Cải thiện đời sống văn hóa, tinh thần cho người dân

.

Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, đời sống văn hóa, tinh thần của người dân quận Liên Chiểu từng bước nâng lên, các thiết chế văn hóa được đầu tư xây dựng, qua đó đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng hưởng thụ văn hóa của đa số người dân.

Theo thời gian, lễ hội đình làng gắn chặt vào đời sống văn hóa, tinh thần của người dân quận Liên Chiểu.  TRONG ẢNH: Nghi thức lễ cúng tại Lễ hội đình làng Trung NghĩaẢnh: H.L
Theo thời gian, lễ hội đình làng gắn chặt vào đời sống văn hóa, tinh thần của người dân quận Liên Chiểu. TRONG ẢNH: Nghi thức lễ cúng tại Lễ hội đình làng Trung Nghĩa. Ảnh: H.L

Lan tỏa giá trị lễ hội

Mỗi năm, vào khoảng ngày 10-3 âm lịch, người dân làng Đà Sơn (phường Hòa Khánh Nam) lại nô nức tham gia lễ hội đình làng. Đối với họ, lễ hội là dịp để dân làng ôn lại lịch sử, tưởng nhớ và tri ân các bậc tiền nhân đã dày công khai phá, xây dựng nên làng Đà Sơn có tuổi đời gần 700 năm. Phó ban quản lý đình làng Đà Sơn Phan Công Định cho biết, theo thời gian, lễ hội đình làng Đà Sơn gắn chặt vào đời sống văn hóa, tinh thần của người dân địa phương. Trung bình mỗi năm, dân làng tổ chức khoảng 6 hoạt động lễ hội, cúng tạ tổ tiên tại đình làng. Bên cạnh đó, sân đình cũng là nơi thường xuyên diễn ra các hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể thao của các hội đoàn thể, thanh, thiếu niên khu vực Đà Sơn.

Cũng theo ông Định, lịch sử ghi lại, làng Đà Sơn lưu công đức của thủy tổ Phan Công Thiên, dòng tộc Phan đầu tiên ở tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng cũ. Sau này, các tộc Nguyễn, Kiều, Đỗ… tiếp tục khai hoang, mở rộng diện tích trồng trọt. “Như nhiều nơi khác trên địa bàn quận Liên Chiểu, người dân Đà Sơn rất tự hào về lịch sử lập làng, tích cực duy trì những nghi thức cúng bái như lễ rước sắc phong tiền hiền, lễ tế thổ thần, thành hoàng làng. Trong khi đó, phần hội có hoạt động như kéo co, bịt mắt bắt vịt, bóng đá, bài chòi, hát bội...

Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin quận Liên Chiểu Trương Công Hiếu cho biết, hiện nay mỗi năm địa phương tổ chức khoảng 20 lễ hội lớn nhỏ. Trong đó, đáng chú ý là lễ hội đình làng Hòa Sơn, lễ hội đình làng Hòa Phú, lễ hội đình làng Trung Nghĩa, lễ hội đình làng Phước Lý, lễ hội cầu ngư làng Nam Ô. Chưa kể, đây cũng là địa phương có 2 di tích cấp quốc gia, 15 di tích cấp thành phố và 51 di tích do địa phương quản lý (chưa xếp hạng)…

Thời gian qua, UBND quận Liên Chiểu phối hợp Sở Văn hóa và Thể thao thành phố trùng tu, cải tạo sửa chữa các di tích như Hải Vân Quan, Miếu Tam Vị, cụm di tích Nam Ô, Miếu Hàm Trung, Đình Đà Sơn, Mộ ngài Phan Công Thiên, Đình làng Hoà Mỹ… với tổng kinh phí từ nguồn ngân sách thành phố gần 94 tỷ đồng. Đồng thời, triển khai công tác trùng tu, nâng cấp, cải tạo sửa chữa các di tích cấp thành phố và di tích do địa phương quản lý với kinh phí gần 17 tỷ đồng từ nguồn ngân sách quận.

Tập trung xây dựng các thiết chế văn hóa

Xuyên suốt 10 năm thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW, quận Liên Chiểu xem xây dựng gia đình văn hóa là nội dung quan trọng, gắn với phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa. Cùng với đó, địa phương cũng tích cực vận động người dân xây dựng nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội và bảo vệ môi trường. Tại hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW, Phó Bí thư Thường trực Quận ủy Liên Chiểu Đặng Ngọc Nhân khẳng định, địa phương luôn ưu tiên phát triển công nghiệp văn hóa đi đôi với xây dựng, hoàn thiện thị trường văn hóa, hội nhập văn hóa…

Đặc biệt, tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức trong hệ thống chính trị và xã hội về vị trí, vai trò của sự nghiệp xây dựng, phát triển văn hóa, con người Đà Nẵng nói chung và Liên Chiểu nói riêng. Yêu cầu mỗi cán bộ đảng viên nêu cao vai trò gương mẫu, vận động nhân dân thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 33-NQ/TW. Tổ chức tốt công tác tuyên truyền thực hiện nếp sống văn hóa, văn minh đô thị, văn hóa giao thông, văn hóa thương mại, trật tự đô thị, vệ sinh môi trường. Khuyến khích phong trào sáng tác văn học nghệ thuật, định hướng và tạo điều kiện để văn nghệ sĩ, các CLB thơ tham gia sáng tác những tác phẩm có giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao về đề tài cách mạng, đổi mới, phản ánh chân thực đời sống văn hóa và mảnh đất, con người Liên Chiểu.

Cùng với đó, để tạo môi trường thuận lợi cho người dân sinh hoạt, Liên Chiểu quy hoạch 18 vị trí công trình thiết chế văn hóa, 81 nhà sinh hoạt cộng đồng (trong đó có 56 nhà sinh hoạt đang hoạt động ổn định), đến nay đã thực hiện đầu tư xây dựng các trung tâm văn hóa - thể thao B2.1, B2.2, B3.1 và Trung tâm Văn hóa - Thể thao quận Liên Chiểu giai đoạn 4, Nhà truyền thống và thư viện tổng hợp quận…

Chưa kể, hằng năm, trên địa bàn quận tổ chức trên 60 giải thi đấu thể thao, góp phần nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trong khu vực. Bên cạnh các giải pháp phát triển văn hóa được triển khai đồng bộ, thường xuyên, Liên Chiểu đang tập trung nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về văn hóa, gia tăng vai trò giám sát của người dân trong việc chủ động đấu tranh phòng, chống các biểu hiện suy thoái về tư tưởng, đạo đức, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trên lĩnh vực văn hóa. Coi trọng quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí cán bộ lãnh đạo, quản lý văn hóa, cán bộ làm công tác văn hóa từ quận đến cơ sở.

Có thể nói, trong bối cảnh quỹ đất dành cho các hoạt động văn hóa, nghệ thuật trên địa bàn còn thiếu, kinh phí đầu tư chưa đồng bộ, những kết quả đạt được đã cho thấy nỗ lực của địa phương trong việc nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho người dân cũng như làm phong phú thêm sản phẩm du lịch văn hóa trên địa bàn.

HUỲNH LÊ

;
;
.
.
.
.
.