Chuyến bay đầu tiên ở nước ta diễn ra ở Sài Gòn vào ngày 10-12-1910 tại khu vực trường đua ngựa Champs de Courses (nay là khu vực góc đường Cách mạng Tháng Tám và 3 Tháng 2). Gần ba năm sau, ở Đà Nẵng mới có chuyến bay đầu tiên tại bãi cát trước chợ Lầu Đèn thuộc làng Thạch Than.
Chân dung Marc Pourpe (ảnh trái) và bức ảnh Pháp giới thiệu các thành tích hàng không của ông. |
Làng Thạch Than
Làng Thạch Than ngày trước, nay là phường Thạch Thang thuộc quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng. Theo sách Đồng Khánh Địa dư chí thì Thạch Than (than không g) có tự dạng: 石 滩 có nghĩa là: bãi ven nước có đá hay cồn có đá.
Làng Thạch Than được thành lập sớm, tuy vậy không thấy địa danh này trong Ô Châu cận lục (1553) và Phủ biên tạp lục (1776). Phải đợi đến Địa bạ Gia Long soạn trong khoảng 1812-1818 địa danh này mới xuất hiện. Làng Thạch Than rộng hơn 35 mẫu, gồm tứ cận: Đông giáp sông; Tây giáp xã Thạc Giản (nay là phường Thạc Gián, quận Thanh Khê - ĐNCT), lập cột đá làm giới; nam giáp thôn Du Xuyên Đông, lấy đường làm giới; bắc giáp biển.
Theo bản đồ của người Pháp vẽ năm 1938 thì xã Thạch Than tiếp cận với các làng Xuân Đán, Xuân Hòa, Hà Khê. Qua hai tài liệu này cho thấy ngày trước làng có quy mô rộng lớn hơn bây giờ rất nhiều, bao trùm cả khu vực Tam Thuận và một phần của Thanh Bình, Xuân Hà ngày nay. Đến Đồng Khánh địa dư chí soạn trong khoảng 1887-1890, Thạch Than là một thôn (cùng An Khê, Thanh Khê, Chân Sảng, Luân ? (Du) Xuyên Đông) của tổng Bình Thái Hạ, huyện Hòa Vang, phủ Điện Bàn.
Năm 1888, người Pháp đã ép vua Đồng Khánh ký Đạo dụ ngày 1-10-1888 nhường Đà Nẵng cho Pháp để thành lập một thành phố nhượng địa. Ngày 24-5-1889, Toàn quyền Đông Dương đã ký Nghị định thành lập thành phố Đà Nẵng trực thuộc tỉnh Quảng Nam. Thạch Than là một trong 5 xã đầu tiên của thành phố nhượng địa này (cùng Hải Châu, Nam Dương, Phước Ninh, Bình Hiên).
Trong thời kỳ 1945-1954, làng Thạch Than thuộc khu Trung (1945-1946) rồi khu Phan Thanh của thành phố Đà Nẵng (1946-1954). Thời Việt Nam Cộng hòa Thạch Thang là một trong 9 khu phố thuộc quận I của thị xã Đà Nẵng (sau năm 1973 đổi từ khu phố thành phường). Từ sau 1975 đến nay Thạch Thang là một phường thuộc quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng.
Chuyến bay đầu tiên tại Đà Nẵng
Nhằm làm cho dân bản xứ, nhất là dân Quảng Nam - nơi vừa diễn ra các cuộc biểu tình “kháng thuế cự sưu” long trời lở đất - khâm phục nền văn minh của “mẫu quốc”, vào khoảng cuối tháng 8-1913 người Pháp đã tổ chức một chuyến bay biểu diễn ở Đà Nẵng.
Địa điểm thực hiện chuyến bay là khu vực bãi cát trước chợ Lầu Đèn, thuộc làng Thạch Than, nay là phường Xuân Hà, quận Thanh Khê. Gọi là chợ Lầu Đèn vì ngày trước nơi đây người Pháp xây một cái lầu cao, bên trên vào ban đêm có treo một ngọn đèn có công dụng như ngọn hải đăng định vị cho các tàu thuyền đánh cá trên vịnh Đà Nẵng.
Ngày đó sân bay Đà Nẵng chưa xây dựng, khu vực hai bên đường Trần Cao Vân từ ngã tư Ông Ích Khiêm - Trần Cao Vân ngày nay kéo dài đến ngã tư Trần Cao Vân - Hà Huy Tập chưa có dân cư. Người xem máy bay ngày đó chắc đứng trên khu vực từ đường Điện Biên Phủ đến đường Trần Cao Vân. Thực hiện chuyến bay là phi công người Pháp Marc Pourpe. Ông sinh năm 1887 tại Lorient vùng Bretagne, miền Tây Bắc nước Pháp.
Năm 1912 Marc Pourpe tham gia ngành hàng không, sau đó ông cùng với người bạn là thợ máy Raoul Lucfbery thực hiện nhiều chuyến lưu diễn tại châu Á, châu Âu và châu Phi. Năm 1913 ông đến lưu diễn ở Đông Dương tại Phnom Penh, Huế, Đà Nẵng và sau đó tại Hải Phòng. Năm 1914, Marc Pourpe đã tham gia “Tuần lễ hàng không” được tổ chức tại Cairo (Ai Cập) và thực hiện một chuyến bay dài 1.250 dặm từ Cairo (thủ đô Ai Cập) đến Khartoum (thủ đô của Soudan). Ông mất năm 1914 khi mới 27 tuổi, trên chuyến bay trinh sát ở Somme (miền Bắc nước Pháp - ĐNCT) do một sự cố thời tiết xấu.
LÊ THÍ