ĐNO - Chiều 3-8, UBND thành phố Hội An (tỉnh Quảng Nam) khánh thành dự án "Tu bổ di tích Chùa Cầu (Lai Viễn Kiều)" sau 19 tháng thi công.
Di tích Chùa Cầu sau 19 tháng tu bổ. Ảnh: XUÂN SƠN |
Năm 2024 đánh dấu kỷ niệm lần thứ 20 sự kiện Giao lưu văn hóa Hội An - Nhật Bản. Trong sự kiện này, thành phố Hội An tổ chức Lễ khánh thành dự án "Tu bổ di tích Chùa Cầu (Lai Viễn Kiều)".
Theo UBND thành phố Hội An, di tích Chùa Cầu là công trình có giá trị tiêu biểu về lịch sử, văn hóa, kiến trúc nghệ thuật và sự giao lưu quốc tế ở Đô thị thương cảng Hội An. Di tích đã trải qua 400 năm tồn tại, mặc dù được các thế hệ cư dân Hội An trân trọng, gìn giữ cẩn thận nhưng dưới tác động khắc nghiệt của điều kiện tự nhiên và thời gian, di tích vẫn không tránh khỏi những hư hại.
Qua nhiều tư liệu, từ khi được xây dựng đến cuối thế kỷ XX, Chùa Cầu đã được tu bổ ít nhất 7 lần vào các năm 1763, 1817, 1875, 1915, 1962, 1986, 1996. Dù vậy, do những hạn chế về điều kiện kỹ thuật và nhiều yếu tố khác nên những lần tu bổ trong các năm gần đây nhất vẫn chưa giải quyết căn cơ đối với những nguyên nhân dẫn đến sự xuống cấp di tích. Do đó vấn đề tu bổ Chùa Cầu tiếp tục được đặt ra và ngày càng cấp thiết.
Dự án tu bổ di tích Chùa Cầu được bắt đầu ngày 28-12-2022 với tổng mức đầu tư hơn 20,2 tỷ, giá trị xây lắp đơn vị trúng thầu là 13,3 tỷ đồng. Trong đó có 50% vốn ngân sách Nhà nước của UBND tỉnh Quảng Nam và 50% vốn ngân sách từ UBND thành phố Hội An. Trong quá trình tu bổ, dự án tiếp tục có sự tham vấn kỹ lưỡng ý kiến của các chuyên gia về một số hạng mục quan trọng.
Chùa Cầu khắc phục được tình trạng xuống cấp sau tu bổ. Ảnh: XUÂN SƠN |
Sau 19 tháng nỗ lực thi công, hình dáng của kiến trúc, cấu trúc của kết cấu Chùa Cầu, từ tổng thể đến chi tiết được bảo tồn gần như nguyên vẹn. Quan điểm và giải pháp tu bổ xuyên suốt dự án là giữ gìn sự nguyên vẹn của tổng thể hình thức kiến trúc và kết cấu, từng bộ phận, cấu kiện, hiện vật nguyên gốc, có giá trị lịch sử được trân quý gìn giữ ở mức tối đa có thể.
Di tích Chùa Cầu đã được khắc phục gần như triệt để các khiếm khuyết, gia cường đáng kể sự chắc chắn, bảo đảm sự ổn định, bền vững để tiếp tục trường tồn cùng di sản văn hóa Hội An. Bên cạnh bảo tồn, giữ gìn giá trị di tích, dự án cũng đã thực hiện đồng bộ việc đầu tư nâng cấp hạ tầng cảnh quan, môi trường xung quanh cũng như cơ sở vật chất, trang thiết bị, bảo đảm an ninh, an toàn và phục vụ phát huy hiệu quả, lâu dài giá trị di tích.
Các đại biểu cắt băng khánh thành dự án Tu bổ di tích Chùa Cầu. Ảnh: XUÂN SƠN |
Phát biểu tại buổi lễ, ông Phan Thái Bình, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Nam ghi nhận, đánh giá cao và nhiệt liệt biểu dương mọi sự đóng góp của tất cả các tổ chức, cá nhân, các nghệ nhân đã tham gia dự án tu bổ di tích Chùa Cầu thời gian qua; cảm ơn các bạn bè quốc tế đến từ Nhật Bản đã quan tâm, tư vấn hiệu quả cho dự án; góp phần làm cho mối quan hệ giao lưu, hữu nghị giữa Việt Nam - Nhật Bản nói chung, Hội An - Nhật Bản nói riêng đã được gắn bó trong quá khứ trở nên bền chặt trong hiện tại và ngày càng tươi đẹp trong tương lai.
“Chúng tôi hy vọng rằng, sau khi được tu bổ, Chùa Cầu sẽ tiếp tục là điểm đến hấp dẫn, mang lại nhiều giá trị văn hóa và kinh tế cho Hội An. Đây cũng là cơ hội để chúng ta quảng bá hình ảnh một Hội An năng động, giàu truyền thống và luôn hướng tới tương lai; đặc biệt là dịp để đúc kết những kinh nghiệm thực tiễn về quy trình, kỹ thuật, giải pháp tu bổ nhằm phục vụ tham chiếu cho những công trình tu bổ di tích quan trọng sắp đến không chỉ của tỉnh mà còn đối với các di sản ở trong và ngoài nước”, ông Phan Thái Bình nhấn mạnh.
XUÂN SƠN