Bước vào thời đại công nghệ số, hội nhập quốc tế, dòng chảy của văn học đã và đang mang một sắc màu mới, sự tiếp nhận, thưởng thức văn chương của độc giả cũng thay đổi. Vì thế, để tác phẩm đến với bạn đọc, nhà văn không chỉ cần tạo ra “những đứa con tinh thần” chất lượng, mà còn phải thích ứng, đẩy mạnh quảng bá ở cả hiện thực đời sống lẫn trên không gian mạng.
Học sinh THCS quận Hải Châu tham gia thi xếp sách nghệ thuật chào mừng ngày sách và văn hóa đọc tại Công viên APEC. Ảnh: X.D |
Để tác phẩm văn học đến với bạn đọc, trước hết là trách nhiệm của nhà văn. Chưa kể đến yếu tố “tên tuổi” nhà văn, tác phẩm có hay, chất lượng thì mới được bạn đọc đón nhận. Phó Chủ tịch Hội Nhà văn thành phố Nguyễn Minh Hùng cho rằng, độc giả thời nào cũng luôn tìm kiếm những câu chuyện, những cách thể hiện văn chương mới lạ, hấp dẫn. Vì vậy, nhà văn phải không ngừng sáng tạo ra tác phẩm hay, ngưng xuất bản những tác phẩm chất lượng thấp, không mới (dù rất khó trong việc tự đánh giá “văn mình”).
Bên cạnh đó, phải tiếp cận, sử dụng công nghệ và nền tảng trực tuyến để có thể tham gia xuất bản điện tử, hoặc các trang web cung cấp sách điện tử để tiếp cận với độc giả trực tuyến. Tận dụng các kênh mạng xã hội để quảng bá tác phẩm, chia sẻ các trích đoạn thú vị và tương tác với độc giả. Ngoài ra, duy trì kết nối và tương tác thường xuyên với độc giả; thảo luận về tác phẩm tại các nhà sách, trường học hoặc các sự kiện văn học để tiếp cận độc giả. “Các tác giả cũng cần có kế hoạch tham gia các cuộc thi và giải thưởng văn học để tăng độ nhận diện và uy tín cho tác phẩm. Việc đoạt giải thưởng có thể giúp tác phẩm được chú ý nhiều hơn từ truyền thông và độc giả”, ông Hùng chia sẻ.
Có nhiều cách để đưa tác phẩm văn học đến với bạn đọc, trong đó, tiếp cận các nhà xuất bản, phát hành sách để bán bản quyền tác phẩm là một trong những cách được lựa chọn nhiều nhất. Nhà văn Lệ Hằng, Hội Nhà văn thành phố cho hay, đây là con đường mà rất nhiều tác giả muốn đi, bởi nó mang lại nhiều thuận lợi cho người sáng tác. Khi bán bản quyền cho các đơn vị kinh doanh, tác giả sẽ được nhận nhuận bút cho tác phẩm của mình, mọi công việc về biên tập, trình bày, in ấn, phát hành đều có đội ngũ của nhà xuất bản thực hiện. Như vậy, tác giả chỉ tham gia một phần nhỏ trong quá trình hoàn thiện cuốn sách và sẽ có nhiều thời gian hơn cho các ý tưởng mới.
Tuy nhiên, muốn thành công trong việc tiếp cận với các nhà xuất bản và các công ty phát hành sách, các tác giả cũng cần phải có sự chuẩn bị kỹ càng. Trước hết, tác giả nên tìm hiểu kỹ về từng nhà xuất bản, họ có kinh doanh tác phẩm văn học và tác phẩm của mình có nằm trong dòng sách mà họ đang đầu tư. Cùng với đó, phải luôn gửi đi bản thảo tốt nhất của mình, kèm tiểu sử văn học và một bản thuyết minh về tác phẩm. Đây cũng là quá trình tác giả nhìn lại tác phẩm của mình, liệu nó có mang lại ích lợi cho bạn đọc và thuyết phục được nhà đầu tư?
Bạn đọc tại sự kiện ngày sách và văn hóa đọc năm 2024. Ảnh: X.D |
Theo nhiều nhà văn trên địa bàn thành phố, hiện nay, khi nhà văn địa phương có tác phẩm, đa số họ tự bỏ tiền ra in, nhưng khó nhất là khâu phát hành bởi nhiều lý do, trong đó có vấn đề văn hóa đọc. Dưới góc nhìn của người làm công tác xuất bản, phát hành, Phó Giám đốc Nhà xuất bản Đà Nẵng Nguyễn Quỳnh Linh nhận xét, con đường đưa tác phẩm văn học đến với bạn đọc chưa bao giờ thuận lợi và cũng chưa bao giờ khó khăn, đầy những bước lên xuống, phức tạp như ngày nay - thời đại của kỷ nguyên số.
Trong các yếu tố tác động đến sự phát triển của văn hóa đọc nói chung và việc đọc tác phẩm văn học nói riêng, hoạt động xuất bản đóng một vai trò quan trọng. Để đáp ứng nhu cầu đọc của độc giả, chất lượng nội dung và xuất bản phẩm phải không ngừng được nâng cao. Bên cạnh đó, cần phát huy giá trị và tăng hiệu ứng truyền thông, lan tỏa cho các tác phẩm đạt giải thưởng Sách quốc gia; tăng cường phối hợp với ngành thư viện thông qua việc tổ chức các sự kiện tôn vinh văn hóa học, bồi dưỡng tình yêu sách. Ngoài ra, cần chú trọng quan hệ hợp tác quốc tế trong phát triển văn hóa đọc, nhằm quảng bá, giới thiệu những tác phẩm tiêu biểu, có giá trị của Việt Nam với độc giả trên khắp thế giới.
Liên quan đến vấn đề hợp tác quốc tế trong lĩnh vực văn học, những năm gần đây, ở Đà Nẵng có nhiều hoạt động giao lưu, trao đổi với các nước, đặc biệt là Hàn Quốc, Pháp. Theo nhà thơ Nguyễn Nho Khiêm, Phó Chủ tịch Thường trực Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật thành phố, 2 năm qua, Đà Nẵng và thành Daegu (Hàn Quốc) ký kết bản ghi nhớ hợp tác, giao lưu văn hóa. Hằng năm, hai đơn vị luân phiên tổ chức các đoàn nghệ sĩ đến giao lưu, học hỏi lẫn nhau, tăng cường mối quan hệ hợp tác trên lĩnh vực văn học, nghệ thuật. Ở lĩnh vực văn học, một số nhà thơ của thành phố đã sang Hàn Quốc dự hội thảo, giao lưu, quảng bá tác phẩm.
Đặc biệt, Đà Nẵng có nhà văn Vĩnh Quyền - đoạt giải thưởng văn học ASEAN 2021, viết nhiều tác phẩm bằng tiếng Anh, được bạn đọc quốc tế đón nhận. “Văn học Đà Nẵng nhiều tác giả giỏi, có tác phẩm hay, vấn đề là công tác quảng bá còn hạn chế. Nếu có thể chuyển ngữ một số tác phẩm hay, gây được tiếng vang qua ngôn ngữ các nước sẽ góp phần quảng bá, lan tỏa văn học thành phố đến với bạn đọc quốc tế. Liên hiệp cũng khuyến khích các tác giả tận dụng tối đa internet, mạng xã hội để giới thiệu, quảng bá tác phẩm. Từ đó, sản phẩm của các nhà văn sẽ có thêm môi trường sống mới, con đường mới đi vào tâm hồn độc giả”, ông Khiêm chia sẻ.
K.NGUYÊN