ĐNO - Những tiểu phẩm kịch trong chương trình nghệ thuật “Voọc ơi, khỉ ơi” do GreenViet (Trung tâm Bảo tồn Đa dạng sinh học Nước Việt Xanh) thực hiện đã giúp các em học sinh thêm hiểu, thêm yêu, thêm tự hào để từ đó chung tay bảo vệ thiên nhiên Sơn Trà.
Chương trình "Voọc ơi, khỉ ơi" được lồng ghép vào lễ phát động Tháng hành động vì trẻ em năm 2024 của quận Sơn Trà và 3 phường thuộc quận gồm: Thọ Quang, Mân Thái, An Hải Bắc. |
Chương trình nghệ thuật “Voọc ơi, khỉ ơi” được tổ chức tại UBND quận Sơn Trà, phường Thọ Quang, phường Mân Thái, phường An Hải Bắc nhằm hưởng ứng Tháng hành động vì trẻ em và Ngày Môi trường Thế giới (5-6).
4 tiểu phẩm kịch lần lượt xuất hiện trong chương trình gồm: Vẻ đẹp Sơn Trà” với câu chuyện theo chân Super Monkey và anh em Voọc để khám phá vẻ đẹp và giá trị của bán đảo Sơn Trà; “Gia Đình Voọc” với câu chuyện xoay quanh thói quen, tập tính của Voọc; “Khám phá Sơn Trà” với câu chuyện về cuộc phiêu lưu của 2 anh em Voọc trong hành trình khám phá những điều kỳ thú của núi Sơn Trà; “Người hùng Sơn Trà” với câu chuyện diễn ra tại chùa Linh Ứng, ẩn chứa thông điệp về việc du khách không nên cho khỉ ăn.
Sự sắp xếp của 4 tiểu phẩm mở ra hành trình khám phá vẻ đẹp thiên nhiên, về đời sống của loài Voọc chà vá chân nâu, loài khỉ vàng ở bán đảo Sơn Trà và những lưu ý khi tham quan bán đảo.
Bằng nghệ thuật kịch, diễn viên đã hóa thân và kể câu chuyện về gia đình Voọc, khỉ, về đời sống, các mối đe dọa mà những loài này đang đối diện, nhờ đó các em học sinh hiểu, yêu, xem những động vật như Voọc, khỉ như một người bạn và có ý thức hơn trong việc bảo vệ Sơn Trà.
Với sự duyên dáng của từng diễn viên, cùng nội dung dễ hiểu, lý thú đã giúp các bạn nhỏ có những giây phút giải trí đầy vui nhộn và bổ ích. Những tiếng cười giòn giã và sự chăm chú theo dõi của các bạn là minh chứng cho thấy sức hút của những tiểu phẩm kịch.
Em Huỳnh Văn Bình (11 tuổi) cho biết, việc xem kịch giúp em cảm thấy hứng thú hơn trong việc tìm hiểu về Sơn Trà và các loài vật quý hiếm tại bán đảo này, thay vì chỉ nghe và đọc trên sách. “Sau khi xem kịch, em hiểu rằng mình phải bảo vệ thiên nhiên bằng những hành động nhỏ nhất là không vứt rác bừa bãi và khi tham quan Sơn Trà thì tuyệt đối không cho khỉ ăn.
Bên cạnh đó, khi gặp những trường hợp gây hại cho động vật hoặc chứng kiến động vật bị thương thì phải báo với các lực lượng cứu hộ”, Bình chia sẻ.
Các tiểu phẩm kịch nằm trong khuôn khổ chương trình nghệ thuật “Voọc ơi, khỉ ơi". Đây là chương trình giáo dục thiên nhiên của GreenViet với sự tham gia của đạo diễn Tony Lê Nguyễn và hơn 20 diễn viên là tình nguyện viên gồm sinh viên Khoa Nghệ thuật (Trường Đại học sư phạm, Đại học Đà Nẵng) cùng học sinh tại Trung tâm mồ côi Hoa Mai.
Một phân đoạn trong tiểu phẩm "Người hùng Sơn Trà” với câu chuyện diễn ra tại chùa Linh Ứng, ẩn chứa thông điệp về việc du khách không nên cho khỉ ăn. |
Chương trình được thực hiện trong khuôn khổ dự án “Bảo tồn rừng, hệ sinh thái biển và các loài nguy cấp tại bán đảo Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng” do Quỹ bảo tồn động thực vật hoang dã Việt Nam tài trợ.
Chương trình nghệ thuật “Voọc ơi, khỉ ơi” được xây dựng theo hình thức mới, sáng tạo, sử dụng nghệ thuật kịch, kết hợp hát, kể chuyện, đố vui để truyền tải kiến thức về thiên nhiên một cách gần gũi, trực quan, nhờ đó giúp người xem tiếp nhận thông tin một cách mới mẻ và hứng thú hơn,.
Bên cạnh đó, chương trình còn có các hoạt động hỏi đáp, tương tác, khích lệ học sinh với quà tặng giúp các em nhỏ vừa thưởng thức nghệ thuật, vừa tiếp thu kiến thức bổ ích.
GreenViet là Trung tâm Bảo tồn Đa dạng sinh học Nước Việt Xanh được thành lập từ năm 2012 tại Đà Nẵng với các lĩnh vực hoạt động chính là nghiên cứu, truyền thông và giáo dục về bảo tồn đa dạng sinh học tại khu vực miền Trung - Tây Nguyên.
Hoạt động của GreenViet nhằm mục đích giúp cộng đồng hiểu, tôn trọng và hình thành lối sống thân thiện với thiên nhiên thông qua nghiên cứu, bảo tồn, phổ biến giá trị của đa dạng sinh học.
Từ ngày thành lập, một trong những hoạt động tiêu biểu của GreenViet là bảo tồn loài Voọc chà vá chân nâu quý hiếm và bán đảo Sơn Trà thông qua chương trình nâng cao nhận thức cho hơn 35.000 học sinh, người dân thành phố Đà Nẵng về vẻ đẹp và giá trị của bán đảo Sơn Trà.
Đến nay, Voọc chà vá chân nâu đã trở thành biểu tượng đa dạng sinh học của thành phố Đà Nẵng.
THU DUYÊN