Đã thành thông lệ, cứ vào thứ Tư hằng tuần, nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh lại dành một buổi sáng để đón tiếp, tổ chức biểu diễn phục vụ người có công ở các địa phương của tỉnh Quảng Nam. Mỗi buổi diễn đều được thực hiện với chất lượng chuyên môn cao nhất, tiết mục đa dạng thể loại, mang đến cho người có công cách mạng kỷ niệm khó quên.
Các nghệ sĩ, diễn viên Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh biểu diễn tiết mục múa dân tộc phục vụ người có công ở tỉnh Quảng Nam. Ảnh: X.D |
Lần đầu đến xem tuồng tại nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh, bà Nguyễn Thị Hồng Lĩnh (SN 1952, huyện Quế Sơn, trước đây công tác ở chiến trường Khu 5), không giấu nổi sự hào hứng, thích thú khi xem các nghệ sĩ biểu diễn trên sân khấu. Không chỉ chăm chú thưởng thức, bà Lĩnh còn quay video clip các tiết mục bằng điện thoại để về xem lại, giới thiệu cho người thân, bạn bè. Bà cho biết, tuồng hay bài chòi không phải loại hình nghệ thuật xa lạ, có thể nói là đã in sâu vào máu những người từng công tác ở chiến trường Khu 5. Tuy nhiên, đây mới là lần đầu tiên bà có dịp được thưởng thức một buổi biểu diễn chuyên nghiệp, trong không gian kín của nhà hát. Trước đây, đa phần bà xem ở những buổi biểu diễn lưu động, không gian mở như: khu dân cư, nhà văn hóa, sân vận động…
“Các nghệ sĩ của nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh biểu diễn rất hay, chuyên nghiệp, khiến chúng tôi xem không rời mắt. Đặc biệt, nhà hát đã khéo léo lồng ghép vào chương trình những trích đoạn tuồng lịch sử, thể hiện lòng thủy chung, kiên trung của con người Việt Nam, mang đến cho chúng tôi cảm xúc rất tự hào. Chắc chắn, tôi và gia đình sẽ trở lại Đà Nẵng trong một ngày không xa để thưởng thức thêm những tiết mục khác của Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh”, bà Lĩnh nói.
Bà Lĩnh là 1 trong gần 130 người có công ở huyện Quế Sơn (tỉnh Quảng Nam) đến Đà Nẵng dịp này để thưởng thức nghệ thuật tuồng theo chương trình phối hợp giữa Trung tâm Nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công tỉnh Quảng Nam và Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh. Trong đoàn có nhiều người tuổi ngoài “thất thập cổ lai hy”, nhưng vẫn tham gia, bởi tình yêu mãnh liệt đối với nghệ thuật tuồng. Ông Hà Phước Trinh, nguyên Bí thư Huyện ủy Quế Sơn - thành viên đoàn nhận xét, buổi biểu diễn phục vụ người có công của nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh hay từ nội dung đến hình thức, nghệ thuật biểu diễn, để lại cho người xem nhiều cảm tình. Đặc biệt, một điểm rất đáng mừng là nhà hát đã trẻ hóa được đội ngũ nghệ sĩ, diễn viên tuồng. Các em có ngoại hình và kỹ năng biểu diễn tốt, đáp ứng được yêu cầu khắt khe của loại hình nghệ thuật truyền thống này. Ngoài ra, công tác tiếp đón, phục vụ của nhà hát cũng rất chu đáo, chỉn chu, khiến ai trong đoàn cũng hài lòng.
“Chương trình biểu diễn tuồng phục vụ người có công là một hoạt động rất hay và ý nghĩa. Mong rằng, chương trình này được duy trì để mỗi người có công ở Quảng Nam ít nhất một lần được đến Đà Nẵng để xem tuồng chuyên nghiệp”, ông Trinh bày tỏ.
Chương trình biểu diễn phục vụ người có công được Trung tâm Nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công tỉnh Quảng Nam phối hợp Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh triển khai từ tháng 3-2024 và kéo dài đến hết năm nay. Theo đại diện Trung tâm Nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công Quảng Nam, mỗi tuần một lần, đơn vị đưa những cô chú là người có công với cách mạng, đang sinh sống ở các địa phương của tỉnh Quảng Nam (mỗi tuần một huyện, thị, thành phố) ra Đà Nẵng tham quan, thưởng thức nghệ thuật tuồng truyền thống. Bên cạnh đến nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh xem các tiết mục, tìm hiểu nghệ thuật vẽ mặt tuồng, trung tâm còn đưa người có công đi tham quan Khu căn cứ cách mạng K20 (quận Ngũ Hành Sơn) và một số địa điểm tham quan, giải trí khác ở Đà Nẵng và thành phố Hội An (tỉnh Quảng Nam). Qua đó, góp phần tri ân những người có công với quê hương, đất nước; làm phong phú thêm đời sống văn hóa, tinh thần, tiếp thêm động lực để người có công tiếp tục sống vui, sống khỏe và sống có ích.
Theo Phó Giám đốc Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh Nguyễn Thanh Phương, biểu diễn phục vụ người có công là một niềm vinh dự cho tập thể nghệ sĩ, diễn viên, nhạc công nhà hát. Vì thế, các nghệ sĩ luôn tâm niệm phải cố gắng hết sức để mang đến người có công những tiết mục phù hợp lứa tuổi và hay nhất có thể. Trong mỗi buổi diễn, nhà hát phục vụ những người có công một chương trình tổng hợp với đa dạng tiết mục, từ trích đoạn tuồng mẫu mực, hòa tấu dàn nhạc dân tộc, đến trình diễn áo dài, múa Chăm, thậm chí có cả chầu văn.Nhà hát cũng có kế hoạch thay đổi các tiết mục để bảo đảm lần thứ hai quay trở lại, các đoàn được thưởng thức một chương trình nghệ thuật mới.
“Một điều rất hạnh phúc đối với nhà hát là thấy các cô chú say mê thưởng thức tuồng, liên tục vỗ tay động viên các nghệ sĩ, nhạc công trên sân khấu. Đây là nguồn động lực rất lớn để tập thể nhà hát tiếp tục cố gắng, xây dựng thêm nhiều tiết mục hay, đặc biệt là tuồng lịch sử để phục vụ ngày càng tốt hơn nhu cầu của công chúng, trong đó có người có công cách mạng”, ông Phương chia sẻ.
K.NGUYÊN