Nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật trong năm 2025

.

2025 là năm có nhiều ngày lễ lớn của đất nước, đồng thời là năm tổ chức đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2025-2030, tiến tới Đại hội lần thứ XIV của Đảng. Việc tổ chức tốt các hoạt động văn hóa, nghệ thuật không chỉ tạo niềm vui, phấn khởi cho nhân dân vui Xuân, đón Tết mà còn tạo khí thế và động lực mới, thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ công tác năm 2025 ngay từ những tháng đầu năm.

Nhiều chương trình lễ hội chào mừng năm mới tại Hòa Vang sẽ trình diễn điệu múa tung tung- da dá trên nền nhạc cổ truyền và tiếng cồng chiêng của đồng bào Cơ tu. Ảnh: GIA HUY
Nhiều chương trình lễ hội chào mừng năm mới tại Hòa Vang sẽ trình diễn điệu múa tung tung-da dá trên nền nhạc cổ truyền và tiếng cồng chiêng của đồng bào Cơ tu. Ảnh: GIA HUY

Đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc

Cùng với việc quan tâm chăm lo Tết cho người dân nông thôn, năm nay UBND huyện Hòa Vang tiếp tục tổ chức Lễ hội Tết Ất Tỵ 2025 từ ngày 17 đến 21-1-2025 diễn ra tại 3 khu vực chính gồm: Trung tâm Hành chính huyện Hòa Vang, tuyến đường Quảng Xương, phố đêm Túy Loan với nhiều không gian văn hóa đặc sắc gồm: Không gian Tết Việt; không gian phiên chợ Tết xưa; không gian thư pháp nghệ thuật; không gian trò chơi dân gian; điểm check-in trong không gian Tết Việt; cuộc thi ảnh “Ký ức Tết xưa”; trưng bày mâm cổ ngày Tết; hội thi nấu bánh chưng, bánh tét; diễu hành xe đạp hoa, biểu diễn quang gánh hàng Tết, du Xuân và các môn thi đấu dân gian…

Tại không gian Tết Việt, mỗi xã sẽ tái hiện lại phiên chợ Tết xưa gồm cửa hàng mậu dịch, gian hàng áo dài, gian hàng chợ hoa và trưng bày, bán các sản phẩm đặc trưng ngày Tết của địa phương phục vụ nhân dân.

Ông Nguyễn Thúc Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Hòa Vang cho biết, lễ hội Tết năm nay nhằm tôn vinh những nét đẹp văn hóa truyền thống, giúp người dân hiểu thêm về ý nghĩa của ngày Tết cổ truyền và các nghi lễ trong ngày Tết. Qua đó khơi dậy tình yêu quê hương nguồn cội, góp phần lưu giữ và phát huy những phong tục ngày Tết cổ truyền của dân tộc.

Bên cạnh Lễ hội Tết Ất Tỵ 2025, nhiều khu du lịch trên địa bàn huyện cũng đã lên kế hoạch tổ chức các chương trình lễ hội phục vụ du khách và người dân địa phương. Năm nay, khu du lịch Công viên suối khoáng nóng Núi Thần Tài tổ chức Lễ hội Thần Tài 2025 diễn ra xuyên suốt 15 ngày từ 30-1 cho đến hết ngày 13-2-2025 (nhằm ngày mồng 2 đến ngày 16-1 Âm lịch) với nhiều hoạt động ý nghĩa.

Trong khi đó, trong 3 ngày từ 30-1 đến 1-2-2025 (tức mồng 2, 3, 4 Tết Âm lịch), Làng Toom Sara Đà Nẵng sẽ tổ chức chương trình “Tết Làng - Tết Lành” 2025 với mong muốn mang đến cho du khách và người dân một không gian đón Tết ấm cúng, ý nghĩa và đầy ắp các hoạt động văn hóa truyền thống của cộng đồng. Đặc biệt, ngoài các trò chơi dân gian còn có chương trình sân khấu hóa không gian lễ hội của đồng bào Cơ tu với sự trình diễn điệu múa tung tung - da dá trên nền nhạc cổ truyền và tiếng cồng chiêng thiêng liêng.

Đa dạng các sự kiện

Với tầm nhìn phát triển du lịch văn hóa không chỉ góp phần quan trọng vào việc bảo tồn và phát huy các giá trị di sản mà còn nâng cao giá trị thương hiệu quốc gia trên bản đồ du lịch thế giới, trong thời gian qua thành phố đã chú trọng phát huy những giá trị truyền thống, lịch sử, văn hóa của người Đà Nẵng và xem đây là sức mạnh nội lực để xây dựng và phát triển thành phố trong giai đoạn mới. Đặc biệt, trong chương trình chào đón Tết Nguyên đán năm nay, thành phố tổ chức đa dạng các hoạt động văn hóa nghệ thuật từ truyền thống đến hiện đại, giúp người dân và du khách hòa mình vào một năm mới tràn đầy sức sống.

Điển hình là tại công viên bờ đông cầu Rồng sẽ diễn ra chương trình nghệ thuật mừng Đảng, đón Xuân 2025 do Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Đà Nẵng thực hiện vào ngày 17-1-2025; chương trình nghệ thuật đêm giao thừa mừng Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 và kỷ niệm 95 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam do Trung tâm Văn hóa thông tin và Thể thao quận Sơn Trà và nhà hát Trưng Vương thực hiện; chương trình nghệ thuật phục vụ Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 và chào mừng kỷ niệm 95 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam kéo dài từ ngày mồng 1 đến mồng 5 Tết do nhà hát Trưng Vương, Trung tâm Văn hóa Điện ảnh thành phố, nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh thực hiện.

Ngoài ra, còn có các chương trình văn hóa nghệ thuật đặc sắc khác như: Chương trình ảo thuật đường phố tại công viên bờ tây cầu Rồng, chương trình giao lưu văn hóa nghệ thuật “Vũ điệu sông Hàn” tại vòng bán nguyệt, chương trình phiên chợ ngày Tết tại Bảo tàng Đà Nẵng, chương trình “Tết sum vầy - Xuân yêu thương” tại Công viên APEC, triển lãm mỹ thuật “Tình xuân” tại Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng…

Theo Sở Văn hóa và Thể thao, trong đợt tuyên truyền chào đón Tết Nguyên đán Ất Tỵ và kỷ niệm 95 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, từ ngày 20-1 đến 7-2-2025 Sở Văn hóa và Thể thao phối hợp các quận, huyện, phường, xã, khu dân cư sẽ thực hiện 74 khối mô hình biểu trưng; 2.720 băng rôn; 137 bảng pano tấm lớn; 2.076 pano; 395 pano hộp; 4.974 phướn khẩu hiệu, phướn cờ; 7.240 cờ ngũ sắc lắp đặt trên các tuyến đường thành phố, các địa điểm công cộng, các cầu qua sông Hàn và các khu dân cư. Với cảnh quan trang hoàng đầy sắc xuân cùng nhiều hoạt động văn hóa lễ hội đặc sắc, hy vọng trong những ngày đầu năm mới, du khách và người dân sẽ lưu giữ những khoảnh khắc đáng nhớ khi cảm nhận những nét đẹp văn hóa truyền thống dân tộc giữa không gian thành phố biển xinh đẹp và yên bình.

GIA HUY

;
;
.
.
.
.
.