Cây nêu trong văn hóa người Cơ tu

.

Trong đời sống tinh thần của cộng đồng người Cơ tu, cây nêu là một biểu tượng văn hóa, chiếm vị trí quan trọng và không thể thiếu trong các nghi lễ hiến tế. Nhìn từ cây nêu, tín ngưỡng dân gian người Cơ tu hiện ra như là một kho tàng với khá nhiều điều thú vị, lạ lẫm.

Đồng bào Cơ tu tại huyện Hòa Vang trình diễn cây nêu tại ngày hội trình diễn cây nêu và giao lưu văn hóa, thể thao và du lịch các dân tộc Việt Nam lần thứ 2 năm 2023. Ảnh: X.D
Đồng bào Cơ tu tại huyện Hòa Vang trình diễn cây nêu tại ngày hội trình diễn cây nêu và giao lưu văn hóa, thể thao và du lịch các dân tộc Việt Nam lần thứ 2 năm 2023. Ảnh: X.D

Theo UBND huyện Hòa Vang, cộng đồng người Cơ tu ở Đà Nẵng hiện có khoảng 1.500 người, sống tại ba thôn: Tà Lang, Giàn Bí của xã Hòa Bắc và Phú Túc của xã Hòa Phú (huyện Hòa Vang). Người Cơ tu Đà Nẵng là nhóm Cơ tu vùng thấp nên được gọi là Cơ tu nal. Khu vực sinh sống người Cơ tu ở xã Hòa Bắc nằm giữa khu bảo tồn thiên nhiên Bà Nà - Núi Chúa và Vườn Quốc gia Bạch Mã; vùng người Cơ tu ở xã Hòa Phú sinh sống nằm về phía nam núi Bà Nà.

Trên mảnh đất Đà Nẵng, đồng bào Cơ tu không ngừng sáng tạo, bảo tồn và phát triển những nét văn hóa độc đáo trong đời sống sinh hoạt, tín ngưỡng của dân tộc mình. Họ vẫn còn lưu giữ nhiều giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc thể hiện trong tất cả các mặt đời sống xã hội như: luật tục, tổ chức cộng đồng, hôn nhân - gia đình, nhà ở, đời sống văn nghệ, ẩm thực...

Trong đó, cây nêu có vị trí rất quan trọng đối với người Cơ tu Đà Nẵng nói riêng, dân tộc Cơ tu nói chung. Cây nêu không chỉ được đặt ngay trước nhà Gươl, mà còn là một biểu tượng trung tâm và không thể thiếu trong các hoạt động văn hóa cộng đồng, nghi thức hiến tế của người Cơ tu.

Cây nêu có trong văn hóa của rất nhiều cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Mỗi dân tộc có hình thức cây nêu riêng và ý nghĩa khác nhau. Với người Việt, cây nêu là một cây tre có chùm lá và ngọn, trên có treo phướn và khánh đất, lồng đèn và cờ hội… dùng để xua đuổi tà ma, được dựng lên trong dịp Tết và các lễ hội lớn. Còn với người Cơ tu, cây nêu có hình thức hết sức cầu kỳ, được trang hoàng như một tác phẩm nghệ thuật dân gian và ý nghĩa biểu đạt cũng rất đa dạng.

Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Hòa Vang Đỗ Thanh Tân cho biết, hình thức sử dụng cây nêu của người Cơ tu Đà Nẵng rất đa dạng: cây nêu trong bản làng, trong gia đình, trong lễ hội và trong tang ma. Cây nêu là hai cây tre có ngọn và lá được trồng hai bên cột lễ, được uốn cong vòng cung và nối với nhau trên đỉnh cột lễ. Từ điểm nối của hai ngọn tre có treo tượng chim chèo bẻo, đại diện cho tinh thần tự do của người Cơ tu và các chùm tua rua như hoa và bông lúa, biểu trưng cho sự sinh sôi và phát triển. Ngoài ra, thân cây nêu còn được trang trí với các bó lá cọ non đẹp mắt.

Cũng theo ông Tân, cây nêu là một thành tố có quan hệ mật thiết nhưng lại hoàn toàn tách rời với cột lễ. Cột lễ có tác dụng như là cột thông thiên - tức là cầu nối giữa thế giới trần tục với thần linh trên trời, giữa bản làng với Giàng và những người đã khuất.

Cột lễ là nơi dâng cúng lễ vật cho thần linh, còn cây nêu như là một cái đàn cúng tế linh thiêng, nơi đón nhận sinh khí của đất trời, chiếc cầu nối giữa thế giới con người và thế giới thần linh; là nơi kết nối con người với con người, nhà này với nhà khác, làng này với làng khác, tạo nên một cộng đồng cùng chung sống đoàn kết, ấm no.

“Cây nêu và cột lễ của người Cơ tu được điêu khắc và trang trí cầu kỳ, sơn vẽ sặc sỡ hơn những hạng mục khác trong không gian nhà Gươl. Có thể nói rằng, cây nêu và cột tế của người Cơ tu là đẹp nhất so với cây nêu của các tộc người khác trên dãy Trường Sơn”, ông Tân bày tỏ.

Chính bởi những giá trị đặc trưng đó, cuối tháng 11, đồng bào Cơ tu ở Đà Nẵng vinh dự đại diện cho dân tộc Cơ tu tham gia ngày hội trình diễn cây nêu và giao lưu văn hóa, thể thao và du lịch các dân tộc Việt Nam lần thứ 2 năm 2023 tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam. Chị Bùi Thị Hạnh, Phó Bí thư Chi bộ thôn Giàn Bí, xã Hòa Bắc (huyện Hòa Vang) - thành viên đoàn cho biết, đến với ngày hội năm nay, đoàn Đà Nẵng tham gia đầy đủ các hoạt động như: liên hoan văn nghệ; trình diễn trang phục truyền thống; trình diễn cây nêu; trưng bày, giới thiệu ẩm thực...

Trong đó, phần trình diễn cây nêu của người Cơ tu Đà Nẵng thu hút đông đảo công chúng và các dân tộc anh em đến theo dõi, cổ vũ. Cây nêu của đoàn mang đến ngày hội được chuẩn bị rất công phu, trang trí đẹp mắt, nhiều màu sắc, thể hiện sức mạnh, tình đoàn kết của đồng bào Cơ tu. “Thông qua chuyến đi lần này, bà con được học hỏi, rút ra nhiều kinh nghiệm để áp dụng trong phát triển văn hóa gắn với du lịch ở địa phương”, chị Hạnh chia sẻ.

Theo Trưởng phòng Xây dựng nếp sống văn hóa và gia đình (Sở Văn hóa và Thể thao) Lê Thị Thu Trang, để giải quyết mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển, cộng đồng người Cơ tu Đà Nẵng đã cùng với chính quyền không ngừng nỗ lực trong việc xây dựng, phát triển văn hóa thông qua các hoạt động phục dựng lễ hội, liên hoan văn hóa - thể thao và mở rộng giao lưu học hỏi để làm giàu vốn văn hóa của mình.

Ngày hội trình diễn cây nêu và giao lưu văn hóa, thể thao và du lịch các dân tộc Việt Nam vừa qua là một hoạt động như vậy. Đây là cơ hội cho đồng bào Cơtu Đà Nẵng tham gia các hoạt động giao lưu văn hóa, nghệ thuật, thể dục - thể thao giữa các vùng miền, địa phương; nâng cao ý thức trong việc giữ gìn và phát huy các nghi lễ, tín ngưỡng, các loại hình nghệ thuật truyền thống, dân ca, dân vũ các dân tộc. Qua đó, xây dựng đời sống văn hóa gắn với phát triển du lịch bền vững và thực hiện tốt các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, thành phố.

KHÔI NGUYÊN

;
;
.
.
.
.
.