Trùng tu, phục hồi đình làng Hải Châu được thực hiện cẩn trọng, tỉ mỉ

.

Sau hơn 22 năm trùng tu, một số hạng mục của di tích lịch sử cấp quốc gia đình làng Hải Châu bị xuống cấp, hư hỏng nghiêm trọng. Ngành văn hóa thành phố và các đơn vị liên quan đang nghiên cứu phương án tu bổ, phục hồi ngôi đình cổ này về nguyên bản, bảo đảm thẩm mỹ, giá trị và hợp lòng dân.

Lễ hội đình làng Hải Châu là hoạt động văn hóa, tín ngưỡng quan trọng của người dân gắn với đình làng. Ảnh: X.D
Lễ hội đình làng Hải Châu là hoạt động văn hóa, tín ngưỡng quan trọng của người dân gắn với đình làng. Ảnh: X.D

Hoàn nguyên ngôi đình cổ

Đình làng Hải Châu được xây dựng lần đầu vào năm Gia Long thứ 3 (năm 1804) để thể hiện lòng tôn kính, biết ơn các bậc tiền nhân có công khai phá đất đai, lập làng. Đến lần xây dựng thứ 3 (năm 1904), trong khuôn viên đình làng có thêm nhà thờ 43 chư phái tộc, nhà thờ tiền hiền, miếu bà, cổng tam quan và hồ sen.

Đây được xem là ngôi đình cổ nhất ở Đà Nẵng, mang lối kiến trúc đặc trưng của nền văn hóa thời Nguyễn, phản ánh quá trình xây dựng và phát triển của làng Hải Châu từ xưa đến nay. Năm 2001, đình làng Hải Châu được công nhận là di tích lịch sử - văn hóa quốc gia; từ năm 2002 đến 2005 được trùng tu với quy mô lớn. Hiện nay, ngôi đình này xuống cấp, hư hỏng nhiều hạng mục.

Ông Nguyễn Duy Phúc, người dân phường Hải Châu 1 (quận Hải Châu), chia sẻ: “Đối với cộng đồng dân cư sống lâu đời ở đây, đình làng Hải Châu là thiết chế văn hóa quan trọng nhất, nơi lưu giữ truyền thống, bản sắc của làng. Những năm qua, tác động của quá trình đô thị hóa khiến đình làng dần lọt thỏm giữa phố, nằm khuất sau những ngôi nhà.

Mặt khác, qua thời gian dài sử dụng, nhiều hạng mục cũng hư hỏng. Chúng tôi mong muốn đình sớm được tu bổ lại khang trang, bền đẹp, mở rộng thêm để mỗi dịp lễ hội, người dân có thể quây quần, tổ chức nghi lễ thờ cúng tổ tiên”.

Dù hiện nay, đình làng Hải Châu không còn nguyên trạng kiến trúc khởi thủy lúc mới xây dựng, nhưng vẫn giữ được nhiều nét đặc trưng trong kiến trúc của vùng Quảng Nam - Đà Nẵng.

Theo Phân viện Khoa học công nghệ xây dựng miền Trung - đơn vị tư vấn trùng tu đình làng Hải Châu, qua khảo sát và đối chiếu tư liệu lịch sử, nhiều hạng mục trong ngôi đình hư hại, xuống cấp và không phù hợp hình thức, không bảo đảm yếu tố mỹ thuật.

Đơn cử, hệ thống mái ngói chính đình bị hư hại, thấm dột xuống khung gỗ; một số chân cột bị mọt, mất khả năng chịu lực; hoa văn trên giao giống bị gãy rụng nhiều; các tấm bia cổ chưa được ứng xử phù hợp. Một số ảnh tư liệu được chụp trong giai đoạn Pháp thuộc có thể giúp hình dung ra quy mô và hình thức nguyên bản của ngôi đình; từ đó làm cơ sở hoàn nguyên phần nào ngôi đình về giai đoạn hoàng kim trong quá khứ.

Dự kiến, dự án sẽ tu bổ, phục hồi 13 hạng mục của đình với kinh phí gần 15 tỷ đồng. Trong đó có nhiều hạng mục quan trọng như: tháo dỡ, phục hồi mái lợp âm dương và bờ mái, giao giống; phục hồi hệ thống liên ba, cửa võng tại khu vực thờ tự chính đình, chỉnh lại hình thức các chân đế bia hai bên hành lang; phục hồi lầu chuông, nhà bia trên trục chính công trình; di chuyển bia di tích để hoàn nguyên cổng tam quan…

Lễ hội đình làng Hải Châu hằng năm có nhiều hoạt động văn hóa, thể thao, thu hút đông đảo nhân dân đến tham gia. Ảnh: X.D
Lễ hội đình làng Hải Châu hằng năm có nhiều hoạt động văn hóa, thể thao, thu hút đông đảo nhân dân đến tham gia. Ảnh: X.D

Đáp ứng mong muốn của người dân

Việc tu bổ, phục hồi đình làng Hải Châu là rất cần thiết, đáp ứng nhu cầu và mong muốn của các tầng lớp nhân dân, cũng như giữ gìn nét văn hóa, kiến trúc tiêu biểu của làng.

Theo Giám đốc Bảo tàng Đà Nẵng Huỳnh Đình Quốc Thiện, đình làng Hải Châu sẽ được tu bổ, phục hồi trên yếu tố hiện trạng còn lại (yếu tố gốc) của di tích. Trong đó, tập trung loại bỏ các hạng mục, chi tiết tạm bợ, nhếch nhác, không phù hợp với kiến trúc và cảnh quan trong quá trình khai thác sử dụng của người dân. Cùng với đó, lắp đặt hệ thống hạ tầng kỹ thuật, điện, nước, phòng cháy chữa cháy bảo đảm tính kỹ thuật và thẩm mỹ; tôn tạo hệ thống sân vườn, cảnh quan phù hợp với giai đoạn lịch sử của di tích.

“Đình làng Hải Châu sau khi phục hồi sẽ là địa điểm thể hiện rõ các giai đoạn lịch sử, giá trị nghệ thuật, kiến trúc của ông cha ta trong giai đoạn lập làng, giữ đất. Việc thực hiện dự án đúng theo nhu cầu, mong mỏi của người dân là tiền đề cho việc nâng cao ý thức bảo vệ di sản gắn với cuộc sống cộng đồng địa phương, bởi đây là lực lượng trực tiếp đóng góp của mình vào việc bảo vệ và phát triển di tích về lâu dài”, ông Thiện nói.

Theo Bí thư Quận ủy Hải Châu Cao Thị Huyền Trân, việc bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích đình làng Hải Châu phải được thực hiện hết sức cẩn trọng, tỉ mỉ, tiếp cận từ nhiều góc độ. Trên góc độ quy hoạch, theo định hướng hình thành không gian bảo tàng sống, hay sắp xếp đơn vị hành chính, di dời trụ sở UBND phường Hải Châu 1, khu vực đình làng sẽ được mở rộng. Vì vậy, việc triển khai trùng tu đình làng cần được thực hiện theo quy hoạch phân khu của thành phố, bảo đảm đồng bộ, khớp nối cảnh quan, các thiết chế văn hóa xung quanh.

Bên cạnh đó, cần lấy ý kiến toàn diện xã hội, gồm cả ý kiến chuyên gia lẫn người dân để bảo đảm công trình sau khi hoàn thành trùng tu không gặp phải ý kiến trái chiều. Ngoài ra, những hạng mục tu bổ, hạng mục phục hồi cũng cần có sự nghiên cứu kỹ lưỡng, bảo đảm đồng bộ với cảnh quan di tích, lối kiến trúc, nghệ thuật đúng theo giai đoạn lịch sử. “Quận Hải Châu tiếp tục phối hợp ngành văn hóa trong tiếp cận, nghiên cứu, hoàn thiện phương án trùng tu công trình này, bảo đảm sau khi hoàn thành đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa của người dân, giáo dục thế hệ trẻ cũng như phục vụ du lịch”, bà Trân cho hay.

K.NGUYÊN

;
;
.
.
.
.
.