Có mối tình nào hơn Tổ quốc!

.

Mỗi khi thoáng đọc lại những dòng thơ dưới đây, có thể có người không khỏi lầm tưởng đây là cảm xúc của một người du ngoạn theo con đường quốc lộ xuyên Việt: Trăng nghiêng trên sông Trà Khúc/ Mây lồng và nước reo/ Nắng bột chen dừa Tam Quan/... /Bồng Sơn dìu dịu như bài thơ/ Mờ soi Bình Định trăng mờ/ Phú Phong rộng/ Phù Cát lỳ/ An Khê cao vun vút/.../Tuy Hòa ngang dọc ngõ/ Dậy sáng - dịu màu tươi/ Nha Trang đẹp/ Diên Khánh xanh non...

Lá cờ đỏ sao vàng nổi bật trong những ngày sục sôi Cách mạng Tháng Tám 1945. (Ảnh tư liệu)
Lá cờ đỏ sao vàng nổi bật trong những ngày sục sôi Cách mạng Tháng Tám 1945. (Ảnh tư liệu)

Một dải non sông hiện ra hiền hòa phẳng lặng, tươi đẹp! Có điều thật đặc biệt: Đây không phải là những câu thơ của một du khách nhàn tản mà là những câu thơ được viết nên bởi một chiến sĩ cách mạng, một thi sĩ-chiến sĩ, đó là nhà thơ Trần Mai Ninh (1917-1947). Những câu thơ mở đầu bài thơ “Tình sông núi” của ông viết cách đây đã hơn 75 năm, trong những ngày đầu Cách mạng Tháng Tám vừa mới thành công, đất nước vừa thoát vòng nô lệ của thực dân, phong kiến. Và cũng là thời điểm cả dân tộc chuẩn bị bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp theo lời kêu gọi thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Những câu thơ về tình quê hương đất nước đã chất chứa, đúc kết trong tâm hồn ông từ trong những năm tháng ngang dọc hoạt động cách mạng ở vùng cực Nam Trung Bộ đầy gian khổ hy sinh, đến giờ phút ấy mới được cất lên thành lời!

Cảm hứng ngợi ca Tổ quốc “rũ bùn đứng dậy sáng lòa” (thơ Nguyễn Đình Thi) cũng là cảm hứng chủ đạo trong thơ ca những năm đầu cách mạng thành công. Rất nhiều tác phẩm văn thơ theo chủ đề này ra đời.  Mỗi người nghệ sĩ bày tỏ cảm xúc của mình theo một cách riêng. Tố Hữu thời điểm ấy là Chủ tịch Ủy ban khởi nghĩa Thừa Thiên Huế đồng thời cũng là nhà thơ cách mạng nổi tiếng, đã không giấu được sự bùng nổ của cảm xúc trong bài thơ “Huế tháng Tám”: Chừ đây Huế, Huế ơi! Xiềng gông xưa đã gãy/ Hãy bay lên! Sông núi của ta rồi!/ Nước mắt ta trào, búp mí, tràn môi/ Cổ ta ré trăm trận cười, trận khóc!/ Ta ôm nhau, hôn nhau từng mái tóc/ Hả hê chưa, ai bịt được mồm ta?/ Ta hét huyên thuyên, ta chạy khắp nhà/ Ai dám cấm ta say, say thần thánh?/ Ngực lép bốn nghìn năm, trưa nay cơn gió mạnh/ Thổi phồng lên. Tim bỗng hóa mặt trời... Gió gió ơi! hãy làm giông làm tố/ Cuốn tung lên cờ đỏ máu thơm tươi/ Vàng vàng bay, đẹp quá, sao sao ơi!/ Ta ngã vật trong dòng người cuộn thác/ Ôi thiên đường! Tai miên man lắng nhạc/ Từ muôn phương theo gót nện rầm rầm/ Việt Nam! Việt Nam! Việt Nam muôn năm!

Và nhà thơ Xuân Diệu, từ “tháp ngà nghệ thuật” lãng mạn đã nhiệt thành ngợi ca Tổ quốc thông qua hình ảnh lá cờ đỏ sao vàng trong trường ca “Ngọn Quốc kỳ” hoàn thành chỉ 2 tháng sau ngày Lễ độc lập ngày  2-9-1945, trong đó hình ảnh Tổ quốc lồng trong lá cờ đỏ sao vàng đầy kiêu hãnh: Việt Nam! Việt Nam! Cờ đỏ sao vàng!/ Những ngực nén hít thở Ngày Độc lập!/ Nguồn lực mới bốn phương lên tới tấp!/ Nếp cờ bay chen vỗ sóng bài ca...- Bốn nghìn năm, trông mặt Mẹ không già./ Chúng con vẫn sẵn một lòng trẻ ấy./ Ngắm từng biếc, chúng con mừng biết mấy,/ Thấy còn dư máu đỏ để trang hoàng!

Ở chiến khu Đ miền Đông Nam Bộ, năm 1946, nhà thơ Huỳnh Văn Nghệ, cũng đồng thời là một nhà chỉ huy quân sự tài ba, nổi tiếng với bài thơ “Nhớ Bắc” (có bản ghi là “Tiễn bạn về Bắc”) với 4 câu tuyệt bút mở đầu đã được nhiều thế hệ người Việt Nam truyền tụng: Ai về xứ Bắc ta đi với/ Thăm lại non sông giống Lạc Hồng/ Từ độ mang gươm đi mở cõi/ Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long. Cũng trong năm 1946, Huỳnh Văn Nghệ có bài “Bà mẹ Việt Nam”, trong đó nhà thơ đã vẽ nên chiều kích không gian, thời gian của Tổ quốc Việt Nam thật kiêu hãnh tự hào: Mẹ Việt Nam tuổi bốn mươi thế kỷ/ Gót Cà Mau đầu tận ải Nam Quan/ Cửu Long Giang, buông dài làn sóng tóc/ Dựa Trường Sơn, đứng gác Thái Bình Dương...

Với nhà thơ Trần Mai Ninh, hình ảnh Tổ quốc trong ông là những gì thật gần gụi, thấm đẫm yêu thương với từng mảnh đất quê hương đất nước. Trong bài “Tình sông núi”, Trần Mai Ninh muốn thể hiện hình ảnh Tổ quốc bằng những nét chấm phá đơn sơ nhưng chân thật, lột tả được vẻ kiều diễm của từng vùng quê ông đã đi qua, đã từng sống và chiến đấu. Phải chăng ông muốn truyền cảm hứng về non sông tươi đẹp bấy lâu nay bị khuất lấp vì sự chà đạp, dày xéo hung bạo của kẻ thù, nay chiến thắng của dân tộc đã trả lại vẻ đẹp nguyên sơ kiều diễm của nó. Những câu thơ cho ta cảm giác dường như bản thân ông cũng ngỡ ngàng, không nén được cảm xúc trước vẻ đẹp của quê hương hồi sinh, nơi ông từng quen thuộc, gắn bó: Tôi lim dim cặp mắt/ Không thấy nơi nào không đẹp/ Không giàu/ Lúa xanh như biển rộng/Núi vươn cao khắp các sườn đèo/ Rẫy đè lên rẫy/ Bắp và khoai tiếp bắp và khoai.../Mấy sông là mấy vạn chài/ Ngựa xe rào rạt đổ người sang ngang...

Nhưng điều đáng nói ở đây là nhà thơ đã cắt nghĩa chiều sâu của vẻ đẹp quê hương hồi sinh, đó chính là thành quả của sự hy sinh phấn đấu của con người: Dân tộc mồ hôi thấm đất/ Bắp căng như đồng/ Tay ghì cán cuốc/ Tay ghì tay xe/ Nhìn quanh là cả bốn bề cần lao... Bằng tranh đấu, bằng xương máu, con người đã lấy lại vẻ đẹp của giang sơn, dựng lại hình hài Tổ quốc. Và cũng vì lẽ đó, nhà thơ muốn cắt nghĩa vì sao tình yêu Tổ quốc là mối tình cao cả nhất, thiêng liêng nhất: Có mối tình nào hơn thế nữa?/ Nói bằng súng, bằng gươm sáng rền/ Có mối tình nào hơn thế nữa?/ Trộn hòa lao động với giang sơn/ Có mối tình nào hơn/ Tổ quốc?

Chỉ hơn một năm sau khi viết những câu thơ da diết với những tên gọi quê hương thấm đượm tình sông núi, nhà thơ, nhà cách mạng yêu quý của chúng ta đã bị giặc Pháp bắt và anh dũng hy sinh ở tuổi ba mươi, trong một chuyến công tác ở vùng ven biển Nha Trang vào một ngày cuối tháng 7-1947, ngay chính địa danh mà ông từng say đắm miêu tả với một cảm xúc mãnh liệt.

Ngày hôm nay, sau 78 năm chiến đấu và dựng xây, hình ảnh Tổ quốc đã trở nên huy hoàng tráng lệ hơn bao giờ hết, và theo đó, tình yêu Tổ quốc cũng luôn được đắp bồi thêm những sắc thái mới. Nhưng mãi mãi, đó vẫn là mối tình thiêng liêng cao cả nhất. Vẫn vang lên tiếng lòng của Trần Mai Ninh trong câu thơ nói thay cho cảm xúc lớn lao của bao nhiêu thế hệ: Có mối tình nào hơn Tổ quốc?

NẠI HIÊN

;
;
.
.
.
.
.