Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã chính thức ghi "mỳ Quảng", "phở Nam Định" vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Bát phở Cồ truyền thống của làng Vân Cù, xã Đồng Sơn (Nam Trực, Nam Định). Ảnh: Nguyễn Lành/TTXVN |
Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng đã ký quyết định đưa tri thức dân gian mỳ Quảng tỉnh Quảng Nam vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Trước đó, ngày 10-8-2023, UBND tỉnh Quảng Nam có văn bản gửi Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc đề nghị đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đối với nghề chế biến mỳ Quảng tại tỉnh Quảng Nam.
Theo UBND tỉnh Quảng Nam, nghề chế biến mỳ Quảng ở tỉnh này hội tụ giá trị ẩm thực đặc sắc của xứ Quảng. Mỳ Quảng theo bước chân những lưu dân trong hành trình đi về phương Nam rộng mở, sẵn lòng đón nhận bất cứ nguyên liệu gì trên đường để dung nạp, tiếp biến, làm nên sự đa dạng, phong phú trong hương vị ẩm thực. Đây chính là một món ăn có nhiều biến tấu, làm nổi bật đặc trưng văn hóa ẩm thực dân gian; món ăn hiếm hoi có thể "chiều" được tất cả các kiểu khách; món ăn dân dã nhưng hàm chứa cả diễn trình lịch sử hình thành, hệ tri thức dân gian của vùng đất Quảng Nam.
Trước đó, chuyên trang được mệnh danh là "bản đồ ẩm thực thế giới" Taste Atlas cũng đã đưa ra danh sách 100 món ăn ngon nhất Việt Nam để thực khách quốc tế trải nghiệm, trong đó có mỳ Quảng.
Đối với phở Nam Định cũng được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia thuộc loại hình tri thức dân gian, đáp ứng đầy đủ các tiêu chí: có tính đại diện, thể hiện bản sắc cộng đồng, địa phương; phản ánh sự đa dạng văn hóa và sự sáng tạo của con người, được kế tục qua nhiều thế hệ; có khả năng phục hồi và tồn tại lâu dài; được cộng đồng đồng thuận, tự nguyện đề cử và cam kết bảo vệ.
Nam Định là quê hương của nghề phở. Phở là món ăn phổ biến trong văn hóa ẩm thực Việt Nam, được nhiều người ưa chuộng không chỉ ở trong nước mà còn ở nhiều nước trên thế giới. Trải qua thời gian, phở đã trở thành niềm tự hào của đất và người Nam Định; khẳng định được giá trị thương hiệu ẩm thực với những nét độc đáo thể hiện trong tất cả các khâu: từ chuẩn bị, lựa chọn nguyên liệu, thực phẩm; phương thức làm ra sợi phở đặc trưng; công đoạn chế biến, hoàn thiện một bát phở ngon đảm bảo hương vị, chất lượng dinh dưỡng...
Việc “Phở Nam Định” trở thành Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia là cơ sở bước đầu để Chính phủ đệ trình Tổ chức Khoa học, Giáo dục và Văn hoá của Liên hợp quốc (UNESCO) xem xét, ghi danh “Phở Nam Định” vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Từ đó, đề xuất các giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hoá phi vật thể “Phở Nam Định”; tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, quảng bá di sản văn hoá ẩm thực “Phở Nam Định”; tăng cường công tác quản lý Nhà nước đối với di sản; đồng thời nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cấp chính quyền, của các tổ chức hội, hiệp hội ẩm thực và cộng đồng trong việc gìn giữ, bảo vệ giá trị thương hiệu, sản phẩm ẩm thực đặc sắc của đất và người Nam Định.
Theo baotintuc.vn