa được phát huy hết giá trị, chưa tạo thành sản phẩm du lịch. Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin quận Hải Châu Lê Tú Anh cho biết, từ năm 2021, trên cơ sở đề án “Nâng cao chất lượng quảng bá, tổ chức các loại hình văn hóa đặc trưng trên địa bàn quận Hải Châu” của UBND quận, phòng Văn hóa - Thông tin, Trung tâm Văn hóa - Thể thao quận và các phòng, hội đoàn thể đã tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật, hội thi ở các di tích lịch sử - văn hóa để khai thác, phát triển tiềm lực du lịch.

Bên cạnh đó, quận thường xuyên quảng bá di tích trên các phương tiện truyền thông đại chúng nhằm mở rộng đối tượng tiếp cận là người dân và khách du lịch. Các công ty lữ hành đã lựa chọn, đưa các điểm mang giá trị văn hóa, lịch sử trên địa bàn quận Hải Châu vào chương trình tour cố định để giới thiệu cho du khách. Trong đó, có các địa điểm di tích như: Bảo tàng Điêu khắc Chăm, Bảo tàng Đà Nẵng - Thành Điện Hải... “Để khai thác các di tích phục vụ phát triển du lịch, UBND quận vừa có tờ trình gửi UBND thành phố xin chủ trương mở tuyến tham quan “Hành trình di sản văn hóa” trên địa bàn quận. Phạm vi của tuyến là hành trình đi tham quan 6 di tích văn hóa - lịch sử, bắt đầu từ Thành Điện Hải và kết thúc ở Bảo tàng Đà Nẵng cơ sở mới. Khi được triển khai, tuyến này sẽ vừa đáp ứng công tác giáo dục truyền thống, vừa phục vụ nhu cầu tham quan của du khách trong và ngoài nước”, ông Tú Anh thông tin.

Tương tự, quận Sơn Trà cũng xác định để phát huy di tích lịch sử - văn hóa phải có sự kết nối từ các ngành truyền thông, văn hóa, sự năng động của địa phương và đặc biệt là tạo ra các tuyến, điểm đến trong những chương trình du lịch. Theo Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin quận Sơn Trà Võ Thị Phương, thời gian qua, quận đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu hệ thống di tích, di sản văn hóa của địa phương trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Xây dựng các bảng thông tin mã QR giới thiệu tại các di tích nhằm tuyên truyền, giới thiệu cho thế hệ trẻ, du khách về lịch sử hình thành di tích. Ngoài ra, gắn biển chỉ đường, cung cấp thông tin một số di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh trên địa bàn phục vụ nhân dân và du khách.

Tạo điểm nhấn để hút khách du lịch

Những nghi thức tín ngưỡng, hoạt động đặc trưng gắn với di tích lịch sử - văn hóa là điểm nhấn thu hút du khách đến tìm hiểu. Trong ảnh: Người dân thực hiện lễ nghinh thần dọc bờ biển tại lễ hội cầu ngư quận Sơn Trà năm 2023. Ảnh: X.D
Những nghi thức tín ngưỡng, hoạt động đặc trưng gắn với di tích lịch sử - văn hóa là điểm nhấn thu hút du khách đến tìm hiểu. TRONG ẢNH: Người dân thực hiện lễ nghinh thần dọc bờ biển tại lễ hội cầu ngư quận Sơn Trà năm 2023. Ảnh: X.D

Huyện Hòa Vang là địa phương có nhiều di tích văn hóa - lịch sử nhất thành phố với 33 di tích được xếp hạng (6 di tích cấp quốc gia và 27 di tích cấp thành phố) và 4 di tích nằm trong danh mục kiểm kê. Tuy nhiên, theo UBND huyện Hòa Vang, một số di tích sau khi trùng tu chưa trở thành những điểm sinh hoạt văn hóa gắn với cộng đồng hay điểm du lịch được đông đảo du khách biết đến. Các lễ hội dân gian khác còn đơn điệu, chưa phát triển về quy mô, thiếu hoạt động vui chơi, giải trí... Phó Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang Nguyễn Thúc Dũng cho biết, để phát huy giá trị di tích, phục vụ du lịch, địa phương định hướng trong thời gian tới sẽ khai thác, phát triển các sản phẩm du lịch tại một số điểm di tích có khả năng thu hút. Đặc biệt, kết nối các di tích với những loại hình du lịch khác để tạo thành những cụm/điểm du lịch cộng đồng, sinh thái, nông nghiệp gắn với văn hóa, lịch sử. “Hiện nay, huyện có nhiều địa chỉ di tích có khả năng kết nối với việc khai thác phát triển tour, tuyến du lịch đường thủy nội địa để trở thành điểm du lịch như: cụm Túy Loan (thăm đình Túy Loan - các điểm nhà cổ - các cơ sở sản xuất bánh tráng Túy Loan - vùng rau sạch…), hoặc cụm Thái Lai (làng du lịch sinh thái Thái Lai - đình làng Thái Lai - các hoạt động vui chơi, giải trí, ẩm thực)”, ông Dũng cho hay.

Theo Trưởng ban Văn hóa - Xã hội, HĐND thành phố Nguyễn Đình Khánh Vân, thời gian qua, thành phố đầu tư ngân sách cho văn hóa nhiều, đặc biệt là trùng tu, tôn tạo các di tích đình làng, miếu, nghĩa trủng… Sau quá trình này, việc khai thác các di tích lịch sử - văn hóa đã được trùng tu để phục vụ phát triển du lịch là một định hướng phù hợp, góp phần nâng giá trị của di tích. Thực hiện kế hoạch giám sát công tác bảo tồn, quản lý, khai thác hiệu quả các di tích lịch sử - văn hóa để phục vụ phát triển du lịch, giáo dục truyền thống trên địa bàn thành phố, Ban Văn hóa - Xã hội đã và đang làm việc với các quận, huyện để đánh giá tình hình, thực trạng, quá trình đưa các di tích lịch sử - văn hóa vào phục vụ phát triển du lịch có những bất cập, vướng mắc nào? Từ đó, tổng hợp, báo cáo Thường trực HĐND thành phố và kiến nghị UBND thành phố quan tâm, tạo điều kiện, có giải pháp tháo gỡ. Trước mắt, trong các buổi giám sát, ban đề nghị các địa phương đẩy mạnh công tác quảng bá với những cách thức cuốn hút, hấp dẫn hơn; chủ động kết nối các sở, ngành, doanh nghiệp lữ hành để xây dựng các tour, tuyến du lịch phù hợp đặc thù tài nguyên, địa bàn nhằm phát huy tối đa giá trị di tích.

XUÂN DŨNG

;
;
.
.
.
.
.