Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn miền Trung - Tây Nguyên

.

Ngày 20-8, Học viện Chính trị khu vực III tổ chức hội thảo khoa học “Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh trên địa bàn miền Trung - Tây Nguyên”.

Các tham luận, ý kiến thảo luận tại hội thảo đánh giá, luận giải khách quan, khoa học những vấn đề lý luận và thực tiễn về bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh; quan điểm của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước, các công ước quốc tế về bảo tồn, phát huy di sản văn hóa được UNESCO ghi danh; những thuận lợi, khó khăn, cơ hội, thách thức và những vấn đề đặt ra đối với công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh trên địa bàn miền Trung-Tây Nguyên; các định hướng chính sách và giải pháp nhằm bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh theo hướng bền vững trong tình hình mới.

Các nhà nghiên cứu đề xuất nhiều kiến nghị nhiều nhóm giải pháp chính về bảo tồn, phát huy giá trị di sản, gồm: nâng cao nhận thức cho các cấp lãnh đạo, quản lý các địa phương, chủ thể di sản trong việc bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa phi vật thể; nghiên cứu và ban hành một số cơ chế phù hợp nhằm bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể, cụ thể hóa những chính sách đãi ngộ đối với các nghệ nhân trong các loại hình nghệ thuật truyền thống này. Đồng thời, tăng cường ứng dụng các kết quả nghiên cứu vào thực tiễn; mở rộng hợp tác các viện nghiên cứu, học viện, trường đại học, các tổ chức quốc tế ở nước ngoài; tiếp tục hợp tác chặt chẽ với UNESCO và các tổ chức quốc tế khác để tiếp nhận sự hỗ trợ về kỹ thuật, tài chính và kinh nghiệm trong công tác bảo tồn di sản.

Theo số liệu thống kê, Việt Nam hiện sở hữu 15 di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh, trong đó miền Trung - Tây Nguyên có 5 di sản, gồm: Nhã nhạc cung đình Huế (UNESCO ghi danh năm 2003), Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên (2005), Dân ca ví dặm Nghệ Tĩnh (2014), Nghệ thuật bài chòi Trung Bộ (2017) và Nghệ thuật làm gốm của người Chăm (2022).

NGỌC HÀ

;
;
.
.
.
.
.