Xây dựng làng văn hóa đặc trưng

.

Ở huyện Hòa Vang, thôn Phong Nam (xã Hòa Châu) và thôn Bồ Bản (xã Hòa Phong) là hai ngôi làng có bề dày lịch sử, truyền thống lâu đời, cộng đồng dân cư hiền hòa, gắn bó nền nông nghiệp. Đây cũng là hai thôn đang được huyện nghiên cứu, xây dựng thành “Làng văn hóa đặc trưng”, nhằm thực hiện nông thôn mới, phát triển đời sống kinh tế người dân dựa vào mạch nguồn văn hóa làng xã, gắn với bảo lưu những giá trị truyền thống.

Lễ hội Mục đồng là nét văn hóa riêng biệt, độc đáo của làng Phong Nam (xã Hòa Châu, huyện Hòa Vang). Ảnh: KIM LIÊN
Lễ hội Mục đồng là nét văn hóa riêng biệt, độc đáo của làng Phong Nam (xã Hòa Châu, huyện Hòa Vang). Ảnh: KIM LIÊN

Thôn Bồ Bản nằm về phía đông của xã Hòa Phong, với hơn  2.000 nhân khẩu, chủ yếu sống bằng nghề nông. Ngôi làng này hình thành từ cuối thế kỷ XV do các vị tiền hiền từ Thanh Hóa, Nghệ An vào Nam khai khẩn đất đai lập nghiệp. Tuy diện tích làng không rộng (khoảng 185ha), song đây là vùng đất anh hùng với truyền thống chống giặc ngoại xâm. Đặc biệt, nơi đây nổi tiếng với di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia đình làng Bồ Bản, được nhiều người biết đến.

Ông Tán Kim, Trưởng ban công tác Mặt trận thôn Bồ Bản, kiêm thủ từ của đình làng,  cho biết đình Bồ Bản không chỉ là thiết chế văn hóa, công trình kiến trúc - tín ngưỡng cổ truyền tiêu biểu, mà còn là nơi diễn ra nhiều sự kiện lịch sử quan trọng trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945 ở địa phương như: thành lập Ủy ban hành chính kháng chiến xã Bồ Bản, nơi lập phòng phiếu bầu cử Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa… Nằm cạnh di tích đình Bồ Bản còn có miếu Thần Nông, âm linh tự, bia chiến tích trận đánh xóm Đình, giếng cổ, tạo nên một quần thể di tích ít nơi nào có được. Ngoài ra, trong làng còn 4 ngôi nhà cổ, niên đại 100-200 năm, được người dân bảo tồn khá nguyên vẹn.

Để trở thành “Làng văn hóa đặc trưng”, thôn Bồ Bản không chỉ có hệ thống di tích, thiết chế văn hóa giá trị, mà còn bởi điều kiện tự nhiên, nếp sống, bản sắc văn hóa làng xã rất riêng. Trưởng thôn Bồ Bản Tán Văn Thạch cho hay, làng Bồ Bản có 8 xóm, sống gắn bó, chan hòa và đoàn kết với nhau. Từ bao đời nay, “tình làng nghĩa xóm” luôn được người dân trong làng đề cao. Người dân bàn bạc cùng lập ra hương ước, quy định cụ thể những điều nên và không nên để bảo ban, nhắc nhở nhau cùng thực hiện. Bây giờ, trong làng có “quy ước dân chủ” cũng do nhân dân bàn bạc đề ra để xây dựng đời sống văn hóa làng. Người dân trong làng còn gắn bó trong sản xuất, những ai học được kinh nghiệm gì trong chăn nuôi, trồng trọt đều trao đổi, hỗ trợ nhau làm kinh tế là nét đẹp của làng.

“Với đề án xây dựng làng Bồ Bản thành “Làng văn hóa đặc trưng” của huyện Hòa Vang, người dân rất vui mừng, đồng tình. Bởi chính người dân được hưởng lợi từ đề án này, có thêm điều kiện phát triển kinh tế, nhưng trên hết là bảo tồn được bản sắc văn hóa làng, giữ được nét nông thôn truyền thống”, ông Thạch chia sẻ.

Tương tự thôn Bồ Bản, thôn Phong Nam có bề dày lịch sử lâu đời (đầu thế kỷ XIV) và hệ thống dân cư đông đúc, đa phần làm nông nghiệp. Nơi đây nổi tiếng với đình Phong Lệ (đình Thần Nông), có lễ hội Mục đồng duy nhất trên cả nước. Ngôi làng cổ kính này đến nay còn giữ được cảnh quan làng quê truyền thống với đồng ruộng xanh tươi, cổng làng bên cội đa già, lũy tre xanh chạy dọc đường làng, giếng cổ bên nếp nhà xưa…

Ông Ngô Tất Hiền, Trưởng làng Phong Nam chia sẻ, làng là một phần địa giới của làng Phong Lệ xưa. Từ bao đời nay, dân làng Phong Nam đề cao cách ứng xử nhân văn, lối sống thuận hòa nhân ái của một làng quê thuần nông. Phong Nam còn nổi tiếng với đặc sản bánh ít lá gai, bánh tráng thơm ngon trứ danh, góp phần thu hút du khách đến làng. “Qua khảo sát ý kiến, người dân Phong Nam rất đồng tình, ủng hộ chủ trương xây dựng thôn thành “Làng văn hóa đặc trưng”. Trong sâu thẳm, họ mong muốn nhất là giữ được sự yên bình, nét đồng quê của ngôi làng, hạn chế đô thị hóa. Đồng thời, bảo tồn được các công trình kiến trúc cổ, các phong tục, tập quán lâu đời và lễ hội truyền thống, để trao truyền cho thế hệ mai sau”, ông Hiền bày tỏ.

Thôn Phong Nam (xã Hòa Châu) có bề dày lịch sử lâu đời và hệ thống dân cư đông đúc, đa phần làm nông nghiệp. Ảnh: X.D
Thôn Phong Nam (xã Hòa Châu) có bề dày lịch sử lâu đời và hệ thống dân cư đông đúc, đa phần làm nông nghiệp. Ảnh: X.D

Theo UBND huyện Hòa Vang, xây dựng “Làng văn hóa đặc trưng” tại thôn Phong Nam và Bồ Bản là nhiệm vụ chính trị quan trọng, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ tại Nghị quyết số 07/NQ-TU của Ban Thường vụ Thành ủy về xây dựng và phát triển huyện Hòa Vang đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045, nhằm xây dựng Hòa Vang có bản sắc riêng, phù hợp quy hoạch chung thành phố; nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân huyện đạt ở mức cao, bảo đảm quốc phòng - an ninh, bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc, phát triển đô thị với việc giữ gìn nông nghiệp, nông thôn truyền thống, tôn tạo và phát huy giá trị di tích lịch sử.

Thực hiện đề án, huyện sẽ cải tạo và chỉnh trang các công trình kiến trúc vừa được xây mới nhưng không phù hợp với một không gian làng cổ. Đầu tư bảo tồn, trùng tu các di tích lịch sử, nghệ thuật, không gian công viên, vườn dạo, thiết chế văn hóa, thể thao tại địa phương. Đặc biệt, tập trung phục hồi và tôn tạo hệ thống cây xanh, phát triển hạ tầng, không gian xanh, tạo lập được cảnh quan nông thôn hài hòa giữa kiến trúc và môi trường, có bản sắc riêng. Ngoài ra, xúc tiến các hoạt động du lịch với nhiều sản phẩm phong phú, đa dạng, phù hợp lứa tuổi, nhu cầu của du khách đến với thôn Phong Nam và Bồ Bản.

Đề án xây dựng “Làng văn hóa đặc trưng” tại thôn Phong Nam, xã Hòa Châu và thôn Bồ Bản, xã Hòa Phong đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 có tổng kinh phí dự kiến hơn 89 tỷ đồng. Trong đó, kinh phí thực hiện đề án tại thôn Phong Nam 75,33 tỷ đồng, thôn Bồ Bản 14,02 tỷ đồng. Mục tiêu của đề án là giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa, nét đẹp truyền thống; nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân, gắn với các tiêu chí “xã nông thôn mới nâng cao” và “xã nông thôn mới kiểu mẫu” cùng các yếu tố đặc trưng riêng của địa phương.

THIÊN DUYÊN

;
;
.
.
.
.
.