Trong những đoàn quân giải phóng

.

Một ngày đầu tháng 3 năm 1969, trên một vùng rừng Trường Sơn thuộc huyện Hướng Hóa (Quảng Trị), nhà thơ Phạm Tiến Duật đứng lặng nhìn những đoàn quân nối tiếp nhau vào chiến trường, trong đó có không ít những đoàn văn nghệ sĩ. Nhà thơ xúc động ghi lại khoảnh khắc hào hùng của những chiến sĩ trên mặt trận văn nghệ, cũng đồng thời là những người lính thực sự, đang đi vào cuộc chiến đấu, trong một bài thơ có nhan đề “Chào những đạo quân tuyên truyền, chào những đạo quân nghệ thuật”[1].

Những chuyến xe chở lương thực, đạn dược chi viện cho miền Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước vĩ đại. (Ảnh tư liệu)
Những chuyến xe chở lương thực, đạn dược chi viện cho miền Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước vĩ đại. (Ảnh tư liệu)

Thường thì đề tài sáng tác của các nhà văn, nhà thơ, các nghệ sĩ thuộc các chuyên ngành chủ yếu dành để ca ngợi gương hy sinh chiến đấu của đồng bào và chiến sĩ trong cuộc kháng chiến thần kỳ của dân tộc, nhưng chính họ lại ít viết về mình. Chúng ta đã bắt gặp nhiều hình ảnh quen thuộc và đầy cảm phục yêu thương về những người mẹ, người chị dũng cảm trước mũi súng quân thù, về hình ảnh người lính giải phóng quân, “những con người đẹp nhất”, nhưng lại ít thấy bóng dáng người đã sáng tạo ra nó trong thơ văn nhạc họa.

Trong khi đó, biết bao trang văn thơ, biết bao tác phẩm âm nhac, hội họa, phim, ảnh của các nhà văn, nghệ sĩ chiến trường từng lấm láp bụi đất chiến hào, thậm chí thấm máu tác giả, đã trở thành tài sản vô giá. Những tác phẩm ấy có giá trị lịch sử, giá trị nghệ thuật sâu sắc và có ý nghĩa động viên mạnh mẽ con người cùng thời điểm lịch sử lúc ấy, và cả cho thế hệ hôm nay và mai sau.

Không phải đợi đến ngày 30-4-1975, mà trong suốt chiều dài cuộc chiến tranh, như chúng ta đều đã biết, có rất nhiều nhà văn, nhà thơ, nhiều nghệ sĩ của các ngành nghệ thuật, bao gồm đủ các lĩnh vực như âm nhạc, hội họa, điện ảnh, ca múa, nhiếp ảnh, nghệ thuật sân khấu… đều đã sớm vào chiến trường miền Nam cùng sống, chiến đấu, tăng gia sản xuất để bám sát cuộc sống chiến trường với mong muốn làm sao ghi lại chân thật nhất, sống động nhất cuộc chiến đấu vô cùng anh dũng và vô cùng khắc nghiệt, gian khổ của đồng bào chiến sĩ ta trên khắp các mặt trận. 

Chỉ nói riêng trên chiến trường Quảng Nam - Đà Nẵng, đã có nhiều tấm gương văn nghệ sĩ dũng cảm hy sinh, để lại bao tiếc thương cho những người yêu quý văn chương nghệ thuật mỗi khi nhắc đến họ, khi quê hương đất nước đã hòa bình gần nửa thế kỷ. Họ đã tình nguyện về với Liên khu 5, về với  Quảng Nam - Đà Nẵng, mặc dù biết rõ đây là một trong những chiến trường ác liệt nhất, tình nguyện về đây bám dân, bám đất để sống và viết, tự nhận đây là quê hương nuôi mình trở thành dũng sĩ.

Nhiều người trong số họ đã mãi mãi ra đi, không có mặt trong ngày đất nước thống nhất. Họ đã ngã xuống bên những trang bản thảo viết dở, mang theo bao nhiêu dự định sáng tác và bao mơ ước được diễn dưới ánh đèn sân khấu lộng lẫy ngày quê hương thanh bình.

Trong bài thơ của mình, Phạm Tiến Duật không muốn nhắc nhiều đến cái vất vả gian nan, kể cả những hy sinh xương máu của những văn nghệ sĩ trong đoàn quân nghệ thuật khi các anh chị vào chiến trường. Anh không ngại bị đánh giá là quá tô hồng cuộc sống bởi vì bản thân anh là nhân chứng của cuộc sống Trường Sơn, từng trải cuộc sống Trường Sơn trong những tháng năm ác liệt của cuộc chiến đấu.

Trong  bài thơ này, Phạm Tiến Duật đã ghi lại khoảnh khắc rất sống động, rất hào hùng của đoàn quân văn nghệ sĩ đi vào chiến trường. Vẫn phong cách đầy “chất lính”, pha chút đồng dao, những con chữ trong bài thơ phóng khoáng, động cựa,  khi nhà thơ ghi lại bước hành quân của đoàn quân nghệ thuật: Đi cồng kềnh là anh họa sĩ/ Đi có mời chào là chị văn công/  Đi chưa đến Đoài lại ghé sang Đông/Là anh làm văn tính hay tỉ mỉ/ Đi rất hồn nhiên là anh nhạc sĩ/ Đi hơi ầm ĩ là xiếc thổi kèn/ Hay ghé hay nhìn là bác làm phim/Hay hỏi hay ghi là anh làm báo[2]… Những bước chân hành quân của đoàn quân nghệ thuật hòa trong bước hành quân trùng điệp của “những binh đoàn nối nhau ra tiền tuyến”: Đi giữa những sư đoàn ùn ùn súng pháo/ Đi giữa đường xe ngút đầy đạn gạo. Tất cả làm thành bản “giao hưởng Trường Sơn”!

Bài thơ của Phạm Tiến Duật đã làm sống lại không khí sôi nổi, hào hứng của đoàn quân nghệ thuật đến với chiến trường, mong được tiếp cận cuộc sống chiến đấu, được sáng tác kịp thời, được trực tiếp phục vụ bà con, đáp ứng đời sống tinh thần của đồng bào, chiến sĩ trong hoàn cảnh chiến tranh ác liệt. Tấp nập đường xe, rộn ràng chân đất/ Rất kịp thời, chào các chị các anh/ Lịch sử đang cần ghi lại rất nhanh/ Cổng trời mở, xin mời lên tuyến trước. Vẫn biết, biết bao hy sinh gian khổ sẽ đến với người nghệ sĩ khi họ bước vào chiến trường, nhưng Phạm Tiến Duật vẫn muốn trong con mắt họ, cuộc chiến đấu của chúng ta là một bản hùng ca đầy tráng khí: Còn giao hưởng nào hơn giao hưởng Trường Sơn/ Tiếng người, tiếng xe, tiếng súng, tiếng bom/ Tiếng đêm khuya con công tố hộ/ Tiếng núi xô ầm ầm đá đổ/ Tiếng gió đi vào, tiếng gió đi ra/ Tiếng rầm rì hai miền đi qua.

Phạm Tiến Duật muốn nhìn Trường Sơn bằng con mắt của một nghệ sĩ. Với nhà thơ, từ dáng núi, dáng người, dáng hiên ngang của một cây cầu;  từ cỏ cây chim muông đến nắng sớm sương chiều đều là đối tượng của nghệ thuật, tất cả đều nên nhạc nên thơ nên họa. Còn tượng nào hơn: dáng người, dáng núi/Dáng cây cầu ngẩn ngơ chờ đợi/ Còn họa nào hơn nắng trộn sương mù/Bảy sắc cầu vồng vạch giữa âm u/ Cánh hạc cổ xưa bay trên cỗ pháo… Anh muốn gửi gắm vào đây những suy nghĩ rất trong sáng, rất hồn nhiên của một tâm hồn nghệ sĩ, và trên hết là một niềm tin mạnh mẽ về tương lai đất nước sau chiến tranh, dãy Trường Sơn hùng vĩ sẽ là đối tượng thẩm mỹ tuyệt vời cho văn nghệ sĩ và cho tất cả những ai trân trọng lịch sử chiến đấu chống ngoại xâm của dân tộc, yêu mến thiên nhiên đất nước, yêu mến Trường Sơn.

48 năm đã trôi qua. Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vĩ đại đã trở thành trang sử vàng của lịch sử dân tộc. Hàng triệu bàn chân đã bước trên dải Trường Sơn để tiến đến ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Họ thật xứng đáng để tự hào rằng mình đã góp phần làm nên lịch sử của dân tộc. Đối với văn nghệ sĩ, những người từng kinh qua những năm tháng chiến trường và những người thuộc thế hệ sinh sau 1975, vẫn còn những đỉnh Trường Sơn trước mặt phải vượt qua với khí thế hành quân hùng tráng của những đoàn quân nghệ thuật năm xưa. Đó là nhiệm vụ sáng tạo ra những tác phẩm, công trình văn hóa, nghệ thuật tương xứng với tầm vóc của dân tộc và đất nước, cả trong cuộc chiến đấu chống ngoại xâm và trong sự nghiệp xây dựng đất nước ngày càng văn minh, cường thịnh.

NẠI HIÊN

________

[1] Phạm Tiến Duật toàn tập - NXB Hội Nhà văn; H.2009, Phần I – “Phạm Tiến Duật viết”, bài số 38

[2] Từ đây, những đoạn in nghiêng đều trích từ bài thơ nói trên của Phạm Tiến Duật

;
;
.
.
.
.
.