Đẩy mạnh giao lưu các nền văn hóa

.

Trong tiến trình hội nhập quốc tế, Đà Nẵng luôn chú trọng kết nối, đẩy mạnh giao lưu, quảng bá văn hóa địa phương đến các nước trong khu vực và thế giới. Song song đó, thành phố tạo điều kiện cho các địa phương trên cả nước đến Đà Nẵng giao lưu, quảng bá văn hóa, góp phần thắt chặt mối quan hệ, nâng cao hiểu biết, đời sống tinh thần của người dân.

Các nghệ sĩ của thành phố Daegu (Hàn Quốc) biểu diễn văn nghệ trong triển lãm nghệ thuật  Đà Nẵng - Daegu. Ảnh: X.D
Các nghệ sĩ của thành phố Daegu (Hàn Quốc) biểu diễn văn nghệ trong triển lãm nghệ thuật Đà Nẵng - Daegu. Ảnh: X.D

Mở rộng giao lưu văn hóa với các địa phương

Giữa tháng 7, UBND tỉnh Ninh Thuận tổ chức sự kiện “Ngày văn hóa, du lịch Ninh Thuận tại Đà Nẵng năm 2024” tạo tiền đề liên kết, hợp tác giữa Ninh Thuận với Đà Nẵng trên lĩnh vực văn hóa và du lịch. Trong khuôn khổ sự kiện có nhiều hoạt động đặc sắc như: biểu diễn nghệ thuật hát, múa; giới thiệu nhạc cụ và hướng dẫn múa truyền thống; trưng bày ảnh đẹp về du lịch, văn hóa, danh lam thắng cảnh của tỉnh Ninh Thuận; giới thiệu 50 gian hàng sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc thù, đặc sản và ẩm thực tỉnh Ninh Thuận. Bên cạnh đó, người dân và du khách được tận mắt chứng kiến bàn tay tài hoa, khéo léo của các nghệ nhân làm gốm, dệt thổ cẩm trình diễn chế tác sản phẩm truyền thống; thưởng thức tiếng đàn Chapi, tiếng đàn đá, điệu múa Chăm uyển chuyển dịu dàng, tiếng trống Ghi năng ngất ngây lòng người…

Lần đầu tiên chị được tận mắt chứng kiến các nghệ nhân làng gốm Chăm tỉnh Ninh Thuận trình diễn, nghe tiếng khèn bầu, trống Ghi năng, chị Trần Nguyên Thảo (quận Sơn Trà) cho hay, gốm Ninh Thuận nhìn khá lạ và đẹp, khác với những kiểu gốm trước đây chị từng biết. Các loại nhạc cụ dân tộc đặc trưng ở Ninh Thuận cũng rất độc đáo, âm thanh vui tai, lôi cuốn. “Ẩm thực của Ninh Thuận rất ngon. Thời gian tới, tôi sẽ tới Ninh Thuận du lịch để tìm hiểu thêm nhiều nét văn hóa cũng như thưởng thức món ngon ở đây”, chị Thảo chia sẻ.

Bên cạnh Ninh Thuận, tỉnh Lai Châu cũng dự kiến tổ chức sự kiện “Tuần văn hóa, du lịch Lai Châu tại Đà Nẵng năm 2024” từ ngày 12 đến 14-7. Tuy nhiên, một do vướng mắc về phân cấp thẩm quyền phê duyệt gói thầu mua sắm hàng hóa dịch vụ theo quy định tại Nghị định 24/2024/NĐ-CP ngày 27-2-2024 của Chính phủ, nên không bảo đảm tiến độ để tổ chức sự kiện. Do vậy, UBND tỉnh Lai Châu quyết định lùi thời gian tổ chức sự kiện đến thời điểm thích hợp. Theo UBND tỉnh Lai Châu, đây là sự kiện lần đầu tiên tỉnh tổ chức ở Đà Nẵng, đóng vai trò quan trọng đối với việc quảng bá văn hóa, du lịch Lai Châu. Điểm nhấn của “Tuần văn hóa, du lịch Lai Châu tại Đà Nẵng” là các hoạt động giao lưu, trình diễn văn hóa, văn nghệ (múa xòe, múa sạp, múa khèn); trưng bày, giới thiệu sản phẩm văn hóa; trình diễn nghề thủ công truyền thống các dân tộc; trưng bày, giới thiệu tiềm năng thế mạnh du lịch, thu hút đầu tư của tỉnh Lai Châu. Cũng trong khuôn khổ sự kiện này, tỉnh Lai Châu sẽ giới thiệu hàng trăm bức ảnh đẹp về vùng đất, thiên nhiên, văn hóa, con người Lai Châu.

Quảng bá đặc trưng văn hóa Đà Nẵng ra thế giới

Năm 2024, thành phố diễn ra nhiều sự kiện giao lưu văn hóa với các nước, tiêu biểu như lễ hội Việt Nam - Nhật Bản, lễ hội Việt Nam - Hàn Quốc, chương trình đồng diễn yoga quốc tế. Cùng với đó, nhiều đoàn nghệ thuật nước ngoài, nghệ sĩ, họa sĩ quốc tế đến thành phố biểu diễn, triển lãm phục vụ người dân. Cuối tháng 6, hàng chục văn nghệ sĩ thuộc Liên hiệp các Hội Văn hóa nghệ thuật thành phố Daegu (Hàn Quốc) đến thành phố biểu diễn nghệ thuật, trưng bày triển lãm tranh ảnh. Dịp này, thành phố cũng tranh thủ giới thiệu, quảng bá được nhiều sản phẩm văn hóa, tác phẩm nghệ thuật của văn nghệ sĩ Đà Nẵng đến với bạn bè Daegu.

Phó Chủ tịch Thường trực Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật thành phố Nguyễn Nho Khiêm cho biết, đây là hoạt động nhằm thực hiện hóa bản ghi nhớ giao lưu văn hóa giữa đơn vị với Hội Văn hóa nghệ thuật thành phố Daegu. Luân phiên hằng năm, hai đơn vị sẽ tổ chức các đoàn nghệ sĩ đến giao lưu, học hỏi lẫn nhau, góp phần tăng cường mối quan hệ hợp tác trên lĩnh vực văn hóa, văn học, nghệ thuật. “Ngoại giao văn hóa là một nội dung liên hiệp đặc biệt quan tâm, trọng tâm là giới thiệu các loại hình nghệ thuật đặc thù, đặc sắc của thành phố như sân khấu tuồng, múa, nhiếp ảnh, mỹ thuật... Hiện nay, liên hiệp đang khuyến khích các hội chuyên ngành tận dụng tối đa internet, mạng xã hội để quảng bá tác phẩm văn học, nghệ thuật của Đà Nẵng đến với bạn bè quốc tế”, ông Khiêm nói.

Theo Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Nguyễn Thị Hội An, trong năm nay, sở đã phối hợp góp ý, tham mưu công tác đối ngoại và hỗ trợ nhiều hoạt động ngoại giao văn hóa của thành phố. Đặc biệt, sở chỉ đạo các đơn vị sự nghiệp tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho các đơn vị lữ hành nội địa cũng như quốc tế để giới thiệu quảng bá các chương trình nghệ thuật đặc sắc, sản phẩm du lịch của thành phố.

Các hoạt động, sự kiện văn hóa, lễ hội hai bên bờ sông Hàn thu hút sự quan tâm, tham gia của người dân và du khách, nổi bật như: vũ hội đường phố, tuồng xuống phố, hô hát bài chòi… góp phần ghi dấu ấn đặc trưng, nét sinh hoạt văn hóa riêng cho hai tuyến đường Bạch Đằng và Trần Hưng Đạo. Bên cạnh đó, sở cũng chú trọng nghiên cứu, tạo ra những sản phẩm mới, kết nối các di sản văn hóa trở thành các tour du lịch để phục vụ du khách muốn tìm hiểu, nghiên cứu hành trình di sản Đà Nẵng. Qua đó, lan tỏa các giá trị, khuyến khích cộng đồng cùng chung tay bảo vệ, phát huy di sản thành phố, phát huy nét độc đáo của các di sản văn hóa lịch sử, tạo nền tảng cho phát triển du lịch bền vững.

K.NGUYÊN

;
;
.
.
.
.
.