Tôn vinh trẻ chăn trâu qua lễ hội Mục đồng

.

Đình Phong Lệ (đình Thần Nông hay đình Mục đồng) tọa lạc tại thôn Phong Nam (xã Hòa Châu). Trong quá khứ, đình Phong Lệ là nơi diễn ra lễ hội Mục đồng độc đáo. Sau 10 năm gián đoạn, lễ hội rước Mục đồng được phục dựng vào ngày 7-5-2024 nhằm giữ gìn truyền thống văn hóa dân gian cho các thế hệ sau.

Người dân nô nức tham gia lễ rước Thần Nông từ Cồn Thần về đình Thần Nông đi qua cánh đồng làng. Ảnh: Đ.G.H
Người dân nô nức tham gia lễ rước Thần Nông từ Cồn Thần về đình Thần Nông đi qua cánh đồng làng. Ảnh: Đ.G.H

Theo tục lệ từ ngàn xưa, lễ hội Mục đồng làng Phong Lệ được tổ chức theo Tam niên nhất lệ (tức 3 năm một lần). Đây là khoảng thời gian tiết trời đẹp nhất trong năm, nắng ráo, mùa màng tạm xong, người nông dân có thời gian nông nhàn để tham gia vào các lễ hội. Nghi thức đầu tiên trong phần lễ là rước Thần Nông từ Cồn Thần về đình Thần Nông. Tham gia lễ rước có hai hàng cờ, mỗi hàng 13 cây cờ kèm theo cờ của làng, cờ các chư phái tộc và các loại lồng đèn. Lồng đèn phần nhiều là loại hình bánh ú màu trắng, vàng. Làng chọn ra 52 mục đồng mạnh khỏe, luân phiên cứ hai người thay nhau cầm 26 cây cờ Mục đồng và cờ làng.

Trong lộ trình rước Thần, cờ Mục đồng đi sau kiệu Thần nông, kèm trước và sau là hai hàng lồng đèn và hai hàng giáo mác. Những người khiêng kiệu, cầm cờ, cầm giáo đầu đội nón dấu (nón gõ), lưng thắt một dải lụa điều. Đi đầu là một vị Trùm bành (còn gọi là Trùm mục), tay cầm phèng la (sênh) đánh hiệu lệnh hai tiếng kép, một tiếng đơn. Thường thường, Trùm bành đánh một hồi dài và lại ba tiếng lẻ, rồi cứ thế ba tiếng lẻ đánh dồn dập, thúc bách. Giúp việc cho Trùm bành còn có Trùm chỉ và Trùm phụ lo việc sắp xếp hàng ngũ, nhắc nhở nhau khi rước Mục đồng dạo trên cánh đồng. Theo sau kiệu là đàn trẻ em chăn trâu, mặt mày lúc nào cũng tươi vui hớn hở.

Khi về đến đình Thần Nông, vị chủ bái làm lễ an vị thần, các chư phái tộc thay nhau vào đình dâng hương. Vị trùm mục sẽ chỉ huy việc sắp xếp lại đội hình đám rước, giới chăn trâu sẽ phụ giúp trong việc bảo đảm trật tự lễ hội, đây là lúc họ thể hiện vai trò làm chủ của mình. Sau hồi trống báo hiệu, vị Trùm mục xướng to: Hô chúng Mục đồng Phong Lệ ta, rước vua Thần Nông về đồng Phong Lệ ta, tất cả mọi người có mặt trong lễ hội đều đồng thanh hô: Giá hạ! Giá hạ! Vị Trùm mục lại hô tiếp: Xin cho tốt lúa tốt gieo, vũ thuận phong điều. Mừng reo một tiếng. Mọi người lại tiếp tục hô to: Giá hạ! Giá hạ!

Cuộc rước Thần Nông dạo đồng Phong Lệ được tiến hành suốt một ngày nhưng đông vui hơn cả là vào ban đêm. Người Phong Lệ quan niệm rằng, vào ban đêm thanh vắng, việc rước thần dạo đồng sẽ thuận lợi hơn, đám ruộng nào may mắn được thần dạo qua, năm ấy chắc chắn sẽ được mùa bội thu. Vào giờ Tý, các đám rước bắt đầu khởi hành qua các ruộng đồng về Cồn Thần, sau đó tiếp tục đi hết cánh đồng này đến cánh đồng khác, đèn đuốc sáng rực cả một vùng. Cùng với tiếng hò reo vang dội, đoàn rước đi xuyên đêm, đến khi mặt trời lên cao quá ngọn tre mới trở về lại đình. Tiếp đó, diễn ra lễ chạy cờ hết sức vui nhộn của trẻ chăn trâu, đội chạy cờ sẽ rước cờ chạy khắp cánh đồng, hô vang cầu cho mùa màng tươi tốt, mưa thuận gió hòa. Sau đó, mọi người cùng tập trung về đình làng để cùng nhau sinh hoạt các trò chơi dân gian trong lễ hội như: lò cò, kéo co, ống thụt, nhảy dây, rồng rắn lên mây, ô ăn quan…

Đặc biệt, phần hội không thể thiếu hát mục đồng. Thực chất đây chính là thể loại hát bội được mời về làng biểu diễn. Mục đích của đêm hát là nhằm tạ ơn Thần nông, các vị thần linh đã giáng hạ về làng, phò trì cho nhân dân được khỏe mạnh, no ấm, mùa màng tươi tốt, vạn vật sinh sôi. Đồng thời, tạo cơ hội cho nhân dân trong làng được thưởng thức một đêm hát tuồng để giải trí sau khoảng thời gian vất vả với công việc đồng áng.

Nói về ý nghĩa của việc phục dựng lại lễ hội rước Mục đồng làng Phong Lệ, ông Đỗ Thanh Tân, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Hòa Vang cho biết: Lễ hội Mục đồng lần này là một điểm nhấn trong nỗ lực bảo tồn và gìn giữ vốn văn hóa đặc sắc, tốt đẹp của làng Phong Lệ xưa và nay. Thông qua các hoạt động này, làng Phong Lệ được đông đảo công chúng biết đến với tư cách là một cộng đồng nông nghiệp có lễ hội độc đáo - lễ hội tôn vinh trẻ chăn trâu, không nơi nào trong cả nước có được. “Với lòng thành kính và sự chuẩn bị kỹ lưỡng của các tộc họ, lễ hội đã trình diễn cho quan khách, bạn bè gần xa nghi thức tôn vinh Thần nông và trẻ mục đồng thông qua nghi thức dâng cúng và rước mục đồng đầy sống động qua ruộng lúa, bìa làng, giúp quá khứ hiện về rất gần trong cuộc sống hiện tại hôm nay”, ông Đỗ Thanh Tân nhấn mạnh.

ĐOÀN GIA HUY

;
;
.
.
.
.
.