Thơ 21-6

.

NGUYỄN THỊ ANH ĐÀO

Những ngã đường trong mơ

Giấc mơ em phù dung cát trắng
Biển gập ghềnh bão dông
Bình minh không mang hơi ấm
Biển tựa vào bờ lặng im

Em cột chặt mũi tên tình yêu
Giữa bạt ngàn bờ bãi
Trong giấc mơ đẫm hoàng hôn
Cát trắng dềnh dàng nước mắt

Những ngã đường trong mơ
Trải dọc một miền ngược gió
Thoai thoải những con đường
Lau tím phía hoàng hôn…

Trả lại tuổi hờn ghen hoa nắng
Trong giấc mơ hồi sinh em
Cát biển mặn mòi…
                                N.T.A.Đ

NGUYỄN NGỌC HẠNH

Chiếc bóng bên đời thầm lặng

Như giọt nước tận trời 
rơi xuống
Đêm tan ra, ngày cũng trôi qua
Cái phút giây đất trời tĩnh lặng
Tinh mơ đời con với đời mẹ giao hòa

Giọt nước mát tận nguồn
Mang vị ngọt phù sa
Là giọt máu ươm mầm con thơ bé
Giọt nước mắt rơi một đời dâu bể
Cứ lặng thầm nhỏ xuống trần gian

Ngào ngạt hương thơm đồng quê rơm rạ
Long lanh chiều, nụ đơm thành quả
Giọt lệ mừng rơi xuống bờ đau
Từ đôi mắt con bầu trời rộng mở…

Giọt nước tận trời rơi xuống câu thơ
Có hạnh phúc nào lạnh hơn dao cắt
Như chiếc bóng bên đời thầm lặng
Mà cao vời, sừng sững với non xa

Giọt nước tận trời cứ thế tan ra
Giọt bay vào mênh mông
Giọt ngang qua ngõ hẹp
Giọt giọt mồ côi rơi xuống bên đời

Cha cầm trên tay niềm hạnh phúc đầy vơi
Mà ấm áp, thơm nồng hương quê nội
Con đã hiểu đâu là nguồn cội
Đâu là nơi giọt nước mắt sinh thành…
                                                    N.N.H

VĂN CÔNG HÙNG

Giật mình

những con ve sầu vẫn ca bài mùa hạ
đêm dần khuya như giấc dế thuở nào
vàng le lói đèn đêm và tán phượng
trang sách rời bàn ngủ trong chiêm bao

trả lời thư tình giờ chỉ nâu (no) hoặc jet (yes)
cây thức vì đâu mây trắng vì đâu
những thắc thỏm đợi chờ hình như không còn nữa
vụt tới vụt đi day dứt làm gì?

nhưng trời ạ, cỏ vẫn mềm như thế
sương vẫn rơi trắng nẻo gió đang về
vết thương cũ trở mình sực nhớ
có những ngày như thế đã rời xa

khuya dần đêm...
Tối 9-4-2023
                    V.C.H

NGUYỄN NHO KHIÊM

Phương trời xanh
                  Tặng anh Phan Đức Nhạn

Phương trời xanh có khu vườn của mẹ
Từng hạt mầm ánh sáng về gieo
Hoa trái trĩu cành hương thơm rót mật
Hồn mẹ hòa cùng non nước xanh reo.

Phương trời cát có khu vườn của mẹ
Cát cháy trang văn, máu đỏ sông dài
Cát bỏng những bàn chân sần chai giữ từng tấc đất
Cát lấp lánh giấc mơ hồng cửa mở nắng mai.

Phương trời biển có khu vườn của mẹ
Sóng rát hoàng hôn đôi mắt đợi, chờ
Chiếc áo tơi dọc bãi bờ tôm cá
Đêm gối Thái Bình Dương mơ gồng gánh giấc mơ.

Phương trời xanh có linh hồn của mẹ
Giữa trái tim Bàu Bính nở hoa sen
Một sớm mai có một bầy chim nhạn
Gọi mùa xuân chớp sáng ngọn đèn.
                                                N.N.K

LÊ MINH QUỐC

Con thưa cùng mẹ
                     Tặng bạn Đinh Thị Thanh Thủy

Mệt mõi sau một ngày công tác
Dặm đường xa quay trở về nhà
Cánh cửa đã mở
Hương ngọc lan ngát hoa
Sung sướng chưa vẫn còn có mẹ già
Đợi con
Mẹ ngồi tựa cửa
Lặng lẽ
Ánh mắt như nói khẽ:
“Con về rồi à?”
Lạ lùng sao như đứa trẻ lên ba
Con ôm chầm lấy mẹ
Tựa vào mẹ
Yên lòng
Trên đường dài đi hết núi sông
Vượt mọi ghềnh thác
Lướt qua bội bạc
Trong con vẫn tĩnh tâm tiếng hát
Hạnh phúc nhất
Còn có mẹ tựa cửa nhìn ra
Ngóng đợi con về nhà
Hương ngọc lan ngát hoa
Thì thầm cùng con một niềm vui vĩnh cửu…
                                                            L.M.Q

TRƯƠNG ĐỨC TỚI

Vắng Kha rồi ly tách bỗng lênh đênh
                    Tưởng nhớ nhà báo Lê Huy Kha

Thành phố chiều nay nhiều mây quá
Tiếng hát lặng yên rồi quán rượu vắng Kha

Tiếng ly tách mơ hồ từ ngực dội ra
Ta đành rót vại to ngồi đợi người tri ngộ

Bia rất đắng, vàng son làm chi nữa
Bóng Kha cười trong đáy cốc ngang nhiên

Bóng ta ngồi say khướt ngả nghiêng
Em ái ngại gọi một ly vàng rất nhẹ

Em có nhớ xưa Kha thường đọc khẽ
“Tình như mây một thuở tan rồi”

“Và em nữa cũng là loài gái đẹp”
Nên bọn ta ngồi ngây ngốc thâu đêm

Phố lên đèn buồn quá phải không em
Sao bọn ta lại ngồi quán lạ

Sao tiếng ghi ta thập thùng xa vắng quá
Đứa hát đã đi rồi còn lại đứa ngồi nghe…

Đêm vội vã những mái đầu xô lệch
Vắng Kha rồi ly tách bỗng lênh đênh…
                                                        T.Đ.T

;
;
.
.
.
.
.