Đà Nẵng có hơn 60 lễ hội truyền thống, trải đều ở các quận, huyện, mang đậm bản sắc văn hóa, thu hút đông đảo nhân dân và du khách thập phương. Năm nay, các địa phương có sự chuẩn bị chu đáo trong công tác tổ chức và quản lý lễ hội, bảo đảm an ninh trật tự, giúp nhân dân và du khách được tận hưởng một mùa lễ hội an toàn, văn minh.
Lễ hội Quán Thế Âm quận Ngũ Hành Sơn là một trong những lễ hội dân gian mang tín ngưỡng Phật giáo quan trọng nhất của Đà Nẵng. Ảnh: X.D |
Bảo đảm trật tự lễ hội
Từ đầu tháng Giêng đến nay, trên địa bàn thành phố diễn ra khoảng 10 lễ hội lớn nhỏ, thu hút đông đảo người dân địa phương và du khách đến tham dự. Nhìn chung, các lễ hội năm nay diễn ra trong không khí rộn ràng, vui tươi, an toàn, bảo đảm vệ sinh môi trường và phù hợp với văn hóa truyền thống. Những hoạt động hội như đua thuyền tại lễ hội đình làng Túy Loan (huyện Hòa Vang), hay lễ hội đua thuyền truyền thống trên sông Cu Đê (quận Liên Chiểu) diễn ra khá yên bình, lành mạnh. Đặc biệt, trong những ngày diễn ra lễ hội, lực lượng công an, cảnh sát giao thông, dân quân cũng thường xuyên túc trực để bảo đảm an ninh trật tự, an toàn thực phẩm và giao thông.
Nhờ vậy, không xảy ra tình trạng chen lấn, ngộ độc thực phẩm, lợi dụng lễ hội để cờ bạc trá hình, trộm cắp hay tuyên truyền, quảng bá mê tín dị đoan. Tham gia lễ hội đình làng Túy Loan năm 2024, bà Nguyễn Thị Lan, trú xã Hòa Phong (huyện Hòa Vang) chia sẻ: “Năm nay, dù tấp nập người đến lễ nhưng không bị xô bồ, không nghi ngút khói hương và lạm dụng vàng mã. Mọi người ứng xử văn minh và rất có ý thức giữ gìn trật tự, vệ sinh chung”.
Nhắc đến lễ hội mùa xuân tại Đà Nẵng, không thể không nhắc đến lễ hội Cầu ngư, mang đặc trưng của cư dân miền biển, diễn ra tại quận Thanh Khê (nửa cuối tháng Giêng) và Sơn Trà (cuối tháng 2 âm lịch). Đây được xem là lễ hội lớn nhất trong năm ở hai địa phương kể trên, nên công tác chuẩn bị, tổ chức được đặc biệt chú trọng. Trong đó, yêu cầu quá trình tổ chức lễ hội phải bảo đảm an toàn, trang trọng, tôn nghiêm. Đơn cử, tại lễ hội cầu ngư quận Thanh Khê năm 2024, tổ chức từ 27 đến 29-2, lượng người đến tham gia phần lễ và hội khá đông nhưng rất trật tự, nền nếp. Các hoạt động hội được sắp xếp khoa học, diễn ra vào các khung giờ phù hợp để mọi người đều có thể tham gia.
Phó Chủ tịch UBND quận Nguyễn Hữu Công cho biết, để bảo đảm an ninh trật tự, an toàn giao thông trong suốt quá trình trước, trong và sau lễ hội, quận đề nghị Đồn Biên phòng Phú Lộc phối hợp công an quận và lực lượng công an, dân quân 3 phường: Xuân Hà, Thanh Khê Đông, Thanh Khê Tây túc trực, phân luồng đường, cắt đường phục vụ phần lễ. Phân công lực lượng bảo vệ mô hình, hình ảnh, tư liệu của gian trưng bày chủ đề “Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam”. Đồng thời, có kế hoạch bố trí phương tiện dụng cụ phục vụ công tác phòng cháy, chữa cháy tại địa điểm diễn ra lễ hội.
Xây dựng lễ hội văn minh
Từ năm 2023, lễ hội Quán Thế Âm quận Ngũ Hành Sơn được nâng tầm lên cấp thành phố với hàng chục hoạt động lễ và hội, thu hút hàng nghìn phật tử, người dân và du khách đến tham gia, chiêm bái. Năm 2024, lễ hội này được xác định là 1 trong 4 sự kiện văn hóa - lễ hội điểm nhấn của Đà Nẵng. Do đó, công tác tổ chức và quản lý lễ hội được các cấp, ngành, địa phương quan tâm, chuẩn bị từ cuối năm 2023. Ngày 26-2, quận Ngũ Hành Sơn ban hành chương trình lễ hội Quán Thế Âm năm 2024 diễn ra trong 4 ngày (từ 26 đến hết 29-3) với 32 hoạt động lễ và hội. Trong đó, có nhiều hoạt động mới, hấp dẫn, dự kiến sẽ thu hút rất đông người đến theo dõi, tham gia.
Phó Chủ tịch UBND quận Ngũ Hành Sơn Tạ Tự Bình cho biết, để bảo đảm lễ hội diễn ra an toàn, trật tự, địa phương chủ động phối hợp chặt chẽ với các tiểu ban giúp việc, đáp ứng yêu cầu lễ hội “5 không”: không có trộm, cướp và tệ nạn xã hội; không có lang thang xin ăn; không xả rác… Các hoạt động dâng hương, đốt vàng mã được hạn chế tối đa; lộc chùa được đặt ở nhiều địa điểm khác nhau để tránh chen lấn, ùn tắc. “Ban tổ chức cũng đưa vào một số hoạt động mới như: triển lãm ảnh, đọc sách, ký họa về lễ hội… để quảng bá hình ảnh đẹp, an bình, văn minh của lễ hội đến nhân dân, du khách và phật tử gần xa”, ông Bình chia sẻ.
Theo bà Lê Thị Thu Trang, Trưởng phòng Xây dựng nếp sống văn hóa và gia đình, Sở Văn hóa và Thể thao, ngay từ đầu năm, sở đã tham mưu UBND thành phố chỉ đạo các địa phương tăng cường công tác quản lý, tổ chức lễ hội; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giới thiệu về nguồn gốc của lễ hội, di tích và các nhân vật được thờ phụng và tôn vinh; bảo tồn có chọn lọc những phong tục tập quán tốt đẹp của dân tộc theo xu hướng lành mạnh, tiến bộ, tiết kiệm, đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của nhân dân. Kinh phí tổ chức các lễ hội trên địa bàn thành phố hầu hết do nhân dân tự nguyện đóng góp, chính quyền địa phương hỗ trợ về công tác tổ chức, an ninh trật tự.
Tuy nhiên, với một số lễ hội lớn, đặc biệt là lễ hội tôn giáo, thành phố yêu cầu ban tổ chức có phương án quản lý hòm công đức, bố trí lực lượng thu gom các loại tiền lễ đặt không đúng nơi quy định; sử dụng tiền công đức công khai, minh bạch và đúng mục đích. “Ngoài ra, sở chỉ đạo lực lượng thanh tra tăng cường công tác kiểm tra, xử lý nghiêm những sai phạm trong công tác quản lý và tổ chức lễ hội. Hướng dẫn các địa phương thực hiện tốt nếp sống văn minh, có biện pháp ngăn chặn kịp thời các biểu hiện tiêu cực trong tổ chức lễ hội”, bà Trang cho hay.
KHÔI NGUYÊN