Di tích lịch sử, văn hóa Hòa Vang: Nhà thờ tiền hiền Quan Châu lưu giữ kiến trúc độc đáo của văn hóa làng

.

Cách trung tâm thành phố khoảng 10km về phía tây nam, từ cầu vượt Hòa Cầm đi theo hướng quốc lộ 1A về hướng nam rẽ vào cổng chào thôn Quang Châu khoảng 1,3km là đến nhà thờ tiền hiền Quan Châu (xã Hòa Châu). Theo lời các cụ cao niên nơi đây kể lại, làng Quang Châu một thời lừng lẫy khắp vùng về sự trù phú lẫn nền học vấn. Dù trải qua bao biến cố thăng trầm của thời gian, ngôi từ đường Tứ tộc Tiền hiền Quan Châu vẫn tồn tại cùng năm tháng và vẫn giữ nguyên vẹn nền nếp văn hóa làng như xưa.

Dù trải qua bao biến cố thăng trầm của thời gian, nhà thờ Tiền hiền Quan Châu vẫn lưu giữ nét kiến trúc độc đáo của văn hóa làng. Ảnh: Đ.G.H
Dù trải qua bao biến cố thăng trầm của thời gian, nhà thờ Tiền hiền Quan Châu vẫn lưu giữ nét kiến trúc độc đáo của văn hóa làng. Ảnh: Đ.G.H

Một trong những phú hộ ở làng ngày trước là ông Trần Thượng Hữu, mọi người thường gọi là ông Học Băng. Băng là tên người con gái đầu của ông - bà Hai Băng, Trần Thị Băng. Chuyện kể rằng, một ngày nọ, ông Học Băng thấy có một đoàn người cưỡi ngựa dừng trước cổng nhà mình, tỏ ý muốn gặp ông để thưa chuyện. Ông nhận ra trong đoàn có Tú tài Đỗ Tự là người về làm rể làng Miếu Bông bên cạnh. Sau tuần trà xã giao, khách giới thiệu trong đoàn có Thông Phiên, tức Thái Phiên, người làng Nghi An (nay thuộc phường Hòa Phát, quận Cẩm Lệ), có tài Hán học lẫn Tây học, bấy giờ đang làm thông phán ở Sở dây thép, vợ mất đã lâu, nay mong muốn được tục huyền với cô Hai Băng.

Ông Học Băng đâm ra phân vân. Con gái mình đường đường là con nhà phú hộ, giờ có nên đi làm vợ kế người ta không? Ông biết Đỗ Tự là người làng Diệm Sơn (nay là xã Điện Tiến, thị xã Điện Bàn), khi đỗ tú tài không ra làm quan mà nhất quyết theo Trần Cao Vân, Thái Phiên tham gia phong trào chống Pháp. Đỗ Tự lấy vợ là bà Nguyễn Thị Thức ở làng Miếu Bông rồi dùng lời lẽ thuyết phục cha mẹ vợ và bà con bên vợ giúp đỡ làm ngôi nhà có gác ở gần chợ Miếu Bông sát đường quốc lộ để làm nơi liên lạc hoạt động cách mạng. Qua mai mối của Tú tài họ Đỗ, ông nhận thấy Thông Phiên cũng đáng mặt anh hào, con gái ông về “nâng khăn sửa túi” sẽ được người ta gọi “bà Thông” thì cũng nở mày nở mặt với xóm làng. Không lâu sau đó, một đám cưới sang trọng nhất làng diễn ra, Thái Phiên chính thức trở thành con rể làng Quang Châu.

Nhà văn Nguyễn Văn Xuân trong truyện ngắn “Rồi máu lên hương” kể rằng, khi Thái Phiên bị Pháp hành hình ở An Hòa, Huế, bà đã lấy tóc mình quấn lấy thủ cấp bê bết máu của chồng mang về nhà cha mình ở Quang Châu. Bà không tắm gội, cứ để nguyên mái tóc đẫm hương máu của chồng mình, trở mình đau đớn và qua đời. Chuyện Thông Phiên làm rể Quang Châu được các thế hệ người dân nơi này truyền tụng với sự nể phục, tôn kính.

Tộc Trần của ông Học Băng là một trong 4 vị tiền hiền làng Quang Châu, gồm: Trần, Đoàn, Lê, Huỳnh. Theo đó, vào đời Cảnh Hưng (1740-1786) của vua Lê Hiển Tông, có 4 vị tộc Trần, Đoàn, Lê, Huỳnh từ đất Bắc vào khai khẩn vùng đất hoang về sau đặt tên là Diêu Trì, nay thuộc xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang. Đây là nơi rừng thiêng nước độc, thú dữ hoành hành, không thuận tiện cho việc an dân. Các vị tiền nhân bàn nhau xuống vùng đồng bằng, tiếp tục dày công khai phá, quy dân lập ấp, dần dần hình thành làng mới, đặt tên là Minh Châu. Đến triều vua Minh Mạng, do kỵ húy nên làng đổi tên thành Quan Châu, nghĩa là Viên ngọc của nước nhà. Về sau, lại đọc thành Quang Châu, là địa danh hành chính hiện nay, cũng có nghĩa là Viên ngọc sáng.

Tên làng có thay đổi qua các thời kỳ lịch sử, nhưng nền nếp văn hóa làng vẫn nguyên vẹn như xưa, được duy trì qua các lễ lạt ở đình làng, nhà thờ Tiền hiền, miếu âm linh. Nhà thờ Tiền hiền ban đầu làm bằng tranh tre, về sau mới dựng sườn gỗ, xây tường vôi, lợp mái ngói âm dương. Làng trích ra hơn mẫu ruộng cho đấu giá, ai trúng thì được canh tác, lấy tiền tổ chức các lễ cúng kiếng ở đình làng, nhà thờ Tiền hiền, miếu âm linh. Qua thời gian, đình làng và miếu âm linh bị hư hại. Năm 2019, làng cho trùng tu miếu âm linh sát bên chùa Quang Châu. Riêng nhà thờ Tiền hiền vẫn còn giữ nguyên kiến trúc cổ xưa với 3 gian, 3 lòng, gồm: Tiền đường hậu tẩm, hai bên tả hữu là hành lang có mái che. Mái ngói âm dương cùng với hình tượng lưỡng long tranh châu đượm màu thời gian. Các câu đối xưa cũng đã phai nhạt sắc màu. Nhà thờ có niên đại xây dựng từ năm 1800. Lần trùng tu cuối cùng vào năm 1935. Nhà thờ còn lưu giữ sắc phong của đời vua Gia Long năm thứ 2 ban cho tộc Huỳnh Văn.

Ông Đỗ Thanh Tân, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Hòa Vang, là một con dân làng Quang Châu, nhận định: “Nhà thờ Tiền hiền là nơi thờ tự những bậc tiền nhân, đồng thời là công trình kiến trúc cổ, là nhân chứng của quá trình phát triển, thể hiện quá khứ, chiều sâu văn hóa của một làng và rộng hơn là một vùng, một dân tộc. Việc bảo tồn, phát huy giá trị các công trình kiến trúc cổ là hết sức cần thiết, thể hiện sự trân trọng những gì ông cha để lại, đồng thời lưu giữ vốn quý cho các thế hệ mai sau. Nhà thờ Tiền hiền Quan Châu có kiến trúc rất độc đáo, phản ánh rất rõ điều kiện kinh tế của làng thời đó, có tiền mới làm được”.

ĐOÀN GIA HUY

;
;
.
.
.
.
.