Khoác "áo mới" cho di tích lịch sử - văn hóa

.

Hiện trên địa bàn thành phố có 88 di tích được xếp hạng, thuộc nhiều loại hình khác nhau như danh thắng, thành cổ, khu căn cứ cách mạng, di chỉ khảo cổ... Những năm qua, thành phố luôn quan tâm, dành nguồn lực lớn để kịp thời trùng tu, tôn tạo những di tích xuống cấp, đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của các tầng lớp nhân dân.

Lãnh đạo Sở Văn hóa và Thể thao cùng quận Thanh Khê thực hiện nghi thức khởi động dự án trùng tu, tôn tạo Nhà lưu niệm Mẹ Nhu và 7 Dũng sĩ Thanh Khê. Ảnh: X.D
Lãnh đạo Sở Văn hóa và Thể thao cùng quận Thanh Khê thực hiện nghi thức khởi động dự án trùng tu, tôn tạo Nhà lưu niệm Mẹ Nhu và 7 Dũng sĩ Thanh Khê. Ảnh: X.D

Kịp thời trùng tu những di tích xuống cấp

Từ năm 2016 đến hết 2023, thành phố có 54 di tích lịch sử - văn hóa xuống cấp được tu bổ, phục hồi với tổng kinh phí gần 410 tỷ đồng. Riêng năm 2023, thành phố triển khai đầu tư tu bổ, tôn tạo nhiều di tích như: Nghĩa trủng Hòa Vang (quận Cẩm Lệ), mộ ngài Phan Công Thiên (quận Liên Chiểu), đình làng Vân Dương, đình Dương Lâm (huyện Hòa Vang)… Trong đó, dự án trùng tu di tích Nghĩa trủng Hòa Vang hoàn thành vào dịp kỷ niệm 165 năm ngày Đà Nẵng kháng Pháp (1-9-1858 - 1-9-2023). Dự án tu bổ, phục hồi di tích đình làng Vân Dương (xã Hòa Liên) được khởi công từ 9-2023, có thời gian thi công 180 ngày cũng về đích sớm vào tháng 1-2024, kịp thời phục vụ nhu cầu tâm linh, tín ngưỡng của người dân dịp Tết.

Chủ tịch UBND xã Hòa Liên Lê Đức Thương cho biết, công trình được đầu tư gần 8 tỷ đồng để tu bổ, sửa chữa các hạng mục như: phục dựng kiến trúc đình làng chính, bình phong, xây dựng cổng tam quan, tu bổ miếu Thần Nông, xây dựng mới nhà trù kết hợp tường rào bao quanh. Trong quá trình thực hiện dự án, nhân dân làng Vân Dương tích cực đóng góp sức người, sức của để xây dựng những hạng mục phụ trợ, sắm sửa đồ thờ cúng trong đình. “Đến nay, công trình đã được phục hồi về đúng nguyên trạng, khang trang, sạch đẹp theo mong mỏi của người dân. Chính quyền và nhân dân địa phương rất vui mừng, sẽ cố gắng giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa, lịch sử của đình làng”, ông Thương nói.

Trong năm 2024, UBND thành phố giao Sở Văn hóa và Thể thao triển khai 2 dự án tu bổ di tích, gồm: Nhà lưu niệm Mẹ Nhu và 7 Dũng sĩ Thanh Khê, đình làng Thạc Gián (quận Thanh Khê). Bên cạnh đó, UBND các quận, huyện cũng có kế hoạch triển khai một số dự án như: mở rộng, tu bổ, phục hồi di tích nhà thờ tộc Thái (UBND quận Cẩm Lệ làm chủ đầu tư); cải tạo, mở rộng đền thờ Bà Thân Xứ Hạ (UBND quận Sơn Trà làm chủ đầu tư)…

Đối với Nhà lưu niệm Mẹ Nhu và 7 Dũng sĩ Thanh Khê, cuối năm 2023, Sở Văn hóa và Thể thao phối hợp UBND quận Thanh Khê tổ chức lễ khởi động dự án trùng tu, tôn tạo, hiện đang triển khai công tác lựa chọn đơn vị thi công. Ông Phạm Phú Lý - con thứ 3 của Mẹ Nhu cho biết, sau quá trình dài sử dụng, các hạng mục của công trình như: nhà lưu niệm, nhà chòi, hầm bí mật... bị xuống cấp. Đặc biệt, tường rào và tường nhà bị hư hỏng khá nghiêm trọng, bong tróc, ẩm thấm. “Được thành phố và quận Thanh Khê quan tâm đầu tư kinh phí trùng tu, gia đình tôi vô cùng vui mừng, phấn khởi. Mong rằng, dự án sớm được triển khai, tạo cảnh quan sạch đẹp cho cán bộ, nhân dân, nhất là thế hệ trẻ đến tham quan, tìm hiểu lịch sử”, ông Lý bày tỏ.

Bảo đảm chất lượng công trình

Về cơ bản, các di tích trên địa bàn thành phố được trùng tu đều bảo đảm yêu cầu về chất lượng, không làm sai lệch các yếu tố cấu thành. Trong quá trình triển khai xây dựng phương án trùng tu di tích, các đơn vị được giao làm chủ đầu tư luôn phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, ban quản lý di tích để lắng nghe ý kiến, hướng tới hoàn thiện tu bổ vừa đúng theo quy định, vừa đảm bảo yếu tố kỹ thuật, yêu cầu mỹ thuật của công trình. Giám đốc Bảo tàng Đà Nẵng Huỳnh Đình Quốc Thiện cho hay, công tác bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích luôn được thành phố quan tâm, phối hợp với nhân dân địa phương rất chặt chẽ theo đúng quy định, công khai, minh bạch, có sự giám sát thi công thường xuyên, liên tục của cộng đồng dân cư tại khu vực di tích. Hầu hết, các di tích sau khi hoàn thành, bàn giao đều được chính quyền và dân cư tại địa phương khen ngợi, đánh giá cao.

“Nhìn chung, các dự án trùng tu, tôn tạo di tích tại Đà Nẵng đều được thực hiện khá nhanh, hoàn thành trước thời hạn. Thành phố cũng ưu tiên lựa chọn các đơn vị có bề dày kinh nghiệm trong trùng tu, tôn tạo di tích ở Huế về thi công. Vì vậy, sau khi hoàn thành, bàn giao cho địa phương sử dụng, công trình đều bảo đảm chất lượng, bền đẹp theo thời gian”, ông Thiện nói.

Theo Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Phạm Tấn Xử, thực hiện đề án bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa trên địa bàn thành phố giai đoạn 2021-2025 của UBND thành phố, sở đã chỉ đạo Bảo tàng Đà Nẵng rà soát tất cả di tích trên địa bàn, kịp thời báo cáo sở những di tích xuống cấp để trình UBND thành phố bố trí kinh phí, đầu tư trùng tu, tôn tạo, phục hồi.

Bên cạnh đó, các địa phương cũng chủ động bố trí kinh phí cho các hoạt động sửa chữa nhỏ, tổ chức các lễ hội, đầu tư vào bảng chỉ dẫn và quản lý trực tiếp di tích. Hiện nay, ngành văn hóa đang đẩy nhanh tiến độ triển khai một số dự án lớn như: tu bổ, phục hồi và tôn tạo di tích Thành Điện Hải giai đoạn 2; bảo tồn và phát huy giá trị khảo cổ Chăm Phong Lệ; phối hợp tỉnh Thừa Thiên Huế hoàn thành dự án bảo tồn, tu bổ, phục hồi giá trị di tích Hải Vân quan và tổ chức quản lý, khai thác, sử dụng có hiệu quả. “Các di tích sau khi được trùng tu sẽ được nghiên cứu và đánh giá khả năng phát huy giá trị để phát triển du lịch. Vì vậy, sở mong rằng, các địa phương nơi có di tích gìn giữ, phát huy thật tốt giá trị di sản, tạo nên sức mạnh mềm để phát triển thành phố”, ông Xử chia sẻ.

KHÔI NGUYÊN

;
;
.
.
.
.
.