Nơi lưu giữ truyền thống, lịch sử làng Cẩm Nê

.

Nhắc đến làng Cẩm Nê (xã Hòa Tiến, huyện Hòa Vang), nhiều người nghĩ ngay đến nghề dệt chiếu truyền thống một thời vang danh khắp miền Trung. Tuy nhiên, nói về Cẩm Nê, không thể không nhắc đến đình làng, một nhân chứng lịch sử cho vùng đất từng là “vành đai trắng” của quê hương Hòa Tiến anh hùng. Ngôi đình này vừa được UBND thành phố xếp hạng là di tích lịch sử cấp thành phố.

Sân đình Cẩm Nê có diện tích rộng thoáng, là nơi thường xuyên diễn ra các hoạt động giao lưu văn hóa, biểu diễn văn nghệ. Ảnh: X.D
Sân đình Cẩm Nê có diện tích rộng thoáng, là nơi thường xuyên diễn ra các hoạt động giao lưu văn hóa, biểu diễn văn nghệ. Ảnh: X.D

Chứng nhân của quê hương anh hùng

Đình Cẩm Nê tọa lạc trên một vùng đất rộng ở trung tâm làng Cẩm Nê, có diện tích gần 1.600m2, mặt quay về hướng nam với các đơn nguyên kiến trúc, gồm: cổng đình, bình phong, nhà bia hai bên và đình làng. Nơi đây vừa là trung tâm tín ngưỡng, văn hóa, giáo dục, vừa là biểu tượng phản chiếu những sắc thái, giá trị truyền thống tốt đẹp của làng Cẩm Nê.

Ông Ngô Văn Mua (SN 1944, Trưởng làng Cẩm Nê) cho biết, theo hồi ức và lời kể của các bậc cao niên trong làng, không xác định được chính xác năm xây dựng của đình. Tuy nhiên, có thể ước chừng khoảng thời gian đình được xây dựng cách đây khoảng 600 năm, sau khi lập làng (trong thời Lê sơ đến thời Mạc). Đình có vị trí nằm giữa làng, trên một mẫu đất được dân làng bồi đắp cao đến hai thước, ban đầu được làm bằng tranh, tre, nứa lá.

Lúc bấy giờ, đình Cẩm Nê là “mái nhà chung” của người dân, vừa giữ vai trò là trung tâm tín ngưỡng, văn hóa, giáo dục, vừa là nơi bảo lưu thuần phong, mỹ tục và những truyền thống tốt đẹp của làng. “Những giá trị đó của đình làng được lưu truyền qua các thế hệ, người đi trước kể lại cho thế hệ sau và giữ mãi trong tâm trí người dân Cẩm Nê cho đến tận ngày nay”, ông Mua chia sẻ.

Theo di sản viên Lê Văn Phúc - cán bộ Bảo tàng Đà Nẵng, giá trị nổi bật của đình Cẩm Nê chính là giá trị lịch sử cách mạng. Đình Cẩm Nê là nơi ghi dấu nhiều chiến tích quan trọng trong đấu tranh cách mạng của quân và dân địa phương. Ngôi đình này gắn liền với cách mạng qua hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Đây là nơi trú ẩn, hội họp, nắm bắt và trao đổi thông tin giữa các địa phương lân cận; nơi dạy chữ quốc ngữ, tiếp tế lương thực, trang bị thuốc men, làm bàn đạp cho những trận đánh lớn vào trung tâm thành phố.

Dấu mốc đáng nhớ nhất là sau cuộc càn quét mang tên Zippo của Mỹ, làng Cẩm Nê bị đốt, phá sạch, trở thành “vành đai trắng”, dân làng ly tán khắp nơi; mồ mả, nhà thờ, đình chùa, miếu mạo... tất cả hoang tàn không nơi hương khói. Dẫu vậy, nhân dân làng Cẩm Nê vẫn bí mật trở về hoạt động và phục vụ cách mạng, xây dựng nhiều hầm bí mật trong trong khuôn viên đình.

“Dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào, đình Cẩm Nê luôn là điểm tựa cho công cuộc kháng chiến của quân và dân ta Hòa Vang nói riêng, Quảng Nam - Đà Nẵng nói chung, góp phần quan trọng vào sự thành công của cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, giải phóng thành phố và giải phóng miền Nam, thống nhất nước nhà”, anh Phúc nhấn mạnh.

Ông Ngô Văn Mua, Trưởng làng Cẩm Nê lưu giữ văn cúng lễ đình làng như một tài sản quý giá để truyền lại cho thế hệ kế cận. Ảnh: X.D
Ông Ngô Văn Mua, Trưởng làng Cẩm Nê lưu giữ văn cúng lễ đình làng như một tài sản quý giá để truyền lại cho thế hệ kế cận. Ảnh: X.D

Phát huy bản sắc truyền thống

Trong chiến tranh, đình Cẩm Nê bị giặc đánh phá nên toàn bộ các hiện vật, tài liệu, sắc phong của đình hiện nay đều thất lạc. Sau nhiều lần trùng tu, xây dựng lại, kiến trúc đình Cẩm Nê không còn giữ được nét nguyên bản so với thời kỳ đầu và đã ít nhiều tiếp biến, giao thoa với kiến trúc hiện đại.

Tuy nhiên, tổng thể ngôi đình hiện nay vẫn thể hiện được nét truyền thống qua từng đơn nguyên kiến trúc và kiểu thức trang trí. Đơn cử, mái đình được lợp ngói âm dương, ở giữa trang trí hình “lưỡng long triều nguyệt”. Theo ông Ngô Văn Mua, mỗi năm, tại đình Cẩm Nê diễn ra 7 hoạt động lễ như: lễ minh niên, lễ kỵ tiền hiện Lê tộc, lễ cầu an, tảo mộ âm linh…

Trong đó, lễ kỵ tiền hiền Lê tộc vào rằm tháng 3 hằng năm là ngày hội lớn nhất của làng. Vào ngày này, dân làng đều tập trung tại đình để phục vụ cho lễ cúng cầu an và lễ nghinh thần, rước sắc. Ngoài ra, sân đình cũng là nơi thường xuyên diễn ra các hoạt động giao lưu văn hóa, biểu diễn văn nghệ của các hội đoàn thể, người dân trong làng.

“Người dân Cẩm Nê vô cùng vui mừng, phấn khởi khi đình làng được công nhận là di tích cấp thành phố. Đây là cơ sở cho chúng tôi tiếp tục cố gắng lưu giữ, khôi phục những bản sắc văn hóa của ông cha để lại; trong đó, có những tục lệ gắn liền với đình làng”, ông Mua bày tỏ.

Đình Cẩm Nê là 1 trong 5 đình ở xã Hòa Tiến và là ngôi đình thứ hai được xếp hạng di tích cấp thành phố. Vùng đất Cẩm Nê mang trong mình nhiều giá trị lịch sử, văn hóa, có lịch sử khai phá lập làng lâu đời, cùng với nghề dệt chiếu truyền thống nổi tiếng. Do vậy, đình Cẩm Nê sẽ góp phần tạo nên sức hút đối với du khách khi đến tham quan và tìm hiểu về làng Cẩm Nê.

Theo ông Nguyễn Duy Tân, cán bộ văn hóa xã Hòa Tiến, khi đình Cẩm Nê đã được xếp hạng là di tích cấp thành phố, địa phương sẽ thành lập ban quản lý đình làng để thực hiện việc bảo vệ, quét dọn vệ sinh, hương khói và tổ chức các hoạt động lễ. Đồng thời, họp bàn với các chư phái tộc, người dân để nghiên cứu xây dựng lễ hội đình làng, tổ chức thường niên hoặc 3 năm/lần.

Trong đó, đưa nghề dệt chiếu truyền thống của làng Cẩm Nê vào phần hội của lễ hội nhằm tạo sân chơi cho người dân và góp phần lưu giữ nét đẹp truyền thống của quê hương. Ngoài ra, phát động quần chúng nhân dân các đợt quyên góp hiện vật liên quan đến đình làng và lịch sử làng Cẩm Nê để cất giữ, trưng bày tại đình; tổ chức các buổi sinh hoạt dã ngoại về nguồn, tham quan, tìm hiểu đình làng cho các thế hệ học sinh của địa phương.

XUÂN DŨNG

;
;
.
.
.
.
.